Phân tích bài thơ "Quê hương" của Tế Hanh

Thứ tư - 03/08/2016 07:45
Thi sĩ Tế Hanh sinh năm 1921, ở Quảng Ngãi, miền Trung. Năm 18 tuổi đang học trung học tại Huế, ông viết bài thơ "Quê hương". Bài thơ có 20 câu, mỗi câu có 8 chữ. Lời thơ trong sáng, hình ảnh sáng tạo, cảm xúc nồng hậu thiết tha. Tình yêu quê hương, lòng thương nhớ quê hương của đứa con xa quê được trang trải qua những vần thơ đậm đà, ý vị.
1. Hai câu thơ đầu, với hai chữ "làng tôi" cất lên đầy thương nhớ tự hào. Đó là một làng chài ven biển miền Trung. Sông nước bao la "bao vây". Làng cách xa biển "nửa ngày ông", một cách tính độ dài dân dã. Chữ "vốn" rất hay, nói lên nghề chài lưới là nghề chính rất lâu đời của làng tôi:
 
"Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới,
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông".
 
Sáu câu thơ tiếp theo nói về cảnh ra khơi đánh cá của trai tráng "làng tôi". Đó là những bình minh đẹp. Bầu trời trong sáng, gió nhẹ thổi, ánh mai hồng bừng lên. Các tính từ dùng rất chọn lọc, tạo nên hình ảnh đẹp: "trong", Giọng thơ nhỏ nhẹ, tâm tình. Như có tiếng reo:
 
"Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá"
 
Niềm vui đi chinh phục biển và khí thế ra khơi của bà con dân chài được thể hiện qua các hình ảnh con thuyền, cánh buồm, mái chèo đầy ấn tượng. Chiếc thuyền được so sánh với "con tuấn mã" đẹp phi nhanh lướt sóng ra khơi, đầy khí thế hăng hái. Mái chèo như lưỡi kiếm khổng lồ chém xuống, "phăng" xuống lòng sông.
 
 Cánh buồm trắng như "mảnh hồn làng" đang mang con thuyền "rướn" lên mặt sóng. So sánh cánh buồm với Mảnh hồn làng là rất sáng tạo nhằm nói lên khí thế lao động và khát vọng về ấm no, hạnh phúc của làng chài. Câu thơ "Rướn thân trắng bao la thâu góp gió" là một câu thơ rất đẹp gợi lên cánh buồm rất to, lớn, ôm trọn bầu trời, căng gió biển khơi. Các từ ngữ; "hăng", "phăng", "vượt", "rướn", "thâu góp" đã làm nổi bật sức mạnh, niềm tin tưởng tự hào vào khí thế ra khơi của đoàn thuyền đánh cá:
 
"Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
 Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang
 Cánh buồm trương, to như mảnh hồn làng
 Rướn thân trắng bao la thâu góp gió".
 
3. Hai khổ thơ 8 câu tả cảnh làng chài trong mùa cá. Vui như hội, bến đỗ "tấp nập" đông vui. Các hình ảnh: "cá đầy ghe" và "những cá tươi ngon thân bạc trắng" đã nói lên rất gợi cảm của một chuyến ra khơi may mắn, đánh bắt được nhiều cá tươi, cá ngon. Ba tiếng "nhờ ơn trời" là tiếng lòng cảm tạ thiên nhiên của những người dân chài chất phác, hồn hậu. Trời đã cho biển lặng sóng êm, một chuyến ra khơi may mắn. Vần thơ đầy màu sắc và hương vị biển:
 
"Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ
 Khắp dân làng tấp nập đón ghe về
 Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe
 Những con cá tươi ngon thân bạc trắng"
 
Yêu quê hương là yêu mến tự hào những chàng trai làng chài cường tráng có da ngăm rám nắng", được tôi luyện trong lao động, trong sóng gió mặn mòi của đại dương: "Cả thân hình nồng thở vị xa xăm". Yêu làng chài là yêu những con thuyền sau một chuyến ra khơi vất vả, trở về nằm ngủ im lìm trên bến. Con thuyền được nhân hóa gợi cảm cuộc sống lao động vất vả mà yên vui của bà con làng chài:
 
"Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm,
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ"
 
Các chữ: "im”, "mỏi", "nằm", "nghe", "thấm dần" rất gợi cảm và biểu cảm. Sự chuyển đổi cảm giác tài tình đã tạo nên vần thơ giàu cảm xúc và cảm giác.
 
4. Khổ cuối nói lên nỗi thương nhớ làng chài của đứa con li hương. Nhớ cảnh sắc cụ thể. Nhớ tha thiết bồi hồi. Cảm xúc ấy được diễn tả qua điệp ngữ "nhớ":
 
"Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
 Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi
 Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá".
 
"Tưởng nhớ" quê hương là nhớ màu "xanh của nước, màu "bạc" tươi ngon của cá. màu "vôi" bạc phếch vì nắng mưa của cánh buồm. Là nhớ hình bóng con thuyền làng chài "rẽ sóng ra khơi". Là nhớ "cái mùi nồng mặn quá" hương vị của biển, nơi chôn nhau cắt rốn thân yêu. Chữ "thoáng" rất hay, vừa gợi tả hình bóng con thuyền ra khơi mờ dần cuối chân trời dòng sông, vừa thể hiện niềm "tưởng nhở" trong hoài niệm.
 
Thi sĩ Tố Hữu đã ca ngợi thơ Tế Hanh là "những câu hát yêu thương". Nhà thơ Xuân Diệu nhận xét thơ Tế Hanh "như một dòng suối nhỏ nhưng là nguồn tình cảm trong lành, và bền vững". Đọc thơ "Quê hương", ta cảm thấy yêu thơ, hồn thơ Tế Hanh.
 
Với ông, nhũng cảnh sắc về bầu trời, dòng sông, con thuyền, chiếc buồm, bến đỗ, con cá... là màu sắc, hương vị, hình bóng quê hương thân yêu. Hình tượng thơ của Tế Hanh tuy bình dị thân thuộc mà hữu tình nên thơ. Những hình ảnh nhân hóa và so sánh trong "Quê hương" rất sáng tạo, đáng yêu. Ta càng thêm bồi hồi về một câu hát: "Quê hương nghĩa nặng tình sâu..".
Bản quyền bài viết thuộc về Sachgiai.com. Ghi nguồn Sách giải.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

THÀNH VIÊN

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây