Câu 1: Vì sao có sự ra đời của tổ chức Asean?
Trả lời:
- Sau hơn 20 năm đấu tranh giành độc lập, nhiều nước trong khu vực bước vào thời kỳ ổn định và phát triển kinh tế, nhiều nước có nhu cầu hợp tác với nhau để cùng giải quyết khó khăn và phát triển.
- Trong bối cảnh Mĩ ngày càng sa lầy trên chiến trường Đông Dương, họ muốn liên kết lại để một mặt giảm bớt sức ép của các nước lớn, mặt khác nhằm hạn chế ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội đang thắng lợi ở Trung Quốc, Việt Nam.
- Những tổ chức hợp tác mang tính khu vực trên thế giới xuất hiện ngày càng nhiều, nhất là sự thành công của Khối thị trường chung châu Âu (EEC) đã cổ vũ rất lớn đối với các nước Đông Nam Á.
Vì vậy mà ngày 8/8/1967, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (gọi tắt là ASEAN) được thành lập tại Băng Cốc với sự tham gia của 5 nước: Indonesia, Malayxia, Philippin, Thai Lan và Singapore. Với mục tiêu: Hợp tác giữa các nước thành viên nhằm phát triển kinh tế và văn hóa trên tinh thần duy trì hòa bình và ổn định khu vực.
Câu 2: Một trong những hoạt động trọng tâm hiện nay của Asean là hợp tác kinh tế. Là một thành viên của tổ chức này Việt Nam có những thuận lợi gì?
Trả lời:
Những thuận lợi khi Việt Nam là thành viên Asean:
- Nâng cao vị thế và tạo thế đứng vững chắc trên trường quốc tế, có tiếng nói trong việc định hướng phát triển chung của nền kinh tế thế giới thông qua những cuộc thương lượng và đàm phán, từ đó có điều kiện bảo vệ các quyền lợi và thực hiện các nghĩa vụ theo hướng có lợi cho quốc gia.
- Có điều kiện khai thác nhiều tiềm năng thông qua việc hợp tác đa dạng với nhiều đối tác để mở rộng và ổn định thị trường, tiếp cận nguồn vốn quốc tế, tạo môi trường hấp dẫn để đẩy nhanh tiến độ thu hút đầu tư nước ngoài, tiếp cận nhanh sự chuyển giao khoa học – công nghệ trên diện rộng và tham gia tích cực vào việc phân công lao động quốc tế.
- Thúc đẩy tiến trình cải cách và cơ cấu lại nền kinh tế linh hoạt và năng động hơn theo hướng nâng cao hiệu quả. Cụ thể là đẩy nhanh quá trình cải cách khu vực doanh nghiệp Nhà nước nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp, xoá bỏ cơ chế còn mang tính bao cấp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư và xuất nhập khẩu phát huy hơn nữa tiềm năng và thế mạnh của các thành phần kinh tế.
- Nâng cao khả năng nắm bắt và vận dụng có hiệu quả các quy tắc ứng xử theo chuẩn mực quốc tế, góp phần nhanh chóng đưa nền kinh tế của nước ta tiến lên phát triển ngang tầm quốc tế.
- Có điều kiện thực hiện tốt các quan hệ đối ngoại, góp phần tích cực trong việc duy trì an ninh thế giới, giữ vững và ổn định an ninh quốc gia để phát triển.
Câu 3: Em có nhận xét gì về nạn phân biệt chủng tộc ở Nam Phi?
Trả lời:
Nạn phân biệt chủng tộc ở Nam Phi được toàn thế giới biết đến với tên gọi là chế độ A-pác-thai, một chế độ phạm tội ác chống lại loài người. Ở chế độ này người dân Nam Phi đặc biệt là người da đen bị đối xử tàn độc, đoạ đày, phân biệt đối xử như nô lệ. Người da đen phải làm những công việc nặng nhọc, bẩn thiểu, lương chỉ bẳng 1/7 hoặc 1/10 lương của công nhân da trắng. Họ phải sống và chữa bệnh ở những khu riêng biệt, không được hưởng một chút tự do, dân chủ nào.
Bất bình với chế độ a-pác-thai, người da đen đã đứng lên đòi bình đẳng. Cuộc đấu tranh dũng cảm và bền bỉ của họ được sự ủng hộ của những người yêu chuộng tự do và công lý trên toàn thế giới, cuối cùng đã giành được thắng lợi.
Ngày 17-6-1991, chính quyền Nam Phi buộc phải hủy bỏ sắc lệnh phân biệt chủng tộc. Ngày 27-4-1994, cuộc tổng tuyển cử đa sắc tộc đầu tiên được tổ chức.
Luật sư da đen Nen-xơn Man-đê-la, người từng bị giam cầm suốt 27 năm vì đấu tranh chống chế độ a-pác-thai, được bầu làm Tổng thống. Chế độ phân biệt chủng tộc xấu xa nhất hành tình đã chấm dứt trước khi nhân loại bước vào thế kỉ XXI.
Câu 4: Từ nhiều năm qua, một số nước ở Châu Á đã đạt được sự tăng trưởng nhanh về kinh tế. Em hãy nêu một số dẫn chứng về sự tăng trưởng kinh tế đó ở một số nước.
Trả lời:
Nhiều năm qua một số nước có sự tăng trưởng thần kỳ về kinh tế như: Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, …
Một số dẫn chứng:
Đối với Ấn Độ:
Năm 2008, cuộc khủng hoảng cho vay tín chấp bùng phát ở Mỹ rồi lan ra khắp thế giới dẫn đến khủng hoảng tài chính tiền tệ toàn cầu. Kinh tế thế giới bước vào suy thoái. Đây được cho là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử kinh tế thế giới trong hơn 60 năm qua.
Trong khi đó, kinh tế Ấn Độ vẫn phát triển nhanh: từ 6,7% trong năm tài chính 2008-2009 lên 7,4% trong tài khóa 2009-2010. Báo cáo kinh tế giữa kỳ của Bộ Tài chính Ấn Độ dự báo kinh tế nước này có thể tăng trưởng 9% trong tài khóa 2010-2011 (bắt đầu từ 1/4/2010). Thủ tướng Manmohan Singh hy vọng kinh tế Ấn Độ tăng trưởng 9-10% trong vòng 25 năm tới. Trong báo cáo tháng 11/2010, ngân hàng Standard C-hartered cho rằng Ấn Độ có thể đạt mức tăng trưởng kinh tế nhanh hơn Trung Quốc ngay từ năm 2012 và trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, với GDP 30.000 tỷ USD vào năm 2030.
Những thành tựu kinh tế đầy ấn tượng của Ấn Độ đã góp phần thu hút mức đầu tư kỷ lục 38,27 tỷ USD của các nhà đầu tư và tổ chức tài chính nước ngoài vào trái phiếu và thị trường nợ, tính đến ngày 14/12/2010.
Ngành công nghiệp ôtô của Ấn Độ tăng trưởng chóng mặt, từ chỗ chiếm 1% GDP hiện tại có khả năng tăng lên 10% GDP vào năm 2016
Kinh tế tăng trưởng mạnh lấy lại thần sắc cho Ấn Độ. Thêm nhiều việc làm mới được tạo ra. Giới tiêu thụ lại kéo đến những trung tâm thương mại đông đúc, và các mặt hàng xa xỉ lại được nhập khẩu. Đối với giai cấp trung lưu Ấn độ lên tới 300 triệu người, thành phần đóng góp nhiều vào đà phát triển kinh tế nội địa, cuộc suy thoái toàn cầu giờ đây chỉ còn là một ký ức đã phai mờ.
Đối với Hàn Quốc:
Kinh tế Hàn Quốc là nền kinh tế phát triển, đứng thứ ba ở châu Á và đứng thứ 10 trên thế giới theo GDP năm 2006. Sau Chiến tranh Triều Tiên, kinh tế Hàn Quốc đã phát triển nhanh chóng, từ một trong những nước nghèo nhất thế giới trở thành một trong những nước giàu nhất. Cuối thế kỷ 20, Hàn Quốc là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong lịch sử thế giới hiện đại. GDP (PPP) bình quân đầu người của đất nước đã nhẩy vọt từ 100 USD vào năm 1963 lên mức kỉ lục 10.000 USD vào năm 1995 và 25.000 USD vào năm 2007.
Trong những năm 1970 đến 1980, Kinh tế Hàn Quốc tập trung vào ngành công nghiệp nặng và sản xuất ô tô. Với sự hỗ trợ của chính phủ, POSCO, một công ty sản xuất thép, được thành lập trong vòng gần 3 năm, là một xương sống đầu tiên cho nền kinh tế Hàn Quốc trong những năm tiếp theo. Ngày nay, POSCO là nhà sản xuất thép đứng thứ 3 trên thế giới. Hàn Quốc là nước đóng tàu lớn nhất trên thế giới với các công ty hoạt động đa quốc gia như Hyundai Heavy Industries và Samsung Heavy Industries luôn thống trị thị trường đóng tàu toàn cầu.