1. Trận Tốt Động - Chúc Động (cuối năm 1426)
Câu hỏi: Tháng 10/1426, địch tăng cường 5 vạn viện binh do Vương Thông chỉ huy kéo vào nước ta nhằm mục đích gì?
Từ cuối năm 1424 đến cuối năm 1426. Quân ta liên tiếp chủ động tấn công, địch lâm vào thế phòng ngự. Nên tháng 10/1426, 5 vạn viện binh do Vương Thông chỉ huy đã kéo vào nước ta nhằm lấy lại thế chủ động.
Câu hỏi: Trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã có hai câu thơ về thất bại thảm hại của quân Minh trong trận Tốt Động - Chúc Động. Em hãy trình bày hai câu thơ đó.
Hai câu thơ đó là:
“Ninh Kièu máu chảy thành sông, tanh hôi vạn dặm
Tốt Động thây chất đầy nội, nhơ để ngàn năm”.
2. Trận Chi Lăng - Xương Giang (tháng 10/1427)
Câu hỏi: Em hãy cho biết sự giống nhau trong cách đánh của nghĩa quân qua hai trận Tốt Động - Chúc Động và Chi Lăng - Xương Giang.
Giống nhau: Cả hai trận quân ta đều tổ chức phục binh, phục kích địch. Nghĩa quân năm vững đường hành quân của giặc, dựa vào địa hình để tổ chức phục kích, tiêu diệt sinh lực địch (trận Tốt Động - Chúc Động nghĩa quân phục binh địch ở Tốt Động - Chúc Động, trận Chi Lăng - Xương Giang nghĩa quân phục kích địch ở Chi Lăng, Cần Trạm, Phố Cát).
Câu hỏi: Vì sao sau chiến thắng Tốt Động - Chúc Động, nghĩa quân đã vây hãm thành Đông Quan nhưng không tập trung toàn lực để giải phóng trước Đông Quan mà lại quyết định tập trung lực lượng tiêu diệt đạo quân của Liễu Thăng đang kéo vào hướng Lạng Sơn?
Vì khi ta diệt được hơn 10 vạn quân chi viện, Vương Thông sẽ phải đầu hàng, nếu ta tập trung hạ thành Đông Quan trước thì lực lượng quân Minh khi ấy còn đông, ra sức cố thủ, không thể nhanh chóng hạ được thành. Việc này sẽ trở nên phức tạp hơn khi 10 vạn quân Liễu Thăng kịp tiếp ứng cho Vương Thông. Nên, nghĩa quân ta quyết định tiêu diệt viện quân trước khi hạ thành Đông Quan.
Câu hỏi: Bộ chỉ huy nghĩa quân quyết định phá thành Xương Giang trước khi cánh quân của Tổng binh Lương Minh tiến xuống Xương Giang đã gây cho địch những khó khăn gì?
Bộ chỉ huy nghĩa quân quyết định phá thành Xương Giang trước khi cánh quân của Tổng binh Lương Minh tiến xuống Xương Giang đã gây cho địch nhiều khó khăn: Quân địch không có thành luỹ che chở, phải co cụm giữa cánh đồng. Đây là thời cơ để nghĩa quân mở cuộc tấn công từ nhiều hướng, tiêu diệt gần 5 vạn tên, buộc Vương Thông phải chấp nhận mở hội thề, chiến tranh kết thúc.
Câu hỏi: Theo em, vì sao quân ta đã chiến thắng mà Lê Lợi còn tổ chức Hội thề Đông Quan ngày 10/12/1427 với tướng giặc là Vương Thông?
Lê Lợi tổ chức Hội thề Đông Quan ngày 10/12/1427 với tướng giặc là Vương Thông để tạo điều kiện an toàn cho quân Minh rút quân về nước. Điều này thể hiện lòng nhân đạo sáng ngời của Lê Lợi, của Bộ chỉ huy nghĩa quân, của nhân dân ta đối với kẻ bại trận. Đó cũng chính là truyền thống của dân tộc:
“Đem đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân để thay cường bạo”
Tại Hội thề Đông Quan, Vương Thông cam kết rút hết quân về nước. Đây là sự thất bại nhục nhã của những kẻ đi xâm lược. Đất nước sạch bóng quân thù, mở ra thời kì phát triển mới của dân tộc.
Câu hỏi: Hãy nêu những nguyên nhân thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
- Lòng yêu nước nồng nàn, niềm tự hào sâu sắc, ý chí kiên cường quyết tâm giành lại độc lập của nhân dân ta.
- Sự lãnh đạo đúng đắn, tài giỏi của bộ chi huy nghĩa quân, đứng đầu là Lê Lợi, Nguyễn Trãi.
- Chiến lược, chiến thuật đánh giặc đúng đắn, sáng tạo của bộ chỉ huy nghĩa quân.
- Tinh thần chiến đấu ngoan cường của nghĩa quân.
Câu hỏi: Nêu ý nghĩa lịch sử của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
- Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, kết thúc 20 năm đô hộ tàn bạo của phong kiến nhà Minh.
- Đất nước sạch bóng quân xâm lược, giành lại được độc lập, tự chủ.
- Mở ra thời kì phát triển mới của xã hội, đất nước, dân tộc Việt Nam - thời Lê sơ.