"Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao."
Câu ca dao đã cho ta một bài học quí báu và thực tế lịch sử của nước nhà cũng đã chứng minh được lời dạy trên.
Qua câu ca dao ta thấy người xưa đã dùng cách nói bóng bẩy, mượn hình ảnh của cây lá thiên nhiên để liên hệ đến con người: Một cây đứng riêng lẻ, dù có to lớn đến đâu thì cái cây ấy cũng lẻ loi, chỉ là một nét rất nhỏ mong manh trong cái nền rộng lớn của thiên nhiên. Và khi có một cơn gió mạnh thì nó sẽ dễ bị quật ngã. Trái lại có ba cây mọc gần kề, cành lá đan xen vào nhau tạo thànhg một vùng rộng lớn như một khu rừng, vững chãi như quả đồi, hòn núi, khó có gì lay chuyển được.
Từ sự quan sát hình ảnh trong thiên nhiên ấy, câu ca dao gợi cho ta liên tưởng đến sự đoàn kết, sự hợp quần trong cuộc sống con người. Nếu sự đoàn kết kia đã tạo nên sức mạnh thì con người phải biết yêu thương, gắn bó với nhau, kết thành một khối vững chắc để dễ dàng đi đến thành công. Đó chính là ý nghĩa mà ca dao muốn nhắn nhủ với người đời.
Trên thực tế, nếu có nhiều cánh tay, nhiều khối óc góp lại cùng làm thì công việc sẽ mau chóng hoàn thành dù cho công việc ấy có khó khăn đến đâu. Chắc chắn chúng ta không quên được câu chuyện "Bó đũa": Nếu lấy ra từng chắc thì bẻ gãy rất dễ dàng, còn để cả bó thì không có cách nào bẻ được. Từ xưa, sức mạnh của tinh thần đoàn kết đã được khẳng định là như thế.
Lần giở lại những trang sử hào hùng của dân tộc, ta càng hiểu rõ tình đoàn kết của dân tộc ta thật đáng tự hào. Nhờ nhân dân ta hết lòng ủng hộ, cùng nhau hợp lực lại đánh đuổi quân Nam Hán nên cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thắng lợi vẻ vang. Rồi đến chiến thắng lừng lẫy của Ngô Quyên trên sông Bạch Đằng, của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn ba lần đánh bại quân Nguyên ... đã nêu cao tinh thần đoàn kết chiến đấuchống giặc ngoại xâm của ông cha ta. Nếu trước kia dân tộc ta đã kiên cường đoàn kết bên nhau chống giặc phong kiến phương Bắc hàng nghìn năm thì cũng với tinh thần đoàn kết ấy nhân dân ta đã giành thắng lợi ở trận Điện Biên Phủ oai hùng với gần trăm năm kháng chiến. Trang sử vàng chưa khép lại thì một cuộc chiến khác gay go hơn, quyết liệt hơn như thử thách tình đoàn kết của dân tộc ta - cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, trẻ, già, gái, trai, ... cùng nhau góp sức chung vai gánh vác. Mỗi người một nhiệm vụ, mỗi người một tấm lòng ... coi như anh em một nhà, đoàn kết, siết chặt tay nhau, sống chết bên nhau với lòng quyết tâm giết giặc giải phóng đất nước. Cả nước tham gia kháng chiến. Với tinh thần gắn bó đaòn kết bên nhau ấy, mà chiến dịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã kết thúc bằng một thắng lợi vô cùng vẻ vang, thống nhất đất nước.
Tinh thần đoàn kết không những giúp cho công cuộc đấu tranh giữ nước đi đến thắng lợi mà nó cũng rất cần thiết trong sự nghiệp xây dựng nước nữa. Những công trình vỡ đất khai hoang, những công trình thủy lợi, thủy điện, những kết quả nghiên cứu khoa học, những kế hoạch phương án xây dựng đất nước ... không phải là nhờ công sức của một người nào mà là nhờ sức mạnh của tập thể, của những con người lao động sáng tạo đầy nhiệt tình yêu nước.
Nhìn lại sự việc ta càng thấm thía bài học về tinh thần đoàn kết. Ngay từ trong gia đình, nếu ta biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, đoàn kết một lòng thì cả gia đình luôn được thuận hòa, hạnh phúc. Ở địa phương, xóm làng, nhà nhà mọi người luôn đồng tâm hợp lực thì xóm làng ta sẽ ngày càng vững mạnh, yên vui. Và nhân dân cả nước nếu lúc nào cũng biết phát huy cao tinh thần đoàn kết, "chị ngã em nâng", thì đất nước sẽ vững bước đi lên, không một trở ngại nào làm chùn bước.
Tóm lại, câu ca dao là một lời dạy, một bài học quí báu: Sức mạnh của đoàn kết là vô địch. Cho nên đoàn kết là vấn đề cần thiết nhất để tạo nên sức mạnh giúp con người xây dựng cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc và mỗi người chúng ta cần hiểu rõ: Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết.