Cây lúa-một loại cây trồng quan trọng nhất trong nhóm ngũ cốc có nguồn gốc từ lâu đời.Theo kết quả của các nhà khảo cổ học,cây lúa có xuất thân từ vùng Đông Nam Á và Đông Dương,những nơi mà có nhiều di tích của cây lúa phát triển khoảng 10.000 năm trước Tây lịch.Sau đó, nghề trống lúa được phát triển vào các nước Á Châu như ngày nay.Do có những đặc điểm khác biệt nhau,lúa được chia thành hai loại:Japonica và Indica.Lúa Japonica sinh trưởng ở điều kiện khí hậu ôn hòa,có hạt tròn,khó bị gãy hoặc vỡ,khi nấu chín ,loại gạo này thường dính và dẻo.Lúa sản xuất ở Nhật Bản hầu hết là Japonica.Còn lúa Indica thường sinh trưởng và phát triển ở vùng khí hậu nóng ẩm có hạt gạo dài và dễ vỡ.Khác với lúa Japonica,loại lúa này khi nấu không bị kết dính.Tất cả các loại gạo có nguồn gốc từ Nam Á bao gồm Ấn Độ,Thái Lan,Việt Nam,Nam Trung Quốc là lùa Indica.
Cũng như các loại cây khác,cây lúa cũng có thân,lá,hoa,hạt,...Lúa là loài cây thực vật sống theo mùa vụ với thân có nhiều chiều cao khác nhau,có thể cao từ 1-1m80.Lá lúa mỏng,hẹp bản(2-2,5cm),dài từ 50-100cm.Hoa nhỏ thụ phấn nhờ gió,mọc thành cụm hoa phân nhánh cong hay rủ xuống dài từ 30-50cm.Hạt lúa là loại quả thóc(hạt nhỏ,cứng của các loại cây ngũ cốc,dài từ 5-12mm,dày từ 2-3mm).
Các giống lúa ở Việt Nam được phân loại rất đa dạng theo cấu trúc và hình dạng hạt gạo của chúng.Các giống ấy bao gồm:Nhóm ngắn ngày,nhóm trung mùa,nhóm địa phương.Ở nhóm mùa địa phương có hai loại lúa là lúa nàng thơm và lùa tài nguyên.Nhắc đến đây ta không thể không kế đến địa danh Long An-nơi có hai loại lúa nổi tiếng:Lúa nàng thơm chợ Đào và lúa huyết rồng.Do Việt Nam ta có khí hậu nhiệt đới gió mùa – một điều kiện sinh sống của lúa nên nó đều hiện diện trên cả ba miền Bắc,Trung,Nam của đất nước.Lúa thích hợp ở những nơi đất cũ,đã qua nhiều mùa vụ.Một đặc tính riêng của lúa là lúa rất thích nước.Vì vậy,những vùng đồng bằng phù sa màu mỡ trên lưu vực sông Hồng,sông Cửu Long đã trở thành vựa lúa chính của Việt Nam.
Lúa là loài cây gắn bó thân thiết vô cùng với người nông dân.Điều đó được thể hiện rất rõ trong cách đặt tên của những người hai sương, một nắng.Hạt mộng lúa ném xuống buổi sáng thì buổi chiều mộng “ngồi” được,tức là rễ bám được vào đất và mầm nhọn đã xuôi hướng lên trời.Khi mầm nhú lên có chút xanh xanh thì người dân gọi đó là mạ đã xanh “đầu”.Cây mạ non cấy xuống được vài ba hôm,lúa đâm rễ mới gọi lạ bén chân hay “đứng chân”.Sau đó,cây lúa sinh sôi bằng cách “đẻ nhánh”.Nhánh “con”,nhánh cái thi nhau mọc ra tạo thành khóm.Khi ấy,cả cánh đồng như cả biển lúa xanh rì.Dáng cây thon thả,mềm mại,sắc lá non tơ,đầy sức sống,gợi ra cái gì ấy tươi trẻ,xinh xắn,dịu dàng.Lúc đó,người đã gọi lúa là “lúa đang thì con gái”-là thời đẹp nhất của đời lúa,đời người.Cánh đồng lúa lúc này trải ra bát ngát đẹp tựa bức tranh.Hết thời kì xuân xanh,lúa chuyển sang giai đoạn “tròn mình”, “đứng cái” rồi ôm đòng.Đây chính là giai đoạn lúa phát triển nhanh,chỉ mươi hôm lúa trổ xong rồi chuyển sang giai đoạn mùa lúa chín.Người nông dân bắt đầu cắt lúa,tuốt lúa,phơi khô rồi xay xát thành gạo…
Cây lúa và hạt gạo có vai trò rất quan trọng trong đời sống người dân.Là người Việt ai cúng biết,lúa là loài cây lương thực chính-đi qua bao nắng mưa,bao lam lũ,tảo tần,đã nuôi lớn đời đời con cháu Việt Nam.Lúa cũng là loài cây có tầm quan trọng kinh tế.Không chỉ nuôi sống dân ta,lúa còn được xuất khẩu ra nước ngoài,đem ngoại tệ về cho đất nước,đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo,sau Thái Lan.Ngoài việc nuôi sống con người,hạt lúa,hạt gạo còn gắn bó với đời sống tinh thần của người Việt.Từ hạt gạo trắng ngần,hiền lành,người Việt đã tạo ra các loại các loại bánh mang nét dân dã nhưng ngon vô cùng.Nào là bánh bèo,bánh gối,bánh nậm,bánh khọt,bánh đa,..đến các loại bánh do gạo nếp như các loại xôi,đặc biệt là bánh chưng,bánh giày-truyền thuyết Lang Liêu.Loại bánh chưng,bánh giày này lúc trước chỉ có ở ngày tết cổ truyền nhưng hôm nay nó đã xuất hiện trong những ngày thường.Một thứ đặc sản từ lúa non ta luôn nhớ đến đó là cốm.Nhà văn lãng mạn nổi tiếng trước Cách mạng tháng tám Thạch Lam đã gợi cho ta những nét đẹp và đặc sắc của món cốm mang hương đồng cỏ nội qua bài “Một thứ quà của lúa non-cốm”.Trong đó,cốm làngVòng là vô cùng nổi tiếng.Cốm mang đến sự thanh khiết,tinh khôi của những nguyên liệu mộc mạc,tự nhiên,mang nét đẹp trong trắng như người thôn nữ,là niềm vui thích của trẻ thơ.Những món ăn từ lúa gạo,lúa nếp đã tạo nên một nền văn hóa ẩm thực độc đáo của Việt Nam.Một đời cây lúa trĩu hạt để dâng tặng con người.Đến lúc cái thân xác đã khô đi vẫn mang lại lợi ích vô cùng.Rơm làm chất đốt,đem lại những bữa cơm quê,tạo thành những tấm líp lợp nhà,che vách mang ,một dáng dấp hiền hòa rất đổi thơ mộng,bình yên.Khi nghề trồng nấm phát triển thì rơm càng có công dụng to lớn.Trong gian bếp nhà quê lúc nào mà chẳng có một đống vỏ trấu.Vỏ trấu là vỏ của gạo.Đó cũng là chất đốt giúp người dân nấu nướng.Ngoài ra,do giữ nhiệt tốt mà trấu còn dùng để ấp trứng,làm cho trứng nở.Ngày trước trấu còn dùng để giữ nhiệt cho nước đá không tan,hay giữ cho những quả vịt lộn trong các quang gánh của các bà các chị buôn bán qua ngày luôn ấm nóng.Cây lúa có lợi ích vô cùng.Chính vì thế mà người dân đã không tiếc lời nói về lúa,về người bạn thân thiết này:
“Nắng tốt dưa,mưa tốt lúa.”
Hay “Người đẹp vì lụa,lúa tốt vì phân.”
Hoặc “Nhai kĩ no lâu,cày sâu tốt lúa.”
Ngoài ra còn có bài hát vô cùng quen thuộc:
“Tôi hát bài ca ngợi ca cây lúa
Và người trồng lúa cho quê hương”.
(Bài ca cây lúa,Hoàng Vân)
Hình ảnh bông lúa chín vàng còn xuất hiện quốc huy đất nước Việt Nam,thể hiện tầm quan trọng của nó trong đời sống người dân Việt.
Cây lúa là loài cây gắn bó rất thân thiết với người dân Việt.Nó không chỉ cho bà con đời sống no đủ mà còn tạo nên nét đẹp trong đời sống tinh thần,văn hóa của dân tộc.Cây lúa thân yêu!Tôi thầm gọi tên loài cây thấm đẫm tình người và hồn quê với biết bao trìu mến.Với lúa,càng nắng mưa sương gió càng nồng nàn hòa quyện thân thương.