Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên,
Lời dạy dó bao năm qua đã cổ vũ, khích lệ thanh niên phấn đấu khắc phục muôn vàn khó khăn trong cuộc sống.
Không biết ai đã nói rất đúng “sống là hành trình khắc phục khó khăn”. Con người ta muốn sống thì phải có ăn, có mặc, có chỗ ở, có kiến thức, có việc làm, được bảo vệ... Muốn có các thứ ấy con người phải vượt qua bao nhiêu khó khăn mới đạt được. Khó khăn trong bản thân, trong xã hội, trong tự nhiên. Các Mác từng nói: “Sống tức là đấu tranh”, cũng có nghĩa là đấu tranh khắc phục mọi khó khăn, trở ngại trên con đường đi tới.
Nhưng người ta thường có thái độ khác nhau trước khó khăn. Có người thấy khó khăn thì run sợ, chùn bước, ngã lòng, né tránh. Kết quả là họ buông xuôi, mặc cho số phận rủi may xô đẩy. Trái lại, đối với những con người tích cực thì khó khăn không làm họ thối chí, mà chỉ làm cho họ thêm mạnh mẽ. Lời khuyên của Bác Hồ nhằm tăng thêm sức mạnh cho tuổi trẻ.
“Không có việc gì khó” - có vẻ như phủ nhận mọi khó khăn ở đời, nhưng thật ra không có ý xem mọi vật ở đời là bằng phẳng và dễ dàng. Khó khăn ở đời là một thực tế không ai phủ nhận được. Nhưng khó và dễ là tương đối, phụ thuộc vào ý chí của con người. Con người có ý chí thì biến khó khăn thành cái có thể vượt qua, khắc phục mọi khó khăn, dù cho đó là việc tày trời như đào núi, lấp biển:
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên.
Lời dạy của Bác Hồ đề cao đến mức tuyệt vời vai trò sức mạnh ý chí của con người trong mọi việc, đặc biệt là ý chí của nhân dân, của tập thể, của người cách mạng. Người từng dạy quân đội ta: “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cùng đánh thắng”. Người từng khuyên cán bộ ta: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Hoàn toàn không phải là Bác Hồ khinh thường khó khăn, chủ trương “ý chí luận”, mà là Người rất coi trọng yếu tố chủ quan của con người. Bởi vì nếu thiếu đi yếu tố đó thì dù điều kiện có thuận lợi đến đâu cũng dễ dàng bị bỏ qua, không được tận dụng.
Trong lời khuyên của Bác có một câu rất quan trọng: “Chỉ sợ lòng không bền”. Không sợ khó mà lại sợ lòng không bền. Câu nói đó nói lên một nhược điểm thường gặp của con người là sợ gian khổ, dễ ngã lòng. Chính vì con người thường sợ khó cho nên việc khó lại càng khó! Đặc biệt là khi làm việc lớn, như đào núi lấp biển, kháng chiến chống giặc thì lại càng phải bền lòng hơn nữa. Có người nói: “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông” cũng là nói về ý này.
Bản thân Bác Hồ là một tấm gương nêu cao ý chí quyết tâm vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng. Hồi còn thanh niên Bác từng rủ một người bạn đi sang Pháp. Khi người bạn hỏi lấy tiền đâu mà đi, Bác Hồ đã đưa hai bàn tay lên và trả lời: “Đây, tiền đây”. Nghĩa là Người sẵn sàng làm bất cứ việc gì để có tiền ra đi cứu nước. Và Người đã làm bồi bàn, làm thợ ảnh, làm phụ bếp... để hoạt động cách mạng. Khi bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam tại nhà ngục Quảng Tây, Người lại tự khuyên mình bằng bài thơ Đi đường.
Đi đường mới biết gian lao,
Núi cao rồi lại núi cao chập chùng,
Núi cao lên đến tận cùng,
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.
Ở đây lại xuất hiện tinh thần khắc phục khó khăn: Nếu quyết tâm bền bỉ leo lên đến tận cùng, thì rừng núi chập chùng trùng điệp cũng bị khuất phục.
Tóm lại, với một bài thơ ngắn năm chữ, dễ thuộc, Bác Hồ đã khuyên thanh niên ta nêu cao vai trò quyết định của nhân tố con người trong việc khắc phục khó khăn. Đó không phải là một lời khuyên lí thuyết, mà là lời khuyên đã được kiểm nghiệm bằng cuộc đời hoạt động cách mạng vẻ vang của Người, bằng quá trình đấu tranh cách mạng anh hùng của nhân dân ta.
Vâng lời Bác Hồ dạy quân dân ta đá giành nhiều thắng lợi vẻ vang trong hai cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp và xâm lược Mĩ. Tiếp tục Vâng theo lời Bác, nhất định nhân dân ta sẽ còn giành được nhiều thắng lợi hơn nữa trong công cuộc xây dựng đất nước ngày nay.