I. PHẦN VĂN BẢN (3đ)
Câu 1 (1đ): Chép đúng và đủ đoạn văn bản sau đây:
Từng nghe:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.
(...)
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,
Song hào kiệt đời nào cũng có.
Câu 2 (1đ): Tên văn bản có đoạn văn trên là gì? Tác giả là ai? Được viết vào lúc nào? Viết theo lối văn, thể văn gì?
Câu 3 (1đ): Qua hai câu “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân - Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”, có thể hiểu cốt lõi tư tưởng nhân nghĩa của tác giả là gì? Người dân mà tác giả nói tới là ai? Kẻ bạo ngược mà tác giả nói tới là kẻ nào?
II. PHẦN TIẾNG VIỆT (2đ)
Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:
(...)
"- Bà lên đây làm gì thế?
- Đã bảo lên kiếm cơm ăn mà lại!
Cái đĩ không tin thế. Nhưng nó cũng không hỏi nữa. Nó nhìn bà một lúc...
- Da bà xấu quá! Sao giờ bà gầy thế?
- Chỉ đói thôi cháu ạ. Chẳng sao hết.
- Lúc này bà ở cho nhà ai?
- Chẳng ở với nhà ai.
- Thế bà lại đi buôn à?
- Vốn đâu mà đi buôn? Với lại có vốn cũng không đi được, nhọc người lắm."
("Một bữa no" - Nam Cao)
Câu 1 (1đ): Trong đoạn hội thoại trên có bao nhiêu nhân vật tham gia giao tiếp? Các nhân vật có mối quan hệ gì với nhau? Xác định vai xã hội của các nhân vật đó.
Câu 2 (1đ): Đoạn hội thoại có bao nhiêu lượt lời? Xác định lượt lời của từng nhân vật (theo số thứ tự).
III. PHẦN TẬP LÀM VĂN (5đ)
Nhà văn Nguyễn Bá Học có nói:
"Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông".
Em hiểu câu danh ngôn trên như thế nào? Từ đó, em rút ra được bài học gì cho bản thân?
----------------------------------------------------
ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM
I. PHẦN VĂN BẢN (3đ)
Câu 1:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Song hào kiệt thời nào cũng có.
Câu 2:
- Tên văn bản: Nước Đại Việt ta (hoặc Bình Ngô đại cáo).
- Tác giả: Nguyễn Trãi.
- Thời điểm sáng tác: Đầu năm 1428 (sau khi quân ta đại thắng quân Minh).
- Lối văn biền ngẫu, thể cáo (nghị luận cổ).
Câu 3:
- Cốt lõi tư tưởng nhân nghĩa trong hai câu trên là yên dân, trừ bạo. Muốn yên dân phải trừ bạo và trừ bạo chính là để yên dân.
- Người dân mà tác giả nói ở đây là nhân dân Việt Nam. Còn kẻ bạo ngược là giặc Minh xâm lược lúc bấy giờ.
II. PHẦN TIẾNG VIỆT (2đ)
Câu 1: Trong đoạn văn trên có hai nhân vật tham gia giao tiếp.
- Họ có mối quan hệ bà cháu (gia đình thân thuộc)
- Vai xã hội: Quan hệ trên - dưới (thứ bậc trong gia đình)\
Câu 2: Đoạn hội thoại có 8 lượt lời:
- Lượt lời người cháu: 1-3-5-7
- Lượt lời người bà: 2-4-6-8
III. PHẦN TẬP LÀM VĂN (5đ)
1. Mở bài:
- Sức mạnh của ý chí quyết định sự thành bại trong mọi công việc. Thiếu ý chí thì sẽ khó vượt qua trở ngại để thành công.
- Dẫn câu danh ngôn.
2. Thân bài:
a. Giải thích ý nghĩa câu nói:
- Nghĩa đen: Đường đi có nhiều chướng ngại, vất vả. Ta muốn đến nơi phải quyết tâm vượt qua núi cao sông sâu.
- Nghĩa bóng:
+ Đường: Dẫn đến đích mà con người muốn đạt được
+ Sông, núi: Những trở ngại lớn của hoàn cảnh khách quan.
+ Lòng người: Ý chí, nghị lực của con người.
- Sức mạnh của ý chí giúp con người vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để thành công.
b. Vì sao đường đi không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông:
- Vì sao đường đi không khó vì những trở ngại khách quan? (Trong cuộc đời tuy có nhiều trở ngại thật, nhưng không phải là không thể chiến thắng. Núi cao đến mấy, sông rộng đến mấy, người ta vẫn có thể vượt qua. Cũng vậy, mọi khó khăn, gian lao trên đường đời chỉ là thử thách ý chí, nghị lực của ta chứ không thể làm cho ta lùi bước nếu ta quyết tâm).
- Vì sao đường đi lại khó vì lòng người ngại núi e sông? (Điều kiện quyết định để thực hiện ý muốn của mình là ý chí và nghị lực. Với lòng quyết tâm, con người có thể vượt qua thử thách để đạt mục đích mà mình đã chọn. Thiếu ý chí, thiếu nghị lực thì cho dẫu đường đời thuận lợi, cũng khó vượt qua để đến đích).
* Dẫn chứng:
- Trong sách vở, tác phẩm văn học.
- Trong lịch sử, trong thực tế (gương các danh nhân, các gương vượt khó trong cuộc sống...)
c. Rút ra bài học:
Xem việc rèn luyện ý chí là không thể xao lãng. Chỉ có quyết tâm vượt khó mới đem lại thành công trên đường đời.
3. Kết bài:
- Câu danh ngôn là một chân lí, khẳng định vai trò của ý chí, quyết tâm và nghị lực trong cuộc sống.
- Liên hệ thực tế bản thân trong học tập và cuộc sống.