PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu:
Chiều mộng hoà thơ trên nhánh duyên,
Cây me ríu rít cặp chim chuyền.
Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá,
Thu đến - nơi nơi động tiếng huyền.
Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu,
Lả lả cành hoang nắng trở chiều.
Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn,
Lần đầu rung động nỗi thương yêu.
(Thơ duyên - Xuân Diệu)
1. Khái quát thời gian, không gian của những hình ảnh được miêu tả trong hai khổ thơ. Chỉ ra những mối hoà duyên trong đó.
2. Ở câu thứ hai và thứ ba của khổ thơ thứ nhất nhà thơ đã sử dụng thủ pháp nghệ thuật gì? Tác dụng của thủ pháp nghệ thuật ấy?
3. Chỉ ra các từ láy ở khổ thơ thứ hai. Trình bày cảm nhận về hình ảnh, chất nhạc của hai câu đầu khổ thơ này.
4. Phân tích sự tinh tế của Xuân Diệu khi diễn tả mối duyên đầu giữa đôi bạn ở hai câu sau của khổ hai.
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Nhiều lúc mình cũng không ngờ rằng mình đã đến đây. Không ngờ rằng trên mũ là một ngôi sao. Trên cổ áo là quân hàm đỏ. Cuộc đời bộ đội đến với mình tự nhiên quá, bình thản quá và cũng đột ngột quá (...). Hai mươi tám ngày trong quân ngũ mình hiểu được nhiều điều có ích, sống được nhiều ngày có ý nghĩa. Dọc đường hành quân, có dịp xem lại lòng mình, soát lại lòng mình... Mình đã khóc, nước mắt giàn giụa, khi các bạn tiễn mình đi, khi buổi lễ kết thúc, khi bài Quốc ca rung bầu không khí trong lành trên trường Tổng hợp. Bản nhạc này đây, bao lần mình đã nghe, đã cúi đầu suy nghĩ. Nhưng hôm nay mới thực hiểu, thực cảm một điều giản dị: Bài Quốc ca của ta, của ta!... Khóc, không phải vì hèn yếu, không phải vì buồn bã, mà vì xúc động. Vì buổi chia tay này thiêng liêng quá. Những người bạn thân yêu nhất của mình không thể tiễn mình đi được. Và bàn tay ấy, và đôi mắt ấy, giọng nói ấy... Lên xe rồi, xe nổ máy. Xe Việt Nam sản xuất, tiếng động cơ như tiếng tim mình vậy.
(Trích nhật kí của Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc Mãi mãi tuổi hai mươi, NXB Thanh niên, 2005)
5. Nội dung cơ bản của đoạn trích trên là gì? Hãy đặt một cái tên cho văn bản.
6. Nêu các câu cảm thán trong đoạn nhật kí trên. Phân tích cảm xúc của người viết ở câu: “Nhưng hôm nay mới thực hiểu, thực cảm một điều giản dị: Bài Quốc ca của ta, của ta !”
7. Anh/chị hiểu như thế nào về nỗi lòng tác giả cuốn nhật kí qua thủ pháp so sánh: “Xe Việt Nam sản xuất, tiếng động cơ như tiếng tim mình vậy”?
8. Hãy viết một đoạn văn trình bày cảm nghĩ của mình về chủ nhân đoạn nhật kí trên.
PHẦN II. LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1 (3 điểm)
Trong cuộc sống, đừng tham vọng nhưng phải có khát vọng. Trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.
Câu 2 (4 điểm)
Phân tích cảm nhận về đất nước, ý thức trách nhiệm trước vận mệnh đất nước ở đoạn thơ sau của Nguyễn Khoa Điềm:
Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng ta hài hoà nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất Nước vẹn tròn, to lớn
Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang Đất Nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng
Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời...
(Trích Đất Nước - trường ca Mặt đường khát vọng, Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014)
ĐÁP ÁN
Phần I:
1. Thơ duyên diễn tả bao mối hoà duyên tình tứ giữa thiên nhiên với thiên nhiên, lòng người với lòng người ở một buổi chiều thu êm ái. Khổ 1 diễn tả mối hoà duyên của thiên nhiên ở một khu vườn trong “chiều mộng”. Khổ thơ thứ hai dẫn người đọc đến một con đường “nhỏ nhỏ”, ở đó có sự hoà duyên của đôi bạn trong buổi đầu rung động nỗỉ thương yêu.
2. Câu thứ hai và thứ ba của khổ thơ thứ nhất sử dụng thủ pháp đào ngữ. Thủ pháp nghệ thuật này có tác dụng nhấn mạnh âm thanh ríu rít của cặp chim đang chuyền trên cành me, gây ấn tượng về tầng lớp của hình ảnh: bầu trời đang đổ xuống qua muôn lá, về màu xanh trong của trời thu (xanh ngọc).
3. Ở khổ thơ thứ hai có ba từ láy hoàn toàn: nhỏ nhỏ, xiêu xiêu, lả lả. Đó là các từ láy giàu sức gợi tả và đã tạo nên chất hoạ, chất nhạc đặc sắc cho lời thơ.
Nét bút của Xuân Diệu như mềm mại lượn nhẹ vẽ nên một con đường thu xinh xắn, gió xiêu xiêu nơi hàng cây và những cành hoang dập dìu uốn mình theo làn gió. Lời thơ như dẫn người đọc vào một thế giới âm nhạc êm ái, dìu dặt và đang trôi dần, tan chảy. Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh từng cảm nhận rất tinh tế về hai câu này của Thơ duyên: Xuân Diệu đã chịu mất đi một chút rõ ràng để được thêm rất nhiều mơ mộng. Cảnh như theo lời thơ mà tan ra…
4. Xuân Diệu đã diễn tả thật tinh tế mối duyên đầu giữa đôi bạn trên con đường thu. Có sự trùng hợp giữa “buổi ấy” và “lần đầu”. Đó là khi trái tim bắt đầu lạc nhịp, cảm xúc yêu đương chớm nở. “Lòng ta nghe ý bạn” là mối duyên ngầm giữa hai lòng chứ đâu đã cất nên lời. Diễn tả thời điểm này, thi sĩ dùng cụm từ “nỗi thương yêu”. Đó là trạng thái cảm xúc ở giữa tình bạn và tình yêu. Nó không còn là thương nhưng cũng chưa đủ đậm để thành yêu.
5. Văn bản thuộc thể nhật kí. Nguyễn Văn Thạc đã bộc bạch chân thành cảm nghĩ của mình trong những ngày đầu tạm biệt giảng đường Đại học vào quân ngũ. Dựa vào nội dung cơ bản đó mà đặt một cái tên cho đoạn trích.
6. Các câu cảm thán trong đoạn trích:
“Cuộc đời bộ đội đến với mình tự nhiên quá, bình thản quá và cũng đột ngột quá”, “Nhưng hôm nay mới thực hiểu, thực cảm một điều giản dị: Bài Quốc ca của ta, của ta!”.
Cảm xúc của người viết ở câu cảm thán thứ hai:
- Ở bước ngoặt lớn lao của cuộc đời, con người ta thường nảy sinh những ý nghĩ, những cảm xúc trước đó mình chưa thể có hoặc có chưa rõ, thường thấm thìa vẻ thiêng liêng trong những điều giản dị, quen thuộc.
- Ở thời điểm này, người lính trẻ cảm nhận sâu sắc hồn thiêng của đất nước trong bài Quốc ca mình đã nghe, đã hát nhiều lần. Truyền thống và nghĩa vụ thật trang trọng mà gần gũi, thiết tha như máu thịt.
- Hai lần khẳng định “của ta” càng chứng tỏ niềm tự hào cùng lòng xúc động sâu sắc, “Ta” đây là đất nước, dân tộc nhưng cũng là cá nhân người viết.
7. “Xe Việt Nam sản xuất, tiếng động cơ như tiếng tim mình vậy”. Câu văn này thể hiện lòng tự hào dân tộc. So sánh tiếng động cơ cho thấy tâm trạng rạo rực, hồi hộp của người viết một tâm hồn đang náo nức trước giây phút đặc biệt của cuộc đời.
8. Bằng rung động, sự đồng cảm của mình, học sinh viết đoạn văn về vẻ đẹp của chủ nhân đoạn nhật kí. Nên chú ý đến chi tiết “nước mắt giàn giụa” ở buổi chia tay thiêng liêng, ý nghĩa của “khóc vì xúc động” được người viết bộc lộ chân thảnh. Cảm nghĩ của mỗi người có thể không hoàn toàn giống nhau nhung tinh thần cơ bản của ý này phải là: Người viết là một người thanh niên trí thức của thời đại cả nước ra trận đánh đế quốc Mĩ; một người lính trẻ có tâm hồn đa cảm mà trong sáng, giàu tình yêu nước, tự hào với vị trí, trách nhiệm vè vang của mình.
PHẦN II
Câu 1. Mở bài
Giới thiệu ý kiến. Nêu vắn tắt hoàn cảnh sử dụng các từ “tham vọng” “khát vọng.
Thân bài
* Giải thích các khái niệm “tham vọng”, “khát vọng”
- Tham vọng là ham muốn đạt dược một điều gì to lớn, vượt xa tình hình thực tại và năng lực bản thân. Nó xuất phát từ lòng tham lam, sự hiếu thắng và vị kỉ. Người mang tham vọng thường chỉ mong muốn được lợi cho bản thân mình mà chẳng cần quan tâm đến lợi ích của những người khác, thậm chí có thể bất chấp pháp luật, đạo lí, chà đạp lên đạo đức, tình người chỉ để đạt bằng được mục đích của mình. Ví dụ: tham vọng bành trướng, tham vọng địa vị, quyền lực để nổi danh, để mọi người phải phục tùng, tham vọng tiền tài, của cải…
- Khát vọng là mong muốn những điều lớn lao, tốt đẹp cho bản thân mình và cho mọi người. Nó gắn với sự thôi thúc mạnh mẽ trong tinh thần, với ý chí phấn đấu và ước ao dâng hiến. Người mang khát vọng là người ý thức được hoàn cảnh, tự hiểu được năng lực của bản thân, sống và hành động với niềm tin, niềm lạc quan trong trẻo và mãnh liệt. Khát vọng chính là động lực tinh thần quan trọng đề con người ta gặt hái những thành quả, làm nên những kỉ tích mới trong cuộc sống.
* Phân tích, bàn luận về ý kiến
- Trong cuộc sống đừng nên tham vọng.
+ Khi tham vọng, con người ta không còn ý thức đúng đắn về bản thân mình, không còn tỉnh táo để cân nhắc lợi, hại cho mọi người, cho bản thân. Nếu quá ráo riết theo đuổi tham vọng, con người sẽ trở nên mù quáng, sẽ gây hại cho mọi người, cho xã hội, còn tự mình sẽ nhận lấy nhiều hậu quả khôn lường.
+ Khi tham vọng, con người ta quên đi những tình cảm bình thường, dễ trở nên lạnh lùng, tàn nhẫn. Vì theo đuổi tham vọng, con người cũng dễ trở nên cay cú, hận thù, tâm hồn mất đi sự an bình, thanh thản. Hiển nhiên, đó không thể là hạnh phúc.
- Trong cuộc sống, cần phải có khát vọng (đây là ý cần phân tích, bàn luận nhiều hơn so với ý trên).
- Có khát vọng con người mới hiểu được đầy đủ ý nghĩa của cuộc sống, mới thực sự tham thía hạnh phúc của việc làm người. Khát vọng chân chính đem tới cho con người niềm vui sống, động lực sống.
+ Khát vọng kích thích con người ta phát huy trí tuệ, năng lực của mình để đóng góp những điều có ích cho cộng đồng, cho xã hội. Xưa nay, những con người cao cả thường mang hoài bão lớn và phấn đấu bền bĩ, hi sinh đến cùng cho hoài bão, lí tưởng tốt đẹp ấy.
+ Nếu không nuôi khát vọng, không mang niềm tin trong trẻo, mãnh liệt về tương lai, con người không có ý chí, sức mạnh để chiến thắng những trở ngại, thử thách. Hoài bão đẹp đem tới cho con người ta sự tự tin, niềm tự hào chính đáng.
(Quá trình khai triển các ý trên cần gắn với các dẫn chứng cụ thể và sự phê phán điều trái ngược).
* Ý nghĩa của ý kiến
Trong cuộc sống cần tỉnh táo và phải biết ước mơ. Con người cần tiết chế tham vọng, khi nhận ra tham vọng thì phải tỉnh táo điều chỉnh bản thân. Mặt khác, mỗi chúng ta cần ấp ủ, nuôi dưỡng những khát vọng chính đáng và không ngừng nỗ lực vươn tới những khát vọng đó.
(Các em có thể liên hệ với bản thân mình và từ đây kết bài).
Câu 2. Những ý chính cần có:
* Giới thiệu chung về chương thơ Đất Nước và đoạn thơ phân tích
- Trường ca Mặt đường khát vọng được Nguyễn Khoa Điềm hoàn thành tại chiến khu Trị Thiên vào năm 1971, viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ thế hệ thanh niên học sinh, sinh viên ở các đô thị vùng tạm chiếm miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Thế hệ này trưởng thành nhanh chóng trong khói lửa chiến tranh, nhận thức ngày một sâu sắc về truyền thống dân tộc, về nhân dân, từ đó thấm thía hơn trách nhiệm của mình, siết chặt đội ngũ xuống đường tham gia phong trào đấu tranh đòi thống nhất đất nước. Đất Nước là chương 5 của bản trường ca - chương tập trung trình bày những khám phá, cảm nhận mới mẻ về đất nước.
- Với tính chất trữ tình - chính luận, qua hình thức nhân vật “anh” tâm tình, luận bàn với “em”, chương thơ Đất Nước khám phá, cảm nhận về đối tượng đất nước theo một trình tự khá mạch lạc. Nguyễn Khoa Điềm lần lượt trả lời ba câu hỏi lớn: Đất Nước có tự bao giờ? Đất Nước ở đâu? Ai làm nên Đất Nước? Khi trả lời câu hỏi Đất Nước ở đâu, nhà thơ trình bày quá trình khám phá, cảm nhận ngày càng sâu sắc. Ban đầu, Đất Nước là những gì gần gũi ở xung quanh ta, ở bên ngoài ta. Về sau, Nguyễn Khoa Điềm khẳng định Đất Nước có ở trong ta, Đất Nước có trong mỗi người, từ đó đi đến nhắc nhở một cách tự nhiên, thấm thía về trách nhiệm trước vận mệnh Đất Nước. Đoạn thơ phân tích thể hiện sâu sắc nội dung ấy.
* Phân tích khám phá, cảm nhận về Đất Nước ở chín dòng thơ đầu
- Đất Nước có trong anh và em, có trong mỗi con người đang sống hôm nay.
- Đất Nước ngày càng vẹn tròn, to lớn trên bình diện không gian, qua liên kết cộng đồng. Chú ý nội dung tâm tình, luận bàn qua diễn đạt theo lối tăng cấp của nhà thơ: Trong anh và em - “Hai đứa” cầm tay thành ‘‘chúng ta” - “Chúng ta” cầm tay “mọi người” (3 cấp độ). Ở mỗi cấp độ, nhà thơ sử dụng những từ ngữ thích hợp, giàu tính biểu cảm (hài hoà nồng thắm, vẹn tròn, to lớn).
- Đất Nước ngày càng đẹp giàu theo chiều dài thời gian. Những thế hệ sau (con ta) sẽ tiếp nối mà đưa Đất Nước đến những bờ bến mới (những tháng ngày mơ mộng).
- Cảm hứng lạc quan về tương lai Đất Nước trong khi thực tại còn nhiều thử thách, gian khổ, giọng điệu thơ thế hiện niềm mơ mộng.
* Phân tích ý thức trách nhiệm trước vận mệnh Đất Nước trong lời nhắc nhở ở bốn dòng thơ sau
- Nhận thức sâu sắc, cảm nhận sự gắn bó máu thịt khi viết “Đất Nước là máu xương của mình”.
- Ý thức hoà nhập, tinh thần dâng hiến thể hiện qua các từ gắn bó, san sẻ, hoá thân...
- Nhân sinh quan cách mạng của con người thời đại mới cùng ý thức tiếp nối truyền thống ông cha để “làm nên Đất Nước muôn đời”.
- Trách nhiệm trước vận mệnh Đất Nước được gợi nhác bàng giọng điệu đặc sắc: sự kết hợp giữa giọng điệu yêu cầu trang trọng, mệnh lệnh dứt khoát (hai lần Phải biết) với giọng điệu tâm tình ngọt ngào (Em ơi em...của mình).
- Lời yêu cầu, nhắc nhở “em” cũng là lời tự nhắc nhở chính mình nên càng thấm thía, tạo mối đồng cảm sâu rộng (trong đại từ mình này có em và có cả chính anh).
* Kết luận
- Đoạn thơ thể hiện nhận thức, cảm xúc sâu sắc trước một đối tượng tưởng chừng đã rất quen thuộc.
- Việc sử dụng ngôn ngữ, giọng điệu tâm tình, luận bàn khiến đoạn thơ càng có sức lay động tâm hồn, nhận thức của bạn đọc.
- Đoạn thơ nói riêng, trường ca Mặt đường khát vọng nói chung có sức lay động lớn lao đối với thế hệ trẻ Việt Nam trong thời đại chống đế quốc Mĩ xâm lược. Trong bối cảnh hiện nay, đoạn thơ càng có ý nghĩa. Đó vẫn là lời nhắc nhở thấm thía về trách nhiệm trước vận mệnh đất nước đối với các thế hệ người Việt.