Vậy muốn hiểu được nội dung và hình thức của truyện Vi hành, ta trước hết cũng phải tìm hiểu Nguyễn Ái Quốc viết tác phẩm ấy cho ai đọc và viết để làm gì, nghĩa là mục đích chính trị và đối tượng tác động chính trị Gia thiên truyện ngắn.
Giữa năm 1922, thực dân Pháp đưa vua bù nhìn Khải Định sang Pháp dự cuộc đấu xảo thuộc địa (một thứ hội chợ ở Mác-xây, âm mưu của chúng là để lừa gạt nhân dân Pháp: vị quốc vương An Nam sang Pháp để tỏ thái độ hoàn toàn thuần phục "mẫu quốc", để cảm tạ ơn khai hoá của "mẫu quốc" và xin "mẫu quốc" tiếp tục dìu dắt dân tộc mình trên đường văn minh tiến bộ. Như vậy là tình hình Đông Dương đã ổn định, nhân dân Pháp nên ủng hộ cuộc đầu tư lớn của Chính phủ vào Đông Dương để khai thác nguyên liệu giàu có ở xứ này và để tiếp tục "khai hoá " cho dân bản xứ mông muội này.
Nguyễn Ái Quốc viết vi hành vào đầu năm 1923 để cùng vói các tác phẩm khác như vở kịch Con rồng tre, truyện ngắn Lời than vãn của bà Trưng Trắc, bài báo châm biếm sở thích đặc biệt (tất cả được viết năm 1922) để lật tẩy âm mưu nói trên, nghĩa là vạch trần bản chất bù nhìn, tay sai dơ dáy nhất của Khải Định, nhân tiện cũng tố cáo luôn tính chất điêu trá bịp bợm của những danh từ " Văn minh, khai hoá" của chủ nghĩa thực dân Pháp.
Viết Vi hành, Nguyễn Ái Quốc nhằm trước hết vào độc giả người Pháp, người Pa-ri, vì thế phải viết bằng tiếng Pháp theo phong cách Âu châu hiện đại. Và phải viết cho hấp dẫn, nghĩa là có những sáng tạo độc đáo về nghệ thuật đồng thời phải cài vào những truyện thời sự nóng hổi trong sinh hoạt của người dân Pa-ri. Để có sức thuyết phục cao đối với người Pháp, người viết phải có thái độ khách quan, tránh lối thoá mạ trực tiếp và lối mạt sát đao to búa lớn. Lấy việc tố cáo, đả kích làm mục đích, truyện phải mài sắc vũ khí châm biếm. Bút pháp châm biếm độc đáo, linh hoạt, phong phú, đó là nét chủ đạo và là sức mạnh chủ yếu của nghệ thuật Vi hành.
Về sáng tạo tình huống truyện, ấy là vấn đề then chốt. Nguyễn Ái Quốc đã xây dựng ở Vi hành một tình huống oái ăm, vừa vui vừa tạo được hiệu quả châm biếm sâu cay. Đấy là tình huống nhầm lẫn: đôi trai gái Pháp trên tàu điện ngầm đã nhầm lẫn tác giả với Khải Định. Sự nhầm lẫn tuy có dụng ý, nhưng không phải là vô lí. Vì đối với người Tây, thật khó phân biệt được những bộ mặt khác nhau của những người dân da vàng. Đối với họ "vẫn cái mũi tẹt ấy, vẫn đôi mắt xếch ấy, vẫn cái mặt bủng như vỏ chanh ấy" có gì khác nhau (cũng như người Việt Nam ta rất khó phân biệt được nhũng nét khác nhau cua người Tây. Cũng da trắng, mủi lõ, mắt xanh như nhau ca).
Sự nhầm lẫn ấy khiến tác giả có thể nghe lỏm được cuộc trò chuyện thầm lén và tinh quái của đôi trai gái Pháp về Khải Định. Vậy là Khải Định không xuất hiện trong tác phẩm mà chân dung hắn lại được dựng lên hết sức cụ thể và ngộ nghĩnh. Cách lố bịch hoá tên vua bù nhìn như thế giữ được tính khách quan: không phải Nguyễn Ái Quốc, một người cộng sản, cố tình mạt sát Khải Định như một kẻ thù giai cấp. Đây là người Pháp họ nghĩ và nói về hắn đấy chứ.
Mà chỉ có trong con mắt người Pháp thì Khải Định mới trở thành hài hước đến thế. Vì là người dân nước dân chủ, họ mới nhìn ông vua nhu một thứ đồ cổ, một vật lạ đến từ một đất nước xa xăm còn mông muội. Và vì là người Tây nên họ mới nhìn cái nón ra cái chụp đèn, nhìn y phục và đồ trang sức cua vị hoàng đế thành ra những lụa là đeo lên người cùng với những bộ hạt cườm...
Vậy là qua cuộc trò chuyện của đôi tình nhân Pháp, liên hệ người khách An Nam ngồi bên với hình ảnh tên vua bù nhìn họ đã thấy ở trường đua, Khải Định hiện lên như một anh mũi tẹt, mặt bủng đội chụp đèn lên đầu quấn khăn, đeo lên người rất nhiều lụa và hạt cườm, vẻ nhút nhát lúng túng... Nhưng hắn đến đây làm gì trên xe điện ngầm mà sao không có tuỳ tùng hộ giá? Và y phục diêm dúa cũng như các đồ trang sức đâu cả rồi? Họ hỏi nhau như thế và tự giải đáp cho nhau:
- Thế hay là hắn đã đem tất cả các thứ đó đến tiệm cầm đồ rồi?
- Có khi đã gửi tuốt ở kho hành lí nhà ga để đi vi hành đấy.
Cuộc trò chuyện cứ tiếp diễn, và vị "quốc vương An Nam" không còn ra thế thống gì nữa, chỉ là một kẻ ăn tiêu bừa bãi, chơi bời lén lút trên đất Fa - ri...
Cái giá của Khải Định còn bị hạ thấp hơn nữa khi đôi trai gái coi y không hơn gì một tiết mục giải trí rẻ tiền, thậm chí không mất tiền như xem hề Sác-lô, xem vợ lẻ nàng hầu vua Cao Miên hay trò leo trèo nhào lộn của sư thánh xứ Công- gô...
Về hình thức, truyện Vi hành được viết dưới hình thức một bức thư gửi cô em họ ở quê nhà (dịch ra tiếng Pháp).
Viết truyện dưới hình thức thư từ thực ra không có gì mới mẻ độc đáo cả. Vấn đề là tác giả đã sử dụng hình thức này có thích hợp hay không và đạt được hiệu quả nghệ thuật như thế nào?
Như là một lối văn hết sức tự do phóng túng, nghĩa là tha hồ bắt chuyện nọ sang chuyện kia, chuyển cảnh này sang cảnh khác, đổi giọng này sang giọng nọ. Trong thư người ta có thể thông báo sự việc, thông tin, nhận tin, có thể bộc lộ tâm tình hoặc trao đổi suy nghĩ, thư viết cho người thân thì có thể thực hiện đủ mọi chức năng như vậy. "Bức thư" Vi hành thuộc loại này.
Nhờ hình thức viết thư, tác giả có thể đang từ giọng tự sự khách quan (tường thuật cuộc trò chuyện của đôi trai gái Pháp) chuyển sang giọng trữ tình thân mật khi tâm sự với cô em họ. Có thể tìm thấy trong Vi hành nhiều giọng điệu khác nhau, khi nghiêm trang, khi cười cợt, khi vui tươi nhí nhảnh, khi buồn nhớ mênh mông, khi lạnh lùng sắc sảo, khi thân mật tâm tình.. Tuy nhiên giọng điệu chi phối tất cả vẫn là giọng mỉa mai châm biếm, bên ngoài nhiều khi có vẻ nhẹ nhàng và vui nữa, nhưng thực ra đều là những đòn đả kích sâu cay mãnh liệt:
" - Đổi xe lại đây chứ anh yêu ơi?
- Không, ga sau. Đúng lúc đó thì một anh vua đến với chúng ta.
- Em thì em thích Sác-lô hơn. Với lại vua thì tốt lắm.
- Đau có! Thế em còn nhớ buổi dạ hội thuộc địa ở nhà hát ca vũ đấy chứ? Phải trả những nghìn rười phờ răng để xem vợ lẽ nàng hầu vua Cao Miên, xem trò leo trèo nhào lộn cùng sư thánh xứ Công-gô; hôm nay chúng mình có mất ít tiền nào đâu mà được vua đang ngay cạnh. Nghe nói ông bầu nhà hát múa rối có định kí giao kèo thuê đấy...
Nhờ hình thức viết thư, tác phẩm cũng có thể chuyển cảnh một cách thoải mái: từ cảnh đi xe điện ngầm ở Pa-ri chuyển tới cảnh quê nhà thời thơ ấu của tác giả khi còn ngồi vắt vẻo trên đầu gối của ông bác để nghe truyện cổ tích, từ chuyện cải trang của vua Thuần bên Tàu, vua Pi-e bên Nga, đến chuyện "vi hành” của những ông Hoàng, bà chúa vì những "lí do ít cao thượng" hơn v..v...
Hình thức bức thư còn giúp tác giả tự do liên hệ, so sánh thoải mái nhằm châm biếm nhiều đối tượng một lúc.
Thư là một lối văn rất chủ quan, người viết có thể đưa ra mọi cảm nghĩ tự do của mình, đồng thời liên tưởng tạt ngang từ đối tượng này đến đối tượng khác nhiều khi chẳng có quan hệ dính dáng gì với nhau. Tác giả Vi hành đã làm như thế. Chẳng hạn từ câu chuyện "vi hành" của Khải Định, người viết đưa ra đủ thứ phán đoán giả định về hành vi bất chính và tư cách dơ dáy của y, với những "phải chăng ngài muốn...", "hay là ngài muốn...". cấm người được viết thư để có thế suy luận thoải mái như thế. Đặc biệt, từ sự nhầm lẫn của đôi trai gái người Pháp, tác giả liên hệ một cách mỉa mai và bất ngờ đến bọn mật thám ở Pa-ri luôn luôn bám theo gót những nhà cách mạng Việt Nam theo lệnh của chính quyền phản động: "Cái vui nhất là ngay đến chính phủ cũng chẳng nhận ra được khách thật của mình nữa, và để chắc chắn khỏi thất thố trong nhiệm vụ tiếp dân, chính phủ bèn đối đãi tất cả mọi người An Nam vào hàng vua chúa và phái tuỳ tùng đi hộ giá tuốt (...) có thể nói là các vị bám lấy đế giày tôi, dính chặt tôi như hình với bóng. Và thật tinh các vị cuống cuồng cả lên nếu mất hút tôi chỉ trong dăm phút"...
Tóm lại, Vi hành là một tác phẩm đẩy tính chiến đấu, nghệ thuật châm biếm của nó thật độc đáo, linh hoạt và đa dạng, dường như mỗi chi tiết, mỗi câu, mỗi chữ đều được sử dụng như những lưỡi dao ném vào kẻ địch.