- Về nội dung, chỉ tập trung thể hiện những sự việc và những hành vi của con người có chứa đựng mâu thuẫn trái tự nhiên để gây cười nhằm mục đích giải trí hoặc phê phán cái xấu, cái lỗi thời trong xã hội.
- Hình thức nghệ thuật ngắn gọn, có kết cấu chặt chẽ, mâu thuẫn phát triển nhanh, kết thúc bất ngờ tạo ra tiếng cười cho người nghe, người đọc.
Có hai loại truyện cười: truyện khôi hài đế giải trí và truyện trào phúng mang ý nghĩa phê phán. Hai truyện cười được chọn học đều thuộc truyện trào phúng.
Tam đại con gà
I. HƯỚNG DẪN HỌC BÀI
1. Tìm hiểu mâu thuẫn trải tự nhiên ở nhân vật "ông thầy"
Đây là “ông thầy” dởm “dốt hay nói chữ”, bị đưa vào nhiều tình huống khó xử, đã “tự bộc lộ” cái dốt của mình bằng những mâu thuẫn trái tự nhiên:
- Chữ “kê” là gà // “Dủ dỉ là con dù dì”
- Dạy học phải đọc to // Bảo học trò đọc khe khẽ
- Muốn biết chữ đúng không // Khấn thổ công xin ba đài âm dương
- Chủ nhà phát hiện dạy sai // Gỡ bí một cách liều lĩnh
- Tam đại con gà? // Dủ dỉ là chị con công, con công là ông con gà (!?)
Như “gà mắc tóc”, ông thầy dởm liên tiếp bị đưa vào nhiều tình huống thử thách trớ trêu, đã tự bộc lộ cái dốt của mình bằng những mâu thuẫn trái tự nhiên để gây cười. (Những điều ghi bên phải là những điều ông thầy dởm đã làm một cách trái tự nhiên không thể có trong công việc dạy học của một ông thầy đích thực).
Nếu để ý sẽ thấy câu chuyện có hai lần thắt nút để cuối cùng tiếng cười “òa” ra một cách sảng khoái khi cái dốt của ông thầy dởm được bộc lộ hoàn toàn. Lần thứ nhất, nút thắt lại khi ông thầy không biết chữ “kê” là gà, bắt học trò phải đọc khẽ.
Cái nút này được gỡ bằng việc thầy khấn thổ công xin ba đài được cả ba. Thế là thầy cho học trò gào to lên. Nhưng chính vì gào to lên mà chủ nhà nghe thấy, dẫn đến cái nút thứ hai. Lần này chủ nhà đã phát hiện ra thầy dạy sai, và cái dốt của thầy được bộc lộ rõ, không thể chối cãi. Nhưng thắt nút thì phải cởi nút để tiếng cười bật ra. Dân gian đã cởi nút thật tài tình: để cho ông thầy gỡ bí, thanh minh về cái dốt của mình, nhưng càng thanh minh thì cái dốt lại càng lòi ra, càng được tô đậm thêm, càng đáng cười một cách thảm hại. Bởi vì trên đời này làm gì có con dủ dỉ (chỉ có một loài chim ăn thịt tên là dù dì), và con dủ dỉ cũng như con công thì không bao giờ có quan hệ họ hàng với con gà cả. Cái cách nói liều lấy được ở đây đã vạch trần thực chất dốt nát đáng cười của ông thầy dởm trong truyện này (và câu nói càng vần vè, càng lạ tai thì lại càng đáng cười vì chính nó là điều trái tự nhiên, không thể có trong cuộc sống).
2. Ý nghĩa phê phán của truyện
Truyện phê phán một đối tượng cụ thể là “ông thầy”. Nhưng từ một đối tượng cụ thể đó, truyện muốn nâng lên một ý nghĩa khái quát cao hơn: không chỉ phê phán một con người (ở đây là ông thầy dởm “dốt hay nói chữ”) mà là phê phán một loại người, một thói xấu trong xã hội: đó là sự giấu dốt mà con người ta cũng thường mắc phải. Đây mới chính là mục đích hướng tới, chủ đề của truyện cười đặc sắc này.
II. LUYỆN TẬP
Các em xem lại phần Hướng dẫn học bài trên đây để làm bài tập này (chú ý đi sâu tìm hiểu về thủ pháp gây cười).