I – KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Ngô Sĩ Liên người làng Chúc Lí huyện Chương Đức, nay là Chương Mĩ, tỉnh Hà Tây; ông đỗ tiến sĩ năm 1442, hiện chưa rõ năm sinh và năm mất. Ngô Sĩ Liên giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành bộ Đại Việt sử kí toàn thư cả về phương pháp biên soạn và nội dung tác phẩm.
2. Có người hặc tội Trần Thủ Độ quyền hơn cả vua. Trước mặt vua, Trần Thủ Độ xác nhận người hặc tội nói đúng và còn ban thưởng.
Có người quân hiệu ngăn kiệu Linh Từ Quốc Mẫu, vợ Thủ Độ, không cho đi qua thềm cấm. Trần Thủ Độ khen người lính đó là biết giữ nghiêm phép tắc và ban thưởng cho.
Quốc Mẫu, vợ Thủ Độ xin riêng cho một người làm chức quan nhỏ. Ông ra điều kiện người đó phải chặt ngón chân để phân biệt với các quan khác. Người kia kêu van xin thôi. Từ đấy không ai dám đến nhờ cậy, xin xỏ chức tước nữa.
Thái Tông muốn phong cho An Quốc – anh của Thủ Độ làm tướng. Thủ Độ phản đối việc anh em trong gia đình cùng làm tướng, vì cho rằng như thế sẽ dễ kết bè đảng, bất lợi cho triều đình.
3. Kết hợp giữa biên niên với tự sự, bằng những tình huống bất ngờ, giàu kịch tính, những tình tiết ngắn gọn, cô đúc, sử gia đã khắc hoạ nổi bật chân dung nhân cách chính trực, chí công vô tư của Trần Thủ Độ.
II – RÈN LUYỆN KĨ NĂNG
1. Tìm hiểu xuất xứ
Gợi ý:
Đại Việt sử kí toàn thư hoàn thành năm 1498 trên cơ sở bộ Đại Việt sử kí của Lê Văn Hưu và Sử kí tục biên của Phan Phu Tiên. Công trình này gồm hai phần: Ngoại kỉ và Bản kỉ. Phần Ngoại kỉ viết về lịch sử nước ta từ thời Hồng Bàng đến thế kỉ X; phần Bản kỉ viết tiếp từ thời Đinh Tiên Hoàng đến thời Hậu Lê. Khi mới hoàn thành, Đại Việt sử kí toàn thư gồm 15 quyển; sau đó nhóm tác giả Phạm Công Trứ viết tiếp 5 quyển, tổng là 20 quyển.
Bài Thái sư Trần Thủ Độ được trích từ quyển V, phần Bản kỉ.
2. Tìm hiểu bố cục đoạn trích
Gợi ý:
- Đoạn 1 (từ đầu đoạn trích đến phải nhờ cậy, quyền hơn cả vua.): Thông báo sự kiện Trần Thủ Độ chết và giới thiệu khái quát về nhân vật này.
- Đoạn 2 (từ Bấy giờ có người hặc… đến Vua bèn thôi.): Thuật lại bốn sự kiện lịch sử xảy ra trong cuộc đời hoạt động chính trị – xã hội của Trần Thủ Độ.
- Đoạn 3 (từ Thủ Độ tuy làm Tể tướng… đến hết): Khẳng định phẩm chất và vai trò lịch sử của Trần Thủ Độ.
3. Giải thích nghĩa của các từ chủ chốt, biểu hiện nội dung bài sử và thái độ đánh giá của sử gia đối với sự kiện và nhân vật lịch sử: người hặc, người hiền, quốc mẫu, công chúa, sinh từ,…
Gợi ý:
- người hặc: người vạch hỏi về lỗi lầm hoặc tội trạng của vị quan nào đó trong triều đình.
- người hiền: người có đức hạnh và tài năng hơn người.
- quốc mẫu, công chúa: Năm 1226, sau khi Lí Huệ Tông bị bức tử, hoàng hậu bị giáng xuống làm công chúa và gả cho Trần Thủ Độ. Thái Tông Trần Cảnh thấy bà vốn là hoàng hậu cũ của Huệ Tông, đồng thời là mẹ vợ mình nên phong cho bà làm Linh Từ Quốc Mẫu (gọi tắt là Quốc Mẫu). Trong bài trích, các danh xưng Quốc Mẫu, Linh từ Quốc Mẫu, Công chúa đều chỉ một người: vợ của Trần Thủ Độ. Không phải ngẫu nhiên mà sử gia sử dụng những cách gọi nhân vật với những tên khác nhau. Khi gọi là Linh Từ Quốc Mẫu hoặc Quốc Mẫu là với thái độ tôn trọng, phù hợp với chức phận của bà. Công chúa là cách gọi của Trần Thủ Độ thể hiện thái độ khiêm nhường, đúng với danh phận của vợ mình.
- sinh từ: đền thờ người còn sống; thời xưa, ai có công lao, đức hạnh lớn, giúp dân cứu đời, mặc dù đang còn sống vẫn được lập đền thờ.
4. Nhận xét về lối viết sử của tác giả
Gợi ý:
- Tính bất ngờ: Cả bốn sự kiện được kể, ở sự kiện nào diễn biến kết cục cũng đều bất ngờ, nằm ngoài dự đoán của người đọc (đối xử với người hặc tội mình; đối xử với người chặn kiệu vợ mình; răn đe người xin chức câu đương; lập luận phản đối việc cử anh trai làm tướng).
- Kịch tính cao nhưng lại kiệm lời: Tác giả đưa người đọc vào tình huống có vấn đề, để người đọc suy đoán, rồi bất ngờ mở nút theo kiểu “gói kĩ, mở nhanh”.
Những diễn biến bất ngờ, cách tái hiện sự việc giàu kịch tính, ngắn gọn ấy đều hướng tới mục đích khắc hoạ chân dung nhân cách nhân vật Trần Thủ Độ. Mặc dù viết theo lối biên niên, nhưng khi cần khắc hoạ chân dung tính cách nhân vật, sử gia cũng đã chọn lọc những chi tiết hết sức tiêu biểu, cô đúc để tô đậm.
Sử gia tỏ ra khâm phục, ngợi ca tài đức của Trần Thủ Độ. Tuy nhiên, thái độ ấy được bộc lộ kín đáo, chủ yếu qua sự việc và cách trình bày sự việc.
5. Chỉ ra nội dung thông báo trong phần từ Giáp Tí… đến …Trung Vũ đại vương.
Gợi ý:
- Thái sư Trần Thủ Độ chết;
- Sau khi chết được truy tặng.
Thông báo sự kiện Trần Thủ Độ chết, sử gia kèm theo thông báo về thời gian cụ thể (Giáp Tí, năm thứ 7; Mùa xuân, tháng giêng). Đây cũng là yêu cầu đối với một tác phẩm lịch sử.
6. Nhân cách Trần Thủ Độ được bộc lộ qua các sự kiện nào?
Gợi ý:
(1) Có người hặc tội Trần Thủ Độ quyền hơn cả vua. Trước mặt vua, Trần Thủ Độ xác nhận người hặc tội nói đúng và còn ban thưởng. Sự kiện này chứng tỏ Thủ Độ là người thẳng thắn, nghiêm khắc với bản thân; trọng người trung trực, can đảm, dám vạch tội lỗi hoặc sai lầm của người khác, nhất lại là đối với người bề trên, có quyền lực.
(2) Có người quân hiệu ngăn kiệu Linh Từ Quốc Mẫu, vợ Thủ Độ, không cho đi qua thềm cấm. Trần Thủ Độ khen người lính đó là biết giữ nghiêm phép tắc và ban thưởng cho. Sự kiện này cho thấy Thủ Độ là người chí công vô tư, trọng phép tắc, khích lệ những người giữ nghiêm phép tắc, không kể thân sơ.
(3) Quốc Mẫu, vợ Thủ Độ xin riêng cho một người làm chức quan nhỏ. Ông ra điều kiện người đó phải chặt ngón chân để phân biệt với các quan khác. Người kia kêu van xin thôi. Từ đấy không ai dám đến nhờ cậy, xin xỏ chức tước nữa. Sự kiện này chứng tỏ Thủ Độ là người khéo léo, tế nhị trong xử sự (vừa không làm mất lòng vợ, vừa răn đe được những kẻ xin xỏ chức tước và những kẻ cậy quyền thế ban phát chức tước).
(4) Thái Tông muốn cho anh Thủ Độ làm tướng. Thủ Độ phản đối việc anh em trong gia đình cùng làm tướng, vì cho rằng như thế sẽ dễ kết bè đảng, bất lợi cho triều đình. Sự kiện này cho thấy Trần Thủ Độ là người có tầm nhìn, lo lắng cho sự ổn định của triều đình, không đồng tình với tư tưởng gia đình trị.
7. Nhận xét chung về nhân vật Trần Thủ Độ.
Gợi ý:
Nắm giữ trọng trách của triều đình, Trần Thủ Độ là người tài đức vẹn toàn, chí công vô tư, quyết đoán, cao thượng, sống theo kỉ cương, hết lòng phụng sự đất nước.
8. Có thể tiến hành so sánh giữa tính cách Tô Hiến Thành và Trần Thủ Độ để thấy được những nét tính cách giống nhau giữa hai nhân vật này và qua đó hiểu được những phẩm chất đẹp đẽ của con người mà các sử gia Việt Nam đề cao.
Tô Hiến Thành và Trần Thủ Độ sống cách nhau khoảng một trăm năm, trong những bối cảnh lịch sử không giống nhau. Nhưng cả hai nhân vật lịch sử này đều được khắc hoạ với nhân cách lớn, luôn đặt sự nghiệp của đất nước lên trên hết, chí công vô tư, trung trực, không nao núng trước cám dỗ danh lợi,…