Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ ra đời. Sung sướng trước cảnh nước nhà độc lập, nghĩ đến tương lai, hiểu sâu sắc ý nghĩa việc học tập của thanh thiếu niên đối với ngày mai của dân tộc, trong thư gửi cho học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám Bác Hồ viết:
Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu.
Chúng ta hiểu lời căn dặn trên đây của Bác như thế nào và thực hiện lời căn dặn quý báu đó ra sao?
Lời Bác Hồ năm xưa cho thấy mối quan hệ giữa tương lai tươi sáng của dân tộc với công học tập của các cháu đồng thời nêu bật tác dụng to lớn của việc học tập với tiền đồ đất nước.
Để hiểu sâu lời Bắc, chúng ta cần tìm hiểu thế nào là đất nước vẻ vang? Nói một cách khái quát, đất nước muốn được vẻ vang điều kiện tiên quyết phải là một đất nước độc lập không chịu bất cứ sự lệ thuộc nào vào ngoại bang và sau đó phải là một đất nước giàu mạnh nghĩa là phải có một nền kinh tế vững chắc phát triển. Kinh tế vững chắc phát triển thì mới có được một nền quốc phòng vững mạnh mà quốc phòng có vững mạnh thì mới có thể giữ vững nền độc lập của đất nước mình được.
Trên một đất nước như thế, đúng như người ta thường nói: “Dân giàu, nước mạnh” - nhân dân hẳn là được sống no ấm, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được làm việc, học hành và được hưởng các quyền tự do dân chủ, nói chung là có được một đời sống vật chất đầy đủ và một đời sống tinh thần tiến bộ, một nếp sống xã hội văn minh lành mạnh và tiên tiến.
Một đất nước như vừa nói nhất định sẽ được vẻ vang sánh vai cùng các cường quốc năm châu và sẽ được các dân tộc khác mến yêu kính trọng.
Bác Hồ lại nhấn mạnh: “Dân tộc Việt Nam có được sánh vai cũng các cường quốc năm châu”. Ý Bác nhằm nêu bật việc phải ra sức phấn đấu đưa nước Việt Nam của chúng ta lên ngang tầm với những đất nước được xem là cường quốc trên thế giới. Muốn như thế, không những đất nước ta phải có một nền kinh tế vững chắc và phát triển đến mức giàu mạnh mà còn phải có một nền khoa học kĩ thuật tiến bộ vượt bậc đi cùng với một nền văn hóa phong phú đa dạng và phát triển ở trình độ cao, có thể tiếp thu dược tinh hoa văn hóa của loài người cũng đủ sức góp phần mình vào sự phát triển chung của văn hóa thế giới.
Những điều vừa nói là cái điểm đến phải đạt mà Bác Hồ đã vạch mức sẵn cho nhân dân ta sau ngày nước nhà vừa được độc lập. Đó cùng chính là mục tiêu phấn đấu của toàn Đảng toàn dân ta hướng tới hơn nửa thế kỉ qua dốc sức không ngừng lao động và chiến đấu để thực hiện.
Có điều chúng ta cần tìm hiểu là vì sao tất cả những điều vừa nói lại "Chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu".
Ai cũng biết đất nước Việt Nam ta chịu ảnh hưởng lệ thuộc thực dân đế quốc gần một trăm năm, sau hàng ngàn năm bị chế độ phong kiến đè nặng, đã vậy, chiến tranh lại liên tục xảy ra. Khi Bác Hồ viết những lời này chính là khi đất nước ta còn xơ xác, tiêu điều và vô cùng lạc hậu so với các nước trên thế giới, đúng như lời nhà thơ Chế Lan Viên: “Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ”. Do vậy, muốn đuổi kịp các nước tiên tiến đã đi trước ta hàng trăm năm đâu có cách nào khác hơn là ta phải ra sức học hỏi, đúc rút kinh nghiệm những cách thức mà người ta đã thực thi, cố làm sao thu ngắn dần khoảng cách giữa ta với các nước ấy.
Muốn dân tộc ta thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu trở thành giàu mạnh, văn minh, tiên tiến không có cách nào khác hơn là phải mở mang dân trí, phải phát triển khoa học kĩ thuật. Như vậy, đúng như Bác Hồ đã dạy chỉ có tổ chức việc học tập thật tốt cho thanh thiếu niên để họ tiến tới có một trình độ khoa học, nắm vững kĩ thuật thì mới có thể xây dựng được một nền kinh tế phát triển không ngừng, một nền văn hóa tiên tiến và một nền quốc phòng vững mạnh được.
Bác Hồ nói: “Chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu” ấy là Bác đề cao vai trò tương lai của thế hệ thanh thiêu niên mầm non của đất nước. Là người nhìn xa, trông rộng, lại hiểu sâu sắc ý nghĩa việc học tập của thế hệ trẻ đối với tương lai dân tộc, mặc dù khi ấy cách mạng vừa thành công, lại mở ra một cuộc chiến đấu đầy gay go gian khổ, nhưng Bác đã nghĩ tới mười, mười lăm năm sau, thế hệ tuổi nhỏ hôm nay sẽ là chủ nhân của đất nước, sẽ là lực lượng chủ yếu để xây dựng đất nước, làm cho “non sông Việt Nam trở nên vẻ vang” với một nền kinh tế phát triển và một nền văn hóa mở mang. Đủ thấy nhiệm vụ của những người đang ngồi trên ghế nhà trường là hết sức quan trong và nặng nề và Bác thật vĩ đại trong tầm nhìn chiến lược của mình.
Là học sinh, mỗi chúng ta đều cần hiểu sâu sắc lời dặn dò của Bác để xác định cho mình một quan niêm, một động cơ, một thái độ học tập đúng đắn.
Ngay ngày, được cắp sách đến trường, chúng ta phải học tập chăm chỉ, chuyên cần, phải nắm vững được kiến thức của từng môn học để học giỏi một cách toàn diện. Ngay từ trên ghế nhà trường, chúng ta phải xác định rõ mục đích học tập là để góp phần xây dựng đất nước mai này. Do đó, chúng ta cần gắng học với hành rèn luyện nghiêm túc các mặt đức, trí, thể, mĩ, phải kính thầy, yêu bạn, đoàn kết tương trợ nhau để cùng nhau tiến bộ, đặc biệt là phải luôn luôn nung nấu trong tâm hồn mình những hoài bão ước mơ cao đẹp hướng tới những đỉnh cao văn hóa và những chân trời khoa học mới lạ.
Trong tình hình hiện nay, đất nước đang trên đường đổi mới với khẩu hiệu Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh đang cần sự đóng góp tích cực của thế hệ trẻ nhằm chiếm lĩnh những đỉnh cao văn hóa, khoa học tiên tiến của các cường quốc năm châu. Lời dạy của Bác Hồ năm xưa về nhiệm vụ học tập của thế hệ mầm non đất nước vẫn có ý nghĩa to lớn và bức thiết hơn lúc nào hết.