Vài suy nghĩ của em về nội dung và nghệ thuật bài thơ Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra của Trần Nhân Tông.
2019-09-16T10:41:56-04:00
2019-09-16T10:41:56-04:00
https://sachgiai.com/Van-hoc/vai-suy-nghi-cua-em-ve-noi-dung-va-nghe-thuat-bai-tho-buoi-chieu-dung-o-phu-thien-truong-trong-ra-cua-tran-nhan-tong-12214.html
/themes/whitebook/images/no_image.gif
Sách Giải
https://sachgiai.com/uploads/sach-giai-com-logo.png
Thứ hai - 16/09/2019 10:40
Trần Nhân Tông (lên ngôi năm 1278) là một ông vua yêu nước, giỏi việc cầm quân song cũng không kém phần tài hoa, lịch lãm. Khi làm vua, ông không quản nguy hiểm, trực tiếp cùng Thái thượng hoàng xông ra trận tiền chỉ huy quân sĩ chiến đấu, đánh tan đạo quân Nguyên Mông mạnh và hung hăng khét tiếng lúc bấy giờ. Khi là một thiền sư, ông là người có công lập nên dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử (sau được tôn là vị tổ thứ nhất). Trần Nhân Tông còn là một nhà văn hoá, một nhà thơ xuất sắc của thế kỉ XIII. Tác phẩm của ông gồm có Thiền lâm thiết chủy ngữ lục, Tăng già toái sự, Thạch thất mị ngữ, Trần Nhân Tông thi tập,...
Bài thơ Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra được làm khi ông về thăm quê cũ.
Thiên Trường vãn vọng được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt: bốn câu, mỗi câu bảy chữ, hiệp vần ở cuối các câu 1, 2, 4. Đây có thể coi là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho thể thất ngôn tứ tuyệt luật Đường, từ nội đung cho đến hình thức thể hiện.
Bố cục của một bài tứ tuyệt gồm bốn phần, ứng với bốn câu: khai (khởi - mở), thừa (tiếp câu khai là để trọn ý thơ), chuyển (chuyển hoá, câu này thường làm bộc lộ ra ý và tứ thơ), hợp (hợp lại, kết đọng ý thơ). Song nhìn chung, trong một bài tứ tuyệt hai câu đầu làm thành một phần và hai câu cuối hợp thành phần còn lại.
Với bài thơ này, hai câu đầu gợi ra khung cảnh chiều quê yên ả, tĩnh lặng đến mơ hồ. Hai câu thơ sau lại gợi về cái cảm giác ấm cúng từ sinh hoạt của một miền quê.
Về nội dung:
Buổi chiều đứng ở phủ Thiền Trường trông ra được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt. Đặc điểm của thể thơ đó thể hiện trong bài này:
Số câu: 4. Số chữ trong mỗi câu: 7.
Cách hiệp vần: vần “iên” được gieo trong cả ba từ cuối của các câu 1, 2, 4.
Cụm từ bán vô bán hữu (nửa như có nửa như không) có nghĩa là phong cảnh mờ ảo; vừa như có lại như không; vừa thực lại vừa hư. Quang cảnh gợi lên ở đây là làng xóm đang mờ trong sương khói. Cảnh có nét thực nhưng lại có nét ảo. Chính điều này tạo nên sự mơ màng, nên thơ rất độc đáo của câu thơ.
Trong bài thơ, cảnh được miêu tả vào lúc chiều tà (lúc hoàng hôn). Trong khung cảnh có thể nghe thấy tiếng sáo của trẻ chăn trâu đang dẫn những chú trâu no mẫm về nhà, có những cánh cò trắng đang từ từ đáp xuống cánh đồng phía trước, ở phía xa kia, các thôn xóm đã chìm dần trong sương khói như mơ như thực. Một khung cảnh làng quê thật thanh bình và êm ả, nên thơ.
Qua bức tranh được miêu tả, có thể nhận thấy cảnh tượng nhìn từ phủ Thiên Trường thật nên thơ. Xóm thôn mờ mờ sương khói hoà trong tiếng sáo của trẻ chăn trâu văng vẳng cùng từng đôi cò trắng đang xoè cánh đậu xuống đồng. Đứng trước cảnh thiên nhiên ấy, tác giả như chìm đắm say xưa trong cảnh vật. Ngắm nhìn, thưởng thức nét đẹp của xóm thôn mà vui mừng với cuộc sống không vướng bận binh đao.
Tác giả của bài thơ là một ông vua có tâm hồn thi sĩ. Đọc bài thơ, ta thấy hoàn toàn không có sự ngăn cách nào giữa một người lãnh đạo cao nhất của một quốc gia với một người nông dân thuần phác (cảnh được nhìn và miêu tả ở những nét gần gũi và dân dã nhất). Điều đó cho thấy, nhà vua rất gần dân chúng, rất yêu dân, yêu chuộng sự thanh bình. Phải chăng vì các vị vua Trần rất thân dân, yêu dân như con mà mỗi khi đứng trước hoạ xâm lăng (nhất là trọng ba lần quân Nguyên - Mông xâm lược nước ta) nhà Trần đều lãnh đạo nhân dân chống xâm lược thành công.
Về nghệ thuật:
Bài thơ là một trong những tác phẩm tiêu biểu mẫu mực về hình thức nghệ thuật thơ thất ngôn tứ tuyệt: niêm, luật chặt chẽ đúng quy tắc; thanh điệu hài hoà.
Bài thơ thiên về tả cảnh, nhưng thực tế chính là một sự vận dụng nhuần nhuyễn thủ pháp nghệ thuật “tả cảnh ngụ tình” (những tình cảm của tác giả đối với quê hương được bộc lộ kín đáo qua cảnh vật).
Tóm lại, bức tranh thiên nhiên được tả trong “Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra” là một cảnh chiều ở thôn quê đơn sơ mà vẫn đậm đà sắc quê, hồn quê. Điều đáng nói là người vẽ lên bức tranh quê tinh tế ấy lại là một người có địa vị tối cao, một ông vua. Một ông vua có tâm hồn cao đẹp như thế chứng tỏ ở thời đại đó dân tộc ta, nhân dân ta sống rất cao đẹp, đúng như những gì đã được ngợi ca trong sử sách.
Bản quyền bài viết thuộc về
Sachgiai.com. Ghi nguồn Sách giải.com khi đăng lại bài viết này.