Đây là lối so sánh hơn, hơn tuyệt đối. Không gì đẹp bằng sen, nhất là những ngày hè rực nắng. Người nông dân thăm đồng, trẻ mục đồng hát nghêu ngao trên mình trâu, khách nhàn du lững thững dạo đường làng..., tất cả đều dừng lại ngắm nhìn những đóa hoa đang khoe sắc màu, tỏa hương thơm ngát, rồi xúc cảm:
Trong đầm gì đẹp bằng sen.
Màu xanh lá sen, màu trắng cánh hoa, màu xanh nhị hoa chen nhau:
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng.
Nhị vàng giữa nhưng cánh hoa trắng, hoa trắng vượt lên mặt nước phủ những chiếc lá xanh. Xanh, trắng, vàng hòa hợp, tôn vẻ đẹp của hoa tự nhiên mà như do một bàn tay xếp đặt. Dáng vẻ nào màu sắc ấy: lá rộng trải lên mặt nước, cánh hoa trắng chen quanh đám nhị vàng. Chỉ bằng mấy lời thơ, hình ảnh của hoa hiện lên như một bức tranh, thật là thi trung hữu hạ (trong thơ có họa).
Nhị vàng bông trắng lá xanh.
Đây chính là ý thơ trong cặp lục bát trước, nhưng ở vị trí đảo ngữ của câu thứ hai và rút bớt lại hai từ lại, chen. Nhà thơ Huy Cận đã có lần phân tích: “Chính nhờ sự đảo ngược hình ảnh ấy mà chúng ta như thấy hiện lên bàn tay ai đó đang lật từng lá sen xanh, chỉ từng bông sen trắng, đếm từng nhị hoa vàng...”.
Nhịp thơ câu thứ ba trở nên dồn dập, xác định màu sắc nhị hoa, của cánh hoa và của lá. Toàn thể đóa hoa như hiện ra trên lá xanh, xinh đẹp, thanh nhã, quyến rũ hơn.
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Từ mà chia câu thơ thành hai vế, gắn với hai ý đối lập bề ngoài nhưng thống nhất trong ý nghĩa: sen sống gần bùn mà chẳng nhuốm mùi bùn. Câu thơ khởi đầu gần bùn như bị coi thường, khinh rẻ. Nhưng phô bày không giấu giếm cái vẫn bị xem là thấp kém của bản thân cũng là một thái độ nhằm tranh luận và hàm ý tự khẳng định mình. Mà chẳng hôi tanh mùi bùn là không chấp nhận sự tầm thường trong phẩm chất. Giá trị hoa sen được thể hiện bằng một lời phủ định chẳng hôi tanh như thẳng tay bác bỏ mọi cách nhìn hời hợt, sai lệch trong việc đánh giá và tự xác định mình là một loài hoa cao quý, đáng ca ngợi...