Câu 1 (2 điểm). Khoan dung là gì? Đặc điểm của lòng khoan dung là gì?
Câu 2 (3 điểm). Em đồng ý với ý kiến nào sau đây? Vì sao?
A. Chỉ vì khó khăn nên người ta mới sống giản dị.
B. Sự giản dị làm mất đi vẻ đẹp của con người.
C. Giản dị là sự qua loa, đại khái.
D. Giản dị là cái đẹp chân thực.
Câu 3 (3 điểm). Em hãy nhận xét về đời sống vật chất và tinh thần của các gia đình sau:
1. Gia đình đông con.
2. Gia đình giàu có nhưng có con cái ăn chơi, đua đòi.
3. Gia đình có 2 con đều ngoan ngoãn, chăm học, chăm làm.
Câu 4 (2 điểm). Cho tình huống:
Anh Hùng đã đi làm. Tiền thu nhập anh sắm xe, áo quần đắt tiền, chiêu đãi bạn bè. Anh có phụ thêm tiền ăn cho bố mẹ, ngoài ra không quan tâm đến việc khác trong gia đình. Anh cho rằng mình đã lớn và có cuộc sống riêng, muốn sống sao thì tùy.
Em có đồng tình với cách xử sự của anh Hùng không? Vì sao?
Đáp án và biểu điểm
Câu 1 (2 điểm). Có 2 yêu cầu:
* Khoan dung có nghĩa là rộng lòng tha thứ. Người có lòng khoan dung luôn tôn trọng và thông cảm với người khác, biết tha thứ cho người khác khi họ hối hận và sửa chữa sai lầm. (1 điểm)
* Học sinh nêu được 2 trong số các ý sau về đặc điểm của lòng khoan dung: (1 điểm, mỗi ý đúng được 0,5 điểm)
- Biết lắng nghe để hiểu người khác.
- Biết tha thứ cho người khác.
- Không chấp nhặt, không thô bạo.
- Không định kiến, không hẹp hòi khi nhận xét người khác.
- Luôn tôn trọng và chấp nhận người khác.
Câu 2 (3 điểm). Có hai yêu cầu:
* Đồng ý với ý kiến D. (0,5 điểm)
* Giải thích lí do được lựa chọn. (2,5 điểm)
Học sinh trình bày theo cách của mình nhưng đảm bảo nêu được:
- Vẻ đẹp của con người không phải là ở bề ngoài, mà chính là ở thực chất của người đó: sự lành mạnh, trong sáng trong tâm hồn, trong cuộc sống.
- Khi cuộc sống đã đầy đủ con người vẫn sống giản dị vì đó là lối sống đẹp.
- Giản dị không phải là qua loa, đại khái, cẩu thả, luộm thuộm, mà là sự đúng mức, hợp lí và hoà hợp, gần gũi với xung quanh.
Câu 3 (3 điểm). Học sinh trình bày theo cách của mình nhưng yêu cầu nêu được:
1. Gia đình đông con: Thường nghèo túng, đời sống vật chất thiếu thốn, cuộc sống vất vả, bất hạnh không thể hạnh phúc được. Không có điều kiện quan tâm, chăm sóc và giáo dục con cái do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn. (1 điểm)
2. Gia đình giàu có nhưng con cái ăn chơi, đua đòi: Đời sống vật chất có thể đầy đủ nhưng đời sống tinh thần không lành mạnh, con cái đua đòi ăn chơi, dễ sa vào các tệ nạn xã hội, trở thành nỗi bất hạnh cho gia đình, danh dự gia đình bị tổn hại. (1 điểm)
3. Gia đình có 2 con đều ngoan ngoãn, chăm học, chăm làm: Đây là gia đình văn hoá. Có thể đời sống vật chất đầy đủ hay còn khó khăn, những người con của gia đình đã có trách nhiệm và bổn phận với gia đình, chăm ngoan, học giỏi, hiếu thảo. (1 điểm)
Câu 4 (2 điểm). Có 2 yêu cầu:
* Em không đồng tình với cách xử sự của anh Hùng. (0,5 điểm)
* Học sinh trình bày theo cách của mình nhưng đảm bảo giải thích được: Mặc dù anh Hùng đã lớn, có cuộc sông riêng tư nhưng là con cái trong gia đình chúng ta cần phải quan tâm đến mọi người, biết thương yêu nhau, biết chia sẻ, thực hiện tốt bổn phận trách nhiệm của mình. Hơn nữa, bố mẹ lao động, lo lắng cho đời sống gia đình thì anh Hùng cũng nên có sự chi tiêu hợp lí, tiết kiệm, quan tâm hơn đến cuộc sống gia đình để cùng tham gia xây dựng một gia đình hoà thuận và hạnh phúc. (1,5 điểm)