Bài 1. Hãy khoanh tròn vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất.
1. Hành vi nào sau đây thể hiện đức tính liêm khiết
a. Làm bất cứ việc gì miễn đạt được mục đích.
b. Chỉ làm những việc khi thấy lợi ích cho riêng mình.
c. Làm giàu bàng chính công sức lao động của mình.
d. Sẵn sàng dùng tiền bạc để nhằm đạt được mục đích của riêng mình.
2. Hành vi nào sau đây thể hiện tính không liêm khiết?
a. Giữ lòng tự trọng trong suy nghĩ và hành động.
b. Sẵn lòng giúp đỡ người khác khi có lợi cho mình.
c. Làm việc gì cũng dựa vào sức của mình là chính.
d. Luôn phấn đấu để đạt được kết quả cao trong công việc.
3. Việc làm nào sau đây thể hiện đức tính liêm khiết?
a. Nhặt được của rơi trả người đánh mất.
h. Học thuộc bài rồi nhưng vẫn mang tài liệu vào phòng thi để đề phòng.
c. Nhờ bố mẹ mình can thiệp với cô giáo để nâng cao kết quả học tập.
đ. Dù nhận quà biếu xén, đút lót nhưng vẫn không giúp đỡ người đưa quà.
Bài 2. Lựa chọn đáp án đúng nhất để điền vào những chỗ trống dưới đây sao cho đúng với kiến thức đã học:
1. Liêm khiết là phẩm chất đạo đức thể hiện lối sống …… không hám danh, hám lợi, nhỏ nhen, ích kỉ.
a. trong sạch
b. biết ơn
c. đoàn kết
d. lễ độ
2. Sống liêm khiết sẽ làm cho con người …… nhận được sự quý trọng, góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn.
a. vui vẻ
b. tươi vui
c. thanh thản
d. lành mạnh
Bài 3. Hãy chọn phương án đúng, sai bằng cách đánh dấu (X) vào các cột tương ứng.
Nội dung | Đúng | Sai |
1. Người ham cờ bạc, chỉ mong xoay của người thành của mình cũng là không liêm khiết. | | |
2. Người liêm khiết là người dù nhận quà biếu xén, đút lót nhưng vẫn không giúp đỡ người đưa quà. | | |
3. Sống liêm khiết thường chịu nhiều thiệt thòi, thua thiệt. | | |
4. Người không liêm khiết là người gặp phải việc đúng mà không dám làm vì sợ khó khăn. | | |
5. Sống liêm khiết là không toan tính những chuyện nhỏ nhen, ích kỉ. | | |
Bài 4. Câu hỏi trong phần Gợi ý của bài học.
a. Em có suy nghĩ gì về cách xử sự của Ma-ri Quy-ri, Dương Chấn và của Bác Hồ trong những câu chuyện trên?
b. Theo em, những cách xử sự đó có điểm gì chung? Vì sao?
c. Trong điều kiện hiện nay, theo em, việc học tập những tấm gương đó có còn phù hợp nữa không? Vì sao?
Bài 5. Theo em, muốn trở thành người liêm khiết, cần rèn luyện những đức tính gì đã được học ở những bài học môn GDCD của các năm trước?
Bài 6. Em tán thành hay không tán thành những việc làm nào sau đây? Vì sao?
a. Bạn Bích đến xin cô giáo nâng điểm môn Toán cho mình.
b. Sắp có đợt tuyển người vào làm việc ở cơ quan do ông Lâm làm giám đốc. Ai mang quà cáp đến biếu, ông Lâm đều không nhận.
c. Cán bộ kiểm lâm vì nghèo đã chặt một số cây lấy gỗ để bán.
d. Nhân viên phục vụ phòng ở khách sạn nhặt được ví tiền của khách để quên, đã mang trả lại cho khách.
ĐÁP ÁN – HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI
Bài 1. 1.c, 2.b, 3.a.
Bài 2. 1.a, 2.c.
Bài 3. Đúng: 1, 4, 5; Sai: 2, 3.
Bài 4.
a. Cách cư xử của Ma-ri Quy-ri, Dương Chấn và của Bác Hồ đều thể hiện đức tính liêm khiết, lối sống trong sạch, nêu cao tinh thần ủng hộ lẽ phải, vì lợi ích chung của xã hội, không mảy may nghĩ đến tư lợi, không làm những việc chỉ vì lợi ích của bản thân mình.
Bà Ma-ri Quy-ri sẵn sàng sống trong túng thiếu chứ không giữ bản quyền phát minh cho riêng mình, không nhận tiền trợ cấp của chính phủ. không công nhận tài sản được biếu là của riêng mình và sẵn sàng hiến thành quả lao động của mình để chữa bệnh cho mọi người.
Ông Dương Chấn cương quyết không nhận quà lễ biếu của người từng được ông tiến cử, không chấp nhận lời thuyết phục của người đem quà biếu khi cho rằng việc nhận quà biếu ấy không có ai biết được.
Bác Hồ bao giờ cũng nêu cao tinh thần sống liêm khiết, trong sạch, giản dị, gần gũi với tất cả mọi người chứ không ham công danh, tiền tài, vật chất. Đó là lối sống được xem là rất khác so với nguyên thủ của các nước phương Tây.
b. Những cách cư xử đó có điểm chung là thể hiện đức tính liêm khiết vì cả ba con người này đều có lối sống trong sạch, không hám danh, hám lợi, không bận tâm về những toan tính nhỏ nhen, ích kỉ.
c. Trong điều kiện ngày nay, việc học tập tấm gương liêm khiết của Ma-ri Quy-ri, Dương Chấn và của Bác Hồ vẫn vô cùng cần thiết vì đức tính đó sẽ giúp mỗi người chúng ta có được sự thanh thản, được mọi người xung quanh quý mến, tin cậy và góp phần làm xã hội trong sạch, tốt đẹp hơn.
Bài 5. Muốn trở thành người liêm khiết, cần rèn luyện những đức tính như: siêng năng, kiên trì. tiết kiệm, sống chan hoà với mọi người, giản dị, trung thực, tự trọng. Rèn luyện được những đức tính này, chúng ta sẽ dễ dàng có được lối sống trong sạch, vượt lên mọi tính toán ích kỉ, nhỏ nhen, từ đó nhận được sự tin cậy và quý mến của mọi người.
Bài 6. Tán thành với những việc làm trong trường hợp (b) và (d) vì đó là những việc làm nêu cao tinh thần liêm khiết, nghiêm túc trong công việc và giữ lòng tự trọng. Những việc làm đó cần được ghi nhận và cổ vũ.
Không tán thành với việc làm trong trường hợp (a) và (c) vì đó là những việc làm không hợp với chuẩn mực đạo đức, muốn đạt được lợi ích cho mình mà không dựa vào chính sức lao động của mình lại còn xâm phạm đến lợi ích chung của xã hội.