1. Độ muối của nước biển và đại dương
Câu hỏi: Vì sao nước biển lại mặn? Độ muối trung bình của biển là bao nhiêu?
Nước biển mặn vì nước biển hòa tan nhiều loại muối từ đất, đá trong lục địa đưa ra. Độ muối trung bình 35 phần ngàn.
Câu hỏi: Độ muối trong các biển có như nhau không?
Độ muối của nước trong các biển không giống nhau, và tùy thuộc vào nguồn nước sông chảy vào nhiều hay ít và độ bốc hơi lớn hay nhỏ.
Câu hỏi: Biển khác với đại dương thế nào? Biển có thông với đại dương không?
- Biển là một bộ phận của đại dương, nằm kế cận hoặc xa đất liền.
- Đại dương là vùng nước mặn rộng lớn.
- Biển có những đặc điểm riêng về độ muối, nhiệt độ, độ bốc hơi,...
- Biển và đại dương đều thông với nhau.
Câu hỏi: Cho biết trong các biển sau, biển Ban-tich, biển Hồng Hải, biển ở nước ta, độ muối là bao nhiêu? Biển nào có độ bốc hơi cao?
- Độ muối biển Ban-tich là 32 phần ngàn.
- Độ muối biển Hồng Hải là 41 phần ngàn.
- Độ muối biển nước ta là 33 phần ngàn.
Biển Hồng Hải có độ bốc hơi cao nhất.
2. Sự vận động của nước biển và đại dương
Câu hỏi: Nước biển và đại dương có bao nhiêu sự vận động chính?
Nước biển và đại dương có ba sự vận động chính là: Sóng, thủy triều, và dòng biển.
Câu hỏi: Sóng là gì? Nguyên nhân tạo ra sóng?
Sóng là sự chuyển động của các hạt nước biển theo những vòng tròn lên xuống theo chiều thẳng đứng. Đó là sự chuyển động (dao động) tại chỗ của các hạt nước biển.
Sóng được sinh ra nhờ gió hoặc do động đất, gió càng mạnh, sóng càng lớn. Động đất sinh ra sóng thần (sóng cao vài chục mét).
Câu hỏi: Thủy triều là gì?
Thủy triều là hiện tượng nước biển dâng lên và hạ xuống hoặc lùi ra xa trong một khoảng thời gian nhất định, hoặc theo chu kì.
Câu hỏi: Có mấy loại thủy triều?
Có 2 loại thủy triều:
- Nhật triều (nước biển dâng lên, xuống mỗi ngày 1 lần).
- Bán nhật triều (mỗi ngày thủy triều lên xuống 2 lần).
Câu hỏi: Nguyên nhân sinh ra thủy triều?
- Do sức hút của Mặt Trời và Mặt Trăng làm cho nước các biển và đại dương lên xuống. Sự vận động lên xuống sinh ra thủy triều trong ngày và những thời kỳ triều cường, triều kém trong tháng.
Câu hỏi: Ở nước ta có mấy loại thủy triều?
Có 3 loại thủy triều:
- Bán nhật triều.
- Nhật triều.
- Không đều (có ngày một lần, có ngày hai lần thủy triều lên xuống)
Câu hỏi: Hàng tháng có 2 lần thủy triều lên cao nhất và 2 lần xuống thấp nhất là vào những ngày nào?
- Vào ngày trăng tròn (giữa tháng) và ngày không trăng (đầu tháng) thủy triều lên cao nhất, đó là ngày triều cường.
- Vào ngày Trăng lưỡi liềm (đầu tháng ngày 7, 8), và ngày Trăng lưỡi liềm (cuối tháng ngày 23, 24), thủy triều xuống thấp nhất, đó là ngày triều kém.
Câu hỏi: Nguyên nhân sinh ra triều cường và triều kém?
- Ngày thủy triều lên cao nhất: Mặt Trăng, Mặt Trời phối hợp với nhau tạo ra sức hút lớn. Đó là những ngày triều cường.
- Ngày thủy triều xuống thấp vì vị trí Mặt Trời và Mặt Trăng thẳng góc với nhau nên sức hút yếu, đó là những ngày triều kém.
Câu hỏi: Dòng biển là gì?
Trong các biển và đại dương, có những dòng nước chảy giống như những dòng sông trên lục địa gọi là dòng biển hay hải lưu. Các dòng biển chuyển động theo quy luật và chịu ảnh hưởng chủ yếu của các loại gió thổi thường xuyên trên Trái Đất như Tín Phong hay gió Tây ôn đới...
Câu hỏi: Có mấy loại dòng biển?
Có 2 loại dòng biển:
- Dòng biển nóng.
- Dòng biển lạnh.
Nóng hay lạnh là tùy theo nhiệt độ của nước biển trong dòng biển so với nhiệt độ của nước biển xung quanh.
Câu hỏi: Nêu rõ giá trị kinh tế của biển và đại dương?
Biển đóng vai trò quan trọng trong đời sống con người, và có ảnh hưởng rất lớn đến khí hậu của những vùng đất ven biển mà chúng chảy qua.
Giá trị kinh tế của biển và đại dương:
- Điều hòa khí hậu.
- Cung cấp thực phẩm, tài nguyên sinh vật biển, tài nguyên khoáng sản.
- Giao thông biển.
CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM
Câu 1: Trên Trái Đất, nước mặn chiếm bao nhiêu trong toàn bộ khối lượng nước trên Trái Đất
A. 70%
B. 79%
C. 82%
D. 97%
Câu 2: Độ muối hay độ mặn trung bình của nước biển và đại dương là bao nhiêu phần ngàn?
A. 15 ‰
B. 25 ‰
C. 35 ‰
D 45 ‰
Câu 3: Độ muối của nước trong các biển tùy thuộc vào:
A. Nước sông chảy vào nhiều hay ít.
B. Độ bốc hơi lớn hay nhỏ.
C. Nguồn cung cấp nước ngọt của băng biển tan.
D. Cả A, B, C đều đúng.
Câu 4: Sóng biển sinh ra do:
A. Gió.
B. Động đất.
C. Núi lửa.
D. Cả A, B, C đều đúng.
Câu 5: Nguyên nhân sinh ra thủy triều?
A. Núi lửa phun.
B. Do gió thổi.
C. Động đất ở đáy biển.
D. Sức hút Mặt Trăng và Mặt Trời.
Câu 6: Nước biển có bao nhiêu hình thức vận động?
A. 1 B. 3 C. 5 D. 7
Câu 7: Tại sao các dòng biển lại có ảnh hưởng lớn đến khí hậu của các vùng đất ven biển mà chúng chảy qua?
A. Làm thay đổi nhiệt độ.
B. Làm thay đổi thời tiết.
C. Làm thay đổi khí hậu.
D. Cả A, B, C đều đúng.
Câu 8: Vào ngày Trăng tròn (giữa tháng) và ngày không trăng (đầu tháng) thủy triều lên cao nhất đó là ngày:
A. Triều kém.
B. Triều cường.
C. Không có thủy triều.
D. Cả A, B, C đều sai.
Câu 9: Vào ngày nào thủy triều xuống thấp nhất?
A. Ngày trăng lưỡi liềm (đầu tháng ngày 7, 8).
B. Ngày Trăng lưỡi liềm (cuối tháng ngày 23, 24).
C. Cả A và B đều đúng.
D. Cả A và B đều sai.
Câu 10: Giá trị kinh tế của biển và đại dương là gì?
A. Điều hòa khí hậu.
B. Cung cấp thực phẩm, tài nguyên sinh vật biển, tài nguyên khoáng sản.
C. Giao thông biển.
D. Cả A, B, C đều đúng.
Đáp án
Câu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 |
Đ.Á | D | C | D | D | D | B | D | B | C | D |