Cô bé một chân ngày nào giờ đã thành cô sinh viên năm hai với biết bao nghị lực, quyết tâm và cả những hoài bão, ước mơ.
Nguyễn Thị Lệ Thu đang là sinh viên lớp Kế toán KT6A6, Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp. Cô bé với cái tên giọt lệ mùa thu ấy tưởng chừng cuộc đời em là những giọt nước mắt, nhưng em đã giấu đi những nỗi buồn để tiếp tục vững bước trên con đường phía trước, dù biết rằng nó chông gai gấp lắm.
Câu chuyện về em là chuỗi những ngày dài về sự vươn lên trước số phận nghiệt ngã. Một tai nạn năm lớp 5 đã khiến em từ một cô bé lành lặn phải bước tiếp cuộc đời với một đôi chân khuyết. Trong trí nhớ của Thu, đó là một buổi chiều Thu bế em chơi đùa cùng các bạn bên xe xúc đất, bất ngờ chiếc xe lật nhào, các bạn nhanh chân nhảy xuống, chỉ có em kém may mắn nhưng trong khoảnh khắc ấy, Thu vẫn tìm mọi cách hô hoán mọi người cứu lấy đứa em.
Sau lần tai nạn đó đã lấy đi một bên chân của Thu, dù có phải đâu đớn về thể xác nhưng cuộc đời sẽ không tài nào cướp nổi nụ cười lạc quan trên cô gái vùng đất nghèo Hiệp Hòa, Bắc Giang này. Sau tai nạn kinh hoàng ấy, gia đình lo sợ Thu không học theo kịp các bạn nên đã xin cho em được học lại. Sau một tháng nằm viện, Thu nhất quyết trở lại trường bằng xe lăn với một chân vẫn còn băng bó. Nghị lực sống cùng với niềm lạc quan đã giúp em theo kịp các bạn và liên tục đạt học sinh giỏi trong nhiều năm liền.
Thu chia sẻ, nhiều khi em cũng cảm thấy ngại ngùng, mặc cảm trước những ánh mắt tò mò, những cái nhìn thiếu thiện cảm của mọi người xung quanh, nhưng khi nghĩ rằng mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người đau khổ trên thế gian này, Thu lại mỉm cười để bước tiế.
Trong gia đình, Thu là thứ hai, từ ngày chị cả đi lấy chồng, cô bé khuyết tật lại càng thể hiện rõ vai trò đảm đang của một người con ngoan, một người chị tốt. Không thể giúp được bố mẹ công việc đồng áng, Thu làm tất cả các công việc trong gia đình từ giặt giũ, nấu nướng, chăm em và khi có thời gian rảnh rỗi lại ngồi miệt mài bóc lạc thuê để thêm thắt tiền cho mẹ.
Cô Thức – mẹ Thu cho biết, mặc dù cuộc sống gia đình còn khó khăn nhưng gia đình luôn luôn động viên con gái học tập: “Nhiều lần nhìn con đạp xe dưới trời nắng chang chang đèo em đi học thay bố mẹ mà lòng thắt lại, dù thiếu lắm nhưng gia đình vẫn cố gắng mua cho em chiếc xe đạp điện đi lại cho đỡ vất vả” lời cô Thức cho hay
Vượt qua bao khó khăn, bây giờ Lệ Thu đã trở thành sinh viên năm hai Trường Đai học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp. Mặc dù không được khỏe mạnh như các bạn đồng trang lứa nhưng kết quả học tập của em lúc nào cũng khiến nhiều bạn ngưỡng mộ. Ngoài suất học bổng trên lớp, em còn được một số tờ báo trao học bổng “Tiếp sức đến trường” như một nguồn động viên thêm sức mạnh.
Trong thời gian theo học đại học, ý thức được điều kiện gia đình còn nhiều khó khăn, bố mẹ ở nhà phải phụ hồ, bóc lạc thuê để có tiền nuôi em nhỏ, Thu quyết tâm tìm công việc làm thêm, dù biết với khiếm khuyết của em khó lòng mà nhiều nơi chấp nhận.
Nguyễn Thị Lệ Thu – cô bé có đôi mắt biết cười.
Tháng ngày qua đi, với sự bươn chải cuộc sống, buổi lên lớp, buổi làm nhân viên Maketing Online. Công việc cũng cho Thu có chút tiền, nhưng chỉ là đủ để trang trải cuộc sống sinh viên đơn giản. Gần đây nhất em sơ ý ngã làm gãy chiếc chân giả, nhưng do gia đình chưa có điều kiện mua chiếc khác thay thế. Thu bảo: “Bố mẹ cũng động viện do chưa có tiền nên tạm thời chống nạng đi học, khi có tiền sẽ mua sau. Mình thì nghĩ sẽ cố gắng tiết kiệm thêm” Thu ngập ngừng.
Mặc dù là sinh viên khuyết tật, đi lại khó khăn nhưng với lòng nhiệt huyết và tinh thần tuổi trẻ, ngoài việc học trên lớp Thu còn tham gia nhiệt tình ở Hội sinh viên tỉnh Bắc Giang tại Hà Nội
Với chiếc áo xanh tình nguyên cùng đôi nạng gỗ, Thu không ngại ngần trao đi những yêu thương, những động lực cho các em có hoàn cảnh, có ý chí phấn đấu để đạt được thành công.
Thu luôn tâm niệm: “Hãy cười hết mình vì ngày hôm nay, còn khóc hãy cứ để ngày mai khóc trên thành công của mình”.
Khi được hỏi về ước mơ của mình, Nguyễn Thị Lệ Thu cười và nói: “Mình có nhiều ước mơ, nhưng ước mơ lớn nhất mà mình không lúc nào thôi nghĩ là sau này ra trường tìm được một công việc để có thể giúp bố mẹ trang trải nợ nần, nuôi em gái ăn học nên người”.