Nguồn tư liệu khảo cổ học cũng bảo tồn những hình tượng thật của người phụ nữ “uy nghi chống nẹ trên chuôi kiếm” hoặc “nhịp nhàng giã cối, uyển chuyển đánh trống đồng”, Hai Bà Trưng, bà Triệu và những phụ nữ tài giỏi, dũng cảm khác của thời đại Ngô, Đinh, Lê, Trần, Lý, Lê. Tây Sơn như Thái hậu Vương Vân Nga, Ỷ Lan nguyên phi, đô đốc Bùi Thị Xuân... đã được ghi vào lịch sử thành văn của dân tộc.
Cùng với sự phản ánh về lịch sử đất nước, lịch sử dân tộc, mọi nguồn tư liệu đã cho thấy, vào những thế kỷ trước và sau công nguyên, ở nhiều lĩnh vực khác nhau, phụ nữ là những người đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng.
***
Hình ảnh nổi bật về người phụ nữ Việt Nam cổ truyền là người nữ sĩ đấu tranh chống giặc ngoại xâm.
Vai trò của phụ nữ ta thật rõ ràng khi mà lịch sử dân tộc đã phải dành đến một phần ba thời gian cho 24 cuộc chiến tranh giữ nước với quy mô cả nước và hàng trăm cuộc khởi nghĩa để giành độc lập.
Một nhà thơ đã viết:
“Trên đất nước nghìn năm chảy máu,
Nghìn năm người con gái vẫn cầm gươm”
Từ thế kỷ III trước công nguyên, trong những thời kỳ mà sử cũ gọi là “Bắc thuộc”, cùng với cả dân tộc, những người phụ nữ Việt Nam đã kiên quyết đứng lên chống bọn thống trị phương Bắc để giành lấy quyền sống. Vì khi có nạn ngoại xâm, phụ nữ là người trực tiếp chịu hậu quả nặng nề nhất. Thế kỷ XIII, giặc Nguyên – Mông tràn vào Thăng Long ”làm cỏ nhân dân kinh thành”, vào thành Đông Đô, giặc Minh đã cướp bắt đàn bà con gái, mỗ bụng đàn bà có thai, giết chết cả mẹ lẫn con, cắt tai đem nộp cho chủ tướng (năm 1909). Tướng giặc Trương Phụ bắt phụ nữ ta đưa về nước làm tôi đòi, tì thiếp (năm 1414). Nhà Minh ra lệnh buộc phụ nữ Việt Nam phải bím tóc, mặc áo ngắn, quần dài, theo phong tục của chúng. Thế kỷ XVIII, giặc Mãn Thanh và lũ tai sai bán nước trói phụ nữ vào cột ở giữa chợ, giết cả mẹ lẫn con vì họ đã đi theo nghĩa quân Tây Sơn...
Mở đầu truyền thống “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” là hai vị nữ anh hùng dân tộc: bà Trưng Trắc và em bà là Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi quân Đông Hán giành lại quyền tự chủ cho đất nước. Cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng lãnh đạo (năm 40 đầu công nguyên) lôi cuốn một lực lượng quần chúng đông đảo chưa từng thấy, chỉ trong một thời gian, 65 thành đã giải phóng, mở ra một trang sử vẻ vang cho dân tộc.
Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thức tỉnh tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam, đã phủ định cái uy quyền “bình thiên hạ” của đế chế Hán đang thời kỳ thịnh đạt, đồng thời nó cũng khẳng định khả năng giành độc lập, mở đường cho các thế hệ sau đi tới thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nó còn chứng minh khả năng cách mạng to lớn của phụ nữ: không những chiến đấu dũng cảm chống ngoại xâm mà còn động viên, đoàn kết và lãnh đạo quần chúng rất tài giỏi.
Dân tộc ta, còn ghi nhớ những gương phụ nữ kiệt xuất (36 nữ tướng) cùng đứng lên với Hai Bà gánh vác sự nghiệp đánh giặc cứu nước. Các nữ tướng như Lê Chân được thờ ở Hải Phòng. Thiều Hoa được thờ ở Vĩnh Phú, Thánh Thiên được thờ ở Hà Bắc, Lê Thị Hoa được thờ ở Thanh Hóa...
Sau Hai Bà Trưng là cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu, một lần nữa, khẳng định ý chí tự chủ, tinh thần độc lập của dân tộc với câu nói hào hùng đầy khí phách của Bà: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, quét sạch bờ cõi để cứu dân ra khỏi vòng chìm đắm, chứ đâu có chịu cúi đầu khom lưng làm tì thiếp cho người”.
Tài làm tướng chỉ huy chiến đấu ở trận tiền của bà khiến giặc Ngô phải khiếp sợ gọi bà là Bà Vương (Vua Bà). Còn nhân dân ta rất tự hào truyền tụng lại cho nhau hình ảnh kiên cường của người nữ tướng cưỡi voi đánh giặc:
“Con ơi, con ngủ cho lành
Để mẹ gánh nước rửa bành cho voi”
Bằng những cách đánh giặc muôn hình muôn vẻ, các thế hệ phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến vẫn không ngừng tích cực tham gia vào sự nghiệp cứu nước.
Bà hàng nước thành Cổ Lộng (Nam Hà) làm nội ứng cho nghĩa quân Nam Sơn của Lê Lợi – Nguyễn Trãi hạ thành.
Và nhiều phụ nữ khác ở thời Trần, thời Lê, thời Tây Sơn đã trực tiếp đánh giặc theo nhiều cách. Đấy là những người phụ nữ ở ven sông Bạch Đằng, đem hết thóc gạo trong nhà lương ăn cho quân sĩ, và mách Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn giờ nước thủy triều của dòng sông quê hương, giúp nhà Trần lập nên chiến công sông Bạch Đằng lẫy lừng.
Trong phong trào nông dân khởi nghĩa vào thế kỷ XVIII, đô đốc Bùi Thị Xuân, một tướng lĩnh trụ cột của Quang Trung – (Nguyễn Huệ), chỉ huy một đạo quân riêng gồm 5 nghìn quân phục màu đỏ, đã nhiều phen làm quân thù thất bại thảm hại, nhất là ở trận Trấn Ninh nổi tiếng.
Thế kỷ XIX, chống lại triều đại phong kiến nhà Nguyễn “Bà Ba Cai Vàng” (tên thật là Yến Phi) chỉ huy cuộc nổi dậy của nông dân đánh chiếm thị trấn Lạng Giang (Bắc Giang), Văn Giang (Hưng Yên) và Bắc Ninh. Một bài vè còn truyền tụng mãi trong nhân dân:
“Khen thay trí lực đàn bà
Bắc Ninh tài tướng bà Ba Cai Vàng”
Thời kỳ thực dân Pháp xâm lược nước ta và cấu kết với phong kiến thống trị nhân dân ta, các thế hệ phụ nữ Việt Nam đã cùng với dân tộc, phát huy truyền thống đánh giặc cứu nước.
Bà Đinh Phu Nhân 10 năm liền hoạt động dũng cảm trong phong trào Duy Tân, tới khi bị giặc bắt, tra khảo những bà không khai nửa lời. Trước khi tử tiết bà để lại thơ tuyệt mệnh viết bằng máu trên tường ngục, có câu:
Suối vàng gạt lệ gặp bà Trưng
Máu thấm hồn quyên khóc thảm thương
Lạy Phật: thân này còn hóa kiếp
Tay binh nghìn cánh, cánh nghìn gươm
Người phụ nữ Việt Nam, không những chỉ xuất hiện khi vận nước lâm nguy mà ngay cả trong đấu tranh dưới mọi hình thức chống áp bức bất công. Sự phản kháng chế độ phong kiến, lễ giáo Khổng Mạnh khi âm thầm, lúc quyết liệt diễn ra suốt hàng nghìn năm.
Thế kỷ XVIII, chế độ phong kiến ngày càng suy tàn mọt ruỗng (thời Lê Mạt, Trịnh Nguyễn phân tranh, “rạch đôi sơn hà làm cho trăm họ lầm than”), trong phong trào nông dân khởi nghĩa, cuộc đấu tranh của phụ nữ chống ách thống trị phong kiến đã lan rộng ra nhiều lĩnh vực: Bùi Thị Xuân trong quân sự, Hồ Xuân Hương trong văn học...và còn biết bao nữ danh nhân khác. Ca dao, truyện, thơ, truyện tiếu lâm thời kỳ đó đã phản ánh trung thực sinh động.
Đặc biệt, ý thức chống chế độ hôn nhân và gia đình phong kiến đã được Hồ Xuân Hương thể hiện rõ ràng, dứt khoát khi bà tố cáo chế độ đa thê:
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung,
Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng
Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm
Cầm bằng làm mướn, mướn không công
Lịch sử Việt nam còn ghi đậm nét những hình ảnh thường ngày về người phụ nữ Việt Nam cổ truyền, người phụ nữ cần cù trong lao động: “sớm ra ruộng lúa, tối về nương dâu”... “vai vác cái cày, tay đuổi con trâu, cái cuốc cho lẫn cái gầu, con dao rựa phát đèo đầu gánh phân”...
Theo sử liệu, ngay từ thế kỷ X và XV, đã có lúc Nhà nước huy động tới một triệu người vào quân đội, chiếm tỉ lệ một phần năm dân số. Người phụ nữ phải đảm đang lao động sản xuất:
“Ai đi theo chúa Tây Sơn
Em về cày cuốc mà thương mẹ già”
Việc điều động những lực lượng lao động lớn nam giới vào các công trình tập trung, đào sông, khơi mương, đắp máng, đắp đê phòng lụt và những việc đắp thành lũy, xây cung điện, dựng đền đài làm cho phụ nữ trở thành lực lượng lao động quan trong trong nông nghiệp.
Trong lịch sử Việt Nam, phụ nữ là những người tham gia đông đảo, tích cực vào tất cả những hoạt động sản xuất. Những ca dao như “Thân em vất vả trăm bề...” hoặc “em ôm bó mạ xuống đồng...”, “có con sáo đậu bờ rào, nhìn em tát nước hát chào líu lo”, “Lúa tốt vì bởi có phân, vì tay em lấm, vì chân em mòn...” rõ ràng phản ánh sự thực lịch sử về vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong lao động. Những người viết sử nước ngoài vào thế kỷ XVII và thế kỷ XVIII đã có những nhận xét : “Phụ nữ ở xứ này rất năng động. Họ làm nhà làm gốm, chèo truyền, bán hàng, bật bông kéo sợi, dệt vải, may vá quần áo, phần lớn công việc là do phụ nữ cáng đáng”.
Với tinh thần cần cù sáng tạo người phụ nữ lao động đã chăm lo đến công việc chung một cách tự giác.
Lịch sử của nhiều ngôi làng trù mật ở Trung du đồng bằng ngày nay đã bắt đầu từ ba thế kỷ trước, với điều ghi nhận về những người phụ nữ đầu tiên đã cùng với bà con khai rừng, bạt đồi, đuổi thú, phát cỏ mà làm nên ấm no, thịnh vượng cho cả một vùng.
Lập được những thành tích lao động ấy hiển nhiên người phụ nữ phải có một đầu óc lo liệu. Chỉ một việc đi cấy thôi, người phụ nữ cũng phải : “Trông trời, trông đất, trông mây. Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm”. Trong quá trình làm nông nghiệp đời này qua đời khác, ý thức lao động dần dần đi vào tình cảm trở thành bản chất tốt đẹp của người phụ nữ. Lao động kiên trì, nhẫn nại trở thành lẽ sống của phụ nữ vì chồng con, vì gia đình, vì đất nước.
Những cố gắng của phụ nữ được đền bù, kỹ năng lao động được rèn luyện, người phụ nữ lao động cổ truyền Việt Nam đã nổi tiếng là khéo tay, và lúc nào đấy đã có những sáng tạo thật độc đáo .
Với sự tham gia đông đảo, quan trọng và thường xuyên của người phụ nữ, nền nông nghiệp Việt Nam xưa đã đạt được những thành tựu đáng kể. Hàng nghìn năm trước, nông nghiệp của ta đã giải quyết được việc chuyển vụ, tăng vụ. Lúa đã được trồng đến 2 vụ, 3 vụ năm và hơn nữa tại một số vùng lên tới 4 vụ ở thế kỷ XIII. Nhiều cây rau quả cũng đã được trồng trọt từ rất sớm ở Việt Nam. Và cùng với kết quả đó là cả một kho tàng kinh nghiệm sản xuất đã được tích lũy xây dựng qua nhiều thế kỷ. Người phụ nữ ngày xưa tầm tơ canh cửi là chủ nhân của những bánh xe quay sợi bằng đất nung, đến những tấm gấm thời Lý... Đây là những người mà từ những thế kỷ đầu công nguyên - theo sự ghi chép của sử liệu thành văn - đã lập được những kỷ lục về trồng dâu nuôi tằm; một năm tám lứa, tơ lụa, sa the, lĩnh, láng mà nước ngoài chuộng mua phần lớn đều sản xuất ra từ những bàn tay khéo léo của người phụ nữ lao động Việt Nam.
Chính từ sự tham gia lao động sản xuất đã hình thành sức mạnh và vẻ đẹp tinh thần của người phụ nữ. Cái cảnh tượng quen thuộc của nông thôn Việt Nam xưa:
“Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”.
Đồng thời cũng biểu biện một đặc điểm của xã hội Việt Nam :
“Thuận vợ, thuận chồng tác biển Đông cũng cạn”.
Một hình ảnh nữa về người phụ nữ cổ truyền Việt Nam mà các nguồn tư liệu đều thống nhất phản ánh, chính là người phụ nữ chủ gia đình.
Những đức tính quý báu đầu tiên của người phụ nữ gánh vác gia đình xa là trung hậu đảm đang.
Đảm đang gia đình trong tình hình phải luôn luôn đối phó với thiên tai, địch họa, người phụ nữ càng thông cảm gắn bó với bà con, xóm giềng thành một cộng đồng nương tựa vào nhau, giúp đỡ lẫn nhau trong khó khăn hoạn nạn. Đức tính vị tha, khiêm nhường thủy chung như nhất trở thành một truyền thống “thương người như thể thương thân”.
Vô vàn những điền hình trong văn học dân gian phản ánh tinh thần hy sinh của người phụ nữ Việt Nam trong gia đình: “bên ướt mẹ nằm, bên ráo phần con” là điều phổ biến.
Mặt khác, tính khiêm nhường, lòng vị tha, đức tính hy sinh và lòng yêu thương sâu sắc của người phụ nữ tỏa ra trong gia đình, khiến cho người phụ nữ có một vị trí đặc biệt. Xã hội xưa đối với người phụ nữ chủ gia đình đã biểu lộ sự kính nể.
Đô hộ đất nước ta, bọn phong kiến phương Bắc tìm mọi cách đồng hóa dân tộc ta. Vì vậy lịch sử Việt Nam cũng là lịch sử bảo vệ và phát triển nền văn hóa dân tộc, trong đó người phụ nữ giữ vai trò rất tích cực.
Trách nhiệm của các bà mẹ Việt Nam nuôi dạy con cái từ tuổi bé thơ đến lúc trưởng thành, đã được xã hội ta từ xưa đánh giá cao “cha sinh không bằng mẹ dưỡng”
Qua những câu hát ru con, mẹ dạy con tình yêu đất nước, lòng biết ơn đối với tổ tiên:
“Uống nước phải nhớ đến nhớ đến nguồn
Được ăn quả chín nhớ ơn người trồng”
Mẹ dạy con phải yêu thương đoàn kết:
“Một cây làm chẳng nên non,
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”
Mẹ dạy con phong cách sống của người Việt N am:
“Thà chết trong còn hơn sống đục”
Mẹ dạy con phải yêu quý lao động như lẽ sống ở đời:
“Tay làm, hàm nhai, tay quai miệng trễ”
Hòa với dòng sữa và mối tình của mẹ, tiếng ru xưa gợi lên đầu óc đứa con thơ những nhận thức và tình cảm đầu tiên mà sau đó, cho mãi đến lúc lớn khôn, con người vẫn còn ghi nhớ mãi.
Những bài học, những kinh nghiệm đúc kết trong hàng nghìn năm lịch sử, những tình cảm, tâm lý, đạo đức của dân tộc Việt Nam, một phần quan trọng do những phụ nữ xưa gìn giữ và truyền thụ cho đời sau.
Đối với con người, người chồng, người yêu đi xa, hình ảnh người mẹ, người vợ cũng là hình ảnh của quê hương đất nước, và cũng tạo nên những tình cảm dân tộc và những hình ảnh tích cực khác trong đời sống xã hội.
Anh đi anh nhớ quê nhà...
Nhớ con cá bống ngắt đầu kho tiêu
Anh đi anh nhớ quê nhà
Bát canh rau muống, quả cà dầm tương
Việc nấu nướng các món ăn dân tộc được nâng lên thành nghệ thuật, trở thành một hình thức phong tục, kinh nghiệm kỹ thuật ở những cuộc thi trong các hội làng xưa.
Phụ nữ còn là những nghệ sỹ sáng tác và hát dân ca, múa dân tộc và tham gia xây dựng một nền nghệ thuật sân khấu cổ truyền tài hoa, đặc sắc.
Trong nền văn chương bác học của dân tộc, những người phụ nữ có điều kiện được ăn học cũng đem tài nghệ và tâm hồn hòa vào các dòng văn thơ chung, góp phần vào việc phát triển nền văn hóa dân tộc.
Đó là nàng Điểm Bích đời Trần Anh Tông với bài thơ nổi tiếng và duy nhất bằng tiếng mẹ đẻ từ thời Trần còn sót lại. Đó là nữ học sĩ Ngô Chí Lan đời Lê Thánh Tông, nổi tiếng với chùm thơ “Tứ thời” (lịch bốn mùa). Nguyễn Thị Dú, người làng Kiệt Đặc, cải trang đi thi Hội đã đỗ thủ khoa triều Mạc, làm đến chức Lễ Sử ở triều đình nhà Hậu Lê. Trịnh Thị Ngọc Trúc, giữa thời Lê Trịnh nhiễu nhương, đã từ bỏ mọi vinh hoa phú quý để miệt mài hoàn thành bộ “Từ điển tiếng Việt” cổ nhất của dân tộc...
Đặc biệt trong nền văn chương của dân tộc ở các thế kỷ XVIII, XIX, đã nở rộ một chùm hoa đẹp của “Văn học phụ nữ” với bốn cây bút: Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan và công chúa Lê Ngọc Hân.
Các thế lực phong kiến phương Bắc, từ bao đời mưu toan thủ tiêu nền văn hóa Việt Nam – từ những giáo hóa về hôn nhân gia đình của bọn quan lại nhà Hán, đến chính sách đồng hóa về phong tục của bọn quan lại nhà Minh, v.v...
Những nữ chiến sĩ – nghệ sĩ Việt Nam đã góp phần tích cực làm thất bại mưu toan đồng hóa của kẻ thù, bảo vệ và phát triển nền văn hóa của dân tộc.
***
Những trang sử cũ và những nguồn tư liệu đã phản ánh hình tượng người phụ nữ Việt Nam trong lịch sử:
- Lao động thông minh, cần cù
- Là trụ cột gia đình, nuôi già dạy trẻ
- Là người nghệ sĩ tài hoa, sáng tạo và bảo vệ văn hóa dân tộc.
- Là người chiến sĩ giữ nước kiên cường, bất khuất.
Lịch sử và dân tộc đã ghi nhận vai trò tích cực khả năng và cống hiến to lớn của người phụ nữ cổ Việt Nam trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước trên mọi lĩnh vực. Song ách thống trị về mặt giai cấp của các thế lực phong kiến kéo dài hàng nghìn năm chất nặng lên đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân Việt Nam, của người phụ nữ Việt Nam.
Chế độ phong kiến tập trung quyền hành vào ông Vua để thống trị nhân dân, và trong gia đình thì quyền hành tập trung vào người đàn ông gia trưởng đề áp bức phụ nữ. Trong sách Bình Hồ gia huấn có câu: “Gái trong cửa kín như bưng, Khác nào chim chích vào rùng biết chi”
Từ Luật Hồng Đức đến Luật Gia Long là quá trình phát triển ngày càng phản động của chế độ phong kiến đối với phụ nữ. Những cực hình, chỉ áp dụng riêng đối với phu nữ: thả bè trôi sông, gọt gáy bôi vôi, ngựa xé, voi giày...
Đến tuổi lấy chồng, người con gái không có quyền được lựa chọn người chồng. Với tục “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” và với lệ thách cưới người con gái trở thành một vật trao đổi mua bán.
Một khi việc “gả bán” đã xong, người con gái rời nhà cha mẹ, sống cuộc đời “xuất giá tòng phu”, người vợ không còn giữ được địa vị tương xứng với vai trò của mình trong gia đình, trái lại còn bị ngược đãi đủ điều.
Lấy chồng từ thuở mười lăm,
chồng chê tôi bé chẳng nằm cùng tôi
Bảy mươi mười bảy bao xa,
bảy mươi có của, mười ba cũng vừa
Suốt đời họ phải chịu những hậu quả tai hại về thể xác và tinh thần. Và, với quan niệm “tài trai lấy năm lấy bảy, gái chính chuyên chỉ có một chồng”, những người phụ nữ nạn nhân của chế độ đa thê (bất kể là vợ cả hay vợ lẽ). suốt đời chìm đấm trong những mối mâu thuẫn, bất hòa, khổ đau nhiều khi chỉ vì những chuyện rất vụn vặt.
Khi người chồng chết, người phụ nữ mất hết quyền thừa kế tài sản và phải phục tòng người con trai.
***
Từ giữa thế kỷ XIX, triều đình nhà Nguyễn phản động đã đầu hàng nhục nhã khi thực dân Pháp xâm lược nước ta. Nước ta đã trở thành một nước thuộc địa và nửa phong kiến.
Cảnh ngộ người phụ nữ Việt Nam trong gần 100 năm bị thực dân Pháp thống trị lại càng bi đát.
Ngay từ những năm đầu xâm lược Việt Nam, giặc Pháp đã đốt phá, giết chóc và hãm hiếp, gây biết bao tai họa cho nhân dân và phụ nữ ta ở khắp nơi.
Về tội ác của quân cướp nước đối với phụ nữ cũng như đối với cả dân tộc, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã nói: “Phạt cho đến kẻ hèn người khó, thân của quang treo, tội chẳng tha con nít đàn bà , đốt nhà bắt vật...”
Cấu kết chặt chẽ với bọn phong kiến bán nước và giai cấp địa chủ phản động, chủ nghĩa đế quốc Pháp đã thi hành những chính sách hết sức tàn bạo. Chúng chia cắt nước ta làm ba “Kỳ”, chia rẽ dân tộc đa và thiểu số; chúng cướp đất, một phần để khai thác đồn điền, hầm mỏ...làm cho hàng triệu người phải rời bỏ quê hương, trở thành nguồn nhân công rẻ mạt để chúng tha hồ bốc lột nạo vét đến tận xương tận tủy. Chúng thực hiện chính sách đàn áp, khủng bố vô cùng dã man kìm hãm ngu dân, đầu độc và ra sức phá hoại những truyền thống, phong tục tốt đẹp của nhân dân ta. Trong gần 100 năm thống trị đất nước ta, thực dân Pháp dìm cả dân tộc ta vào cuộc sống nô lệ, đói nghèo lạc hậu, dốt nát mê tín. Chúng mở sòng bạc, nhà chứa, tiệm nhảy nhiều hơn bệnh viện, nhà hộ sinh, cấm ngặt sách báo tiến bộ, cho tự do tiêu thụ rượu, thuốc phiện.
Trước cảnh nước mất nhà tan, quyền sống bị tước đoạt nhân phẩm bị chà đạp, nhiều phong trào yêu nước đã nổi dậy chống thực dân: phong trào Cần Vương của Phan Đình Phùng, phong trào Duy Tân của Phan Bội Châu, phong trào cải cách dân chủ tư sản do Phan Chu Trinh đề xướng, cuộc khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám, phong trào nào cũng phụ nữ tham gia đông đảo.
Tuy nhiên các phong trào đó đều thất bại không có đường lối và phương hướng giải phóng dân tộc đúng đắn. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc là người đầu tiên đưa ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin đến cho dân tộc ta, phu nữ ta.
Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra con đường cứu nước hợp với trào lưu tiến hóa của nhân loại. Đồng chí đã khẳng định: “Muốn cứu nước không có con đường nào khác con đường Cách mạng vô sản”.
Toàn thể nhân dân Việt Nam bị áp bức bóc lột, trong đó giai cấp công nhân và giai cấp nông dân là lực lượng chủ yếu vùng dậy đấu tranh chống bọn thống trị thực dân phong kiến. Phụ nữ Việt Nam chiếm số đông trong nhân dân lao động không những bị áp bức về dân tộc, về giai cấp mà còn bị giáo lý phong kiến kìm hãm trói buộc, nên họ có tinh thần đấu tranh cách mạng mạnh mẽ. Có phụ nữ tham gia thì cách mạng mới thành công, mặt khác, chỉ khi nào cách mạng thành công, dân tộc được độc lập, giai cấp được giải phóng, thì phụ nữ mới được giải phóng.
Những luận điểm trên đây của chủ nghĩa Mác - Lênin được vận dụng vào điều kiện Việt Nam trở thành nội dung tư tưởng chính trị của các tổ chức tiền thân những năm 1928 - 1929 và các đoàn thể quần chúng. Tư tưởng ấy thâm nhập vào các phong trào của công nhân, nông dân, học sinh, buôn bán nhỏ đã trở thành động lực tinh thần cổ vũ các phong trào ấy tiến lên mạnh mẻ. Từ đấy, phụ nữ Việt Nam cùng với toàn thể dân tộc đã có phương hướng hoạt động cứu nước rõ ràng: Cách mạng giải phóng dân tộc đồng thời giải phóng giai cấp, giải phóng phụ nữ.