Trò chơi điện tử: Lợi hay hại?

Chủ nhật - 01/02/2015 04:00
Trong xã hội ngày nay, trò chơi điện tử đã trở thành một môn giải trí của hầu hết các em học sinh. Từ ý tưởng ban đầu là một trò giải trí đến nay nó đã trở thành một hiện tượng văn hóa toàn cầu. Nhiều người lớn không thể hiểu được tại sao các em lại mê những trò chơi điện tử đến thế, nhưng vấn đề phụ huynh quan tâm là sự ảnh hưởng của môn giải trí này đến sức khỏe và sự phát triển trí tuệ của con em.
Trò chơi điện tử: Lợi hay hại?
I. Lợi ích của trò chơi điện tử
 
Phát Triển Tính Hợp Tác

Đa số các trò chơi điện tử ngày nay đều được nối mạng với nhau. Các em chơi chung với nhau, dù không ngồi chung một địa điểm. Khi chơi chung như vậy, các em sẽ phát triển tính hợp tác, tính làm việc theo tinh thần đồng đội. Cách làm việc không ngồi cùng một chỗ với nhau như vậy, là một kỹ năng hữu dụng cho thế kỷ 21.
 
Học Cách Xử Lý Công Việc

Rõ ràng là trẻ em học được cách làm một số công việc, ví dụ như làm thế nào để vượt qua chướng ngại, dù đó chỉ là trò chơi. Một trò chơi luôn thể hiện về một đề tài nào đó, ví dụ như một cuộc chạy đua cần phải thắng, một lâu đài nhiều mê cung đang giam giữ nàng công chúa cần được giải thoát … Các em sẽ học được tại sao phải làm như vậy để đạt được kết quả và điều quan trọng nữa là liệu có nên làm hay không nên làm một hành động nào đó, ví dụ như trong khi chơi, các em có cơ hội dùng gậy đập vào đầu một người nào đó thì có nên làm hay không.
 
Sáng Tạo và Óc Tưởng Tượng

Hầu như trò chơi nào cũng vậy, các em phải hóa thân làm nhân vật chính trong trò chơi, phải hành động, phải có dáng vẻ như thế nào. Nói cách khác, đó là vấn đề sáng tạo và tưởng tượng. Thành thật mà nói, trong hầu hết các trường hợp, óc tưởng tượng thực sự là do người thiết kế trò chơi đặt ra; nhưng ở đây, chưa chắc người thiết kế lại có nhiều tưởng tượng và có cơ hội học hỏi nhiều hơn những người tham gia trò chơi.
 
Thỏa Mãn Những Nhu Cầu Tâm Lý Cơ Bản

Đa số các em thừa nhận rằng không thể bỏ trò chơi điện tử vì chúng tạo cho các em nhiều cơ hội gặt hái thành công, cảm giác tự do và thậm chí là cả mối liên hệ với những người chơi khác. Những lợi ích đó lớn hơn nhiều cảm giác thích thú được chơi. Các em cảm thấy thỏa mãn nhất khi trò chơi có những thử thách và trải nghiệm tích cực giống như trong cuộc sống thực.
 
Rèn Luyện Thể Lực

Trong các trò chơi mang những cái tên như Dance hoặc Dance Revolution, các em phải có những bước nhảy theo nhịp, và nhảy trên một tấm trải có ghi những vị trí rõ ràng. Người chơi phải bước đúng nhịp và đúng vị trí trong tấm trải. Muốn thắng trò chơi này các em cũng phải tập luyện đổ mồ hôi đấy. Cũng có những trò chơi mà các em phải vận động cánh tay, cơ bắp hai bên ngực.
 
Điều Trị

Một số games có tác dụng điều trị hiệu quả đối với một số bệnh sợ hãi do tâm lý. Ví dụ như hình ảnh mấy con nhện trong trò chơi bắn súng Half-Life để điều trị chứng sợ nhện và thay đổi phông cảnh của trò chơi Unreal Tournament để chữa trị chứng sợ độ cao hoặc sợ không gian kín.
 
II. Tác hại của trò chơi điện tử.
 
Nhiều phụ huynh đã mua máy vi tính, các thiết bị hỗ trợ để các em có thể chơi games tại nhà, giảm thời gian la cà, rong chơi ngoài đường. Nhưng do lơ là kiểm soát, các em có thể sẽ “ghiện” chơi games hơn là dành thời gian học và làm bài tập. Ngoài việc ảnh hưởng đến học tập, trò chơi điện tử còn có những tác hại đến sức khỏe của các em như sau:
 
Những tổn thương do sử dụng đôi tay quá mức. Những tổn thương này phát sinh khi trẻ lặp đi lặp lại động tác ấn ngón tay vào bàn phím (keyboard) hoặc nút điều khiển. Tổn thương như thế nào sẽ tùy thuộc vào từng trò chơi, ví dụ như trò chơi đòi hỏi người chơi phải lien tục ấn ngón cái vào nút điều khiển sẽ gây nguy cơ duỗi gân ngón cái.
 
Béo phì. Có một mối liên hệ mật thiết giữa chơi games và chứng béo phì. Càng bỏ nhiều thời gian ngồi trên máy, nguy cơ béo phì càng tăng cao. Dĩ nhiên, trường hợp này chỉ xảy đến với các em khi các em chỉ lựa chọn những trò chơi thụ động.
 
Ảnh hưởng đến mắt. Chơi trò chơi điện tử quá lâu sẽ gây mỏi mắt do mắt phải điều tiết nhiều. Khi mỏi mắt trẻ sẽ có cảm giác nhìn mờ và nhức đầu.
 
Các vấn đề về xương, khớp. Chơi trò chơi điện tử một thời gian dài sẽ nảy sinh một số vấn đề về xương, khớp gây đau vai, đau cổ và đau đầu.
 
Như vậy, bên cạnh những mặt tích cực, trò chơi điện tử cũng có những tác hại nếu các em quá lạm dụng. Phụ huynh nên nhắc nhở để các em có khoảng thời gian chơi games hợp lý, điều độ, thường không quá 02 giờ mỗi ngày. Không nên ngồi miệt mài, liên tục trên máy mà nên có những khoảng nghỉ ngơi. Bạn nên khuyến khích trẻ chơi xen kẽ các trò chơi khác nhau, vì mỗi trò chơi sẽ có những phương tiện điều khiển khác nhau như con chuột (mouse), bàn phím, cần điều khiển … như vậy trạng thái vận động của đôi tay sẽ được thay đổi.
 
Sự điều độ sẽ là chìa khóa để giảm thiểu các vấn đề sức khỏe cho các em và việc hướng dẫn các em lựa chọn trò chơi phù hợp với lứa tuổi và tính cách sẽ biến những giờ chơi thành khoảng thời gian lý thú.

Giờ học đường

  Ý kiến bạn đọc

THÀNH VIÊN

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây