Bài văn viết dưới mái nhà dột

Thứ sáu - 22/08/2014 11:10
Tôi đang đi làm về, bỗng bất chợt mây đen kéo đến ùn ùn, gió, sấm chớp… và rồi mưa như trút nước.
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.
Tấp vội chiếc xe máy vào lề đường, tôi chạy vào một quán cóc lợp bằng rơm phủ sơ sài tấm bạt cũ đã thủng lỗ chỗ. Mưa rơi lộp độp, gió tạt xối xả trong chiếc lều được dựng bằng mấy cọc tre chơ vơ đầu làng, đứng chỗ nào cũng ướt, tránh chỗ này dột chỗ kia. 
 
Có bóng ai lom khom quảy gánh mạ đi vội trong mưa… Một bà nông dân trạc ngoài 50 tuổi, dáng thấp nhỏ giống hệt mẹ tôi năm xưa, tạt vào lều trú tạm. 
 
Mọi người đều cố nép vào nhau tránh những chỗ dột trong lều. Bỗng cơn gió bay một phần lều bạt, hất dòng nước chảy xuống gần chỗ tôi đứng. Bất giác bà lấy chiếc nón cầm trên tay che lên đầu cho tôi khỏi bị dòng nước dội vào.
 
Và kỷ niệm xưa trong tôi chợt ùa về…
 
Ngày đó, nhà tôi nghèo lắm, lại đông con nên cuộc sống rất vất vả. Được cái mấy chị em tôi đứa nào cũng học giỏi nên bố mẹ không nỡ cho nghỉ học. 
 
Chúng tôi cũng biết vậy, tất cả đều cố gắng học tốt, năm nào cũng được đi thi học sinh giỏi. Tôi là đứa yếu nhất nhà, nên bố mẹ và các anh chị hay nhường cho những phần việc nhẹ nhàng.
 
Nơi học của chị em tôi là chiếc bàn bố tự tay đóng để vừa làm chỗ tiếp khách, lại để chị em tôi học bài. Đây cũng là chiếc bàn duy nhất trong gia đình. Chiếc bàn ấy quay ra cửa sổ để tận dụng ánh sáng tự nhiên. 
 
Bên ngoài có một tấm liếp bằng tre được chống lên bằng cành cây và hạ xuống khi cần thiết. Tối tối, quanh ngọn đèn dầu, chúng tôi quây lấy nhau, chị kèm em, em hỏi chị, mà đứa nào cũng đạt học sinh giỏi.
 
Năm tôi học lớp 4 (hệ 10 năm), tôi được lọt vào Đội tuyển học sinh giỏi Văn của huyện, đi thi cấp thành phố. Ngày mai là đến kỳ thi chọn lọc lần cuối để vào đội tuyển chính thức nên tôi được ưu tiên học buổi chiều mà không phải nấu cơm. 
 
Bỗng một cơn mưa dông kéo đến, gió thổi tạt vào mái nhà, tốc một phần mái rạ, để trơ lại những thanh rui tre. Mái tranh phần phật lên xuống theo từng đợt gió thổi, một dòng nước theo đó chảy vào nhà. 
 
Sấm chớp ầm ầm, một mình tôi ở nhà chẳng biết xoay sở thế nào. Bài văn cô ra vẫn chưa làm xong, trong khi đó, gió giật mạnh làm tấm liếp cửa cứ lật qua lật lại khiến chiếc lạt tre như muốn đứt tung ra. Làm thế nào bây giờ? 
 
Tôi đang loay hoay lúng túng, một tay thò ra ngoài cố giữ tấm liếp cửa khỏi mưa tạt, một tay chặn cuốn vở trên bàn không cho gió bay xuống nền nhà ướt, tủi thân chực khóc…
 
Bỗng, một dáng người lom khom chạy lại, thoăn thoắt lấy một nắm lạt mạ bằng tre tươi, buộc lại tấm liếp cửa… Mẹ về! Tôi vừa nhìn thấy mẹ đã òa khóc. Mẹ bảo tôi vào học tiếp. 
 
Và cứ thế mẹ đứng giữ tấm liếp thay cho chiếc chống cửa vừa bị gió bay, rơi mất ra ngoài mưa, lấy ánh sáng cho tôi tiếp tục học bài. Từ đáy lòng, một cảm xúc trào dâng trong tôi. Những câu văn tả về người thân yêu nhất cứ thế tuôn theo ngòi bút. Tôi đã viết về mẹ mình. 
 
Hình ảnh mẹ thật lớn lao biết chừng nào. Mẹ bảo tôi cố gắng viết nhanh để mẹ giữ cửa cho đủ ánh sáng. Đề Văn yêu cầu phân tích bài “Mưa” của Trần Đăng Khoa. Bài viết của tôi hôm đó, không ngờ lại được chọn để đọc cho toàn đội tuyển nghe. 
 
Thầy giáo nói bài viết rất có hồn. Tôi thì lại thấy hình ảnh “bố em đi cày về, đội sấm đội chớp, đội cả trời mưa” trong bài thơ như có hình ảnh mẹ mình đứng giữ tấm liếp lấy ánh sáng cho tôi học bài buổi chiều mưa dông năm đó.
 
Đêm ấy, trời lại mưa. Mái nhà dột lúc chiều bố chưa kịp lợp lại, nước chảy vào giường chỗ mấy mẹ con tôi nằm. Mẹ ngồi dậy, giục 2 đứa lớn ngồi nép vào nhau, mẹ lấy nón che cho bé út ngồi trong lòng mẹ ngủ. Mẹ đã thức cả đêm như thế.
 
Hôm sau, mẹ bị cảm lạnh do dầm mưa quá lâu. Sau mấy ngày ăn cháo hành tía tô giải cảm, mẹ đỡ dần. Ngày mẹ khỏi ốm cũng là lúc tôi chính thức có tên trong đội tuyển Văn thành phố. 
 
Chính việc mẹ đỡ tấm liếp cho tôi học bài đã là động lực cho tôi đạt giải Nhì kỳ thi học sinh giỏi năm đó… Tất cả những bài văn sau này, và cả những bài báo tôi viết về những người phụ nữ, bao giờ cũng có hình bóng của người mẹ tần tảo sớm hôm nuôi chị em tôi ăn học nên người…
 
Hôm nay, lại một cơn mưa dông giống như cơn mưa rào năm xưa, một người xa lạ bất giác lấy chiếc nón che chắn dòng nước mưa khỏi chảy vào người tôi. Bà nông dân ấy lại khiến tôi nhớ về mẹ. 
 
Có cái gì nghèn nghẹn dâng lên. Kỷ niệm năm xưa lại ùa về… Bây giờ, chị em tôi đã học hành thành đạt. Tôi trở thành cô giáo dạy Văn và rồi làm người quản lý giáo dục. 
 
Mẹ tôi cũng đã già, rồi khuất núi, nhưng hình ảnh mẹ hai tay đỡ tấm liếp cửa để tạo thêm chút ánh sáng trên bàn học của tôi trong chiều mưa dông đó mãi mãi tôi không bao giờ quên.

Giáo dục và thời đại

  Ý kiến bạn đọc

  • Lê Thanh
    Thật xúc động biết bao!
    Cháu cảm ơn cô,nhờ cô cháu đã có thêm nghị lực học hành,vượt qua mọi khó khăn...
      Lê Thanh   05/09/2014 11:15
  • Nguyễn Thị Phượng
    ca...cảm động quá,hjx hjx
      Nguyễn Thị Phượng   31/08/2014 08:30

THÀNH VIÊN

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây