Là cha,là mẹ ,là bà
Nuôi cháu, nuôi chắt tuổi già chưa an
Thủy chung với Đảng vô vàn
Lòng bà như nước chứa chan cây đời
Nghe câu ca truyền miệng của những dân thôn Kì Tân –Tam Dân ,không ai không biết Người mẹ, người bà ấy chính là mẹ Nhung.
Hôm nay, tôi lại cùng lớp đến thăm mẹ. Ngôi hà ngói hai gian quay mặt ra cánh đồng nấp sau lũy tre xanh, và cây me già sừng sững ...
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương Tam Dân bị giặc Pháp xâm lược, mười tám tuổi, mẹ đi dân công tiếp tế cho bộ đội. Rồi Pháp thua,Mĩ tới. Đất Kì Tân lại bị đạn bom giày xéo. Chính sách « giết lầm hơn bỏ sót » của kẻ thù những người thân yêu nhất của mẹ. Đó là song thân và ông anh ruột để lại cho mẹ bốn đưa cháu gọi bằng cô. Vừa là một nữ liên lạc dũng cảm, vừa là người cô cưu mang nuôi nấng bốn cháu nhỏ, gánh nặng việc nước việc khiến mẹ hi sinh thời thiếu nữ. Ai cũng bảo rằng thời con gái mẹ đẹp lắm.Làn da bồ quân mịn màng, đôi mắt đen huyền... khiến cho nhiều trai làng chết mê chết mệt. Vậy mà mẹ không thể có được một mái ấm gia đình như bao người phụ nữ con gái khác...
Niềm vui của mẹ là công việc liên lạc cho cách mạng và cưu mang các cháu. Các cháu dần lớn khôn được người mẹ trẻ dạy đi làm cách mạng. Hai chị Nguyễn Thị Huệ, Nguyễn Thị Hạnh trở thành cán bộ liên lạc nhỏ tuổi. Anh Nguyễn Đình Hải mới tám tuổi đầu được mẹ đưa xuống Tam Kì học để mẹ tiện việc lên xuống liên lạc với cơ sở huyện.
Một lần, mẹ đang làm nhiệm vụ chuyển thư thì bị địch phát hiện.Bọn chúng bắt mẹ tra tấn đánh đập dã mạn. Không khai thác được gì chúng thả mẹ ra. Trên mình đầy vết thương mẹ vẫn gắng lê lết về đến nhà rồi ngã đổ như một cây chuối đã bị oằn vì gió bão. Các cháu hoảng hốt lo lắng thuốc thang. Khi tỉnh lại mẹ tâm sự:
- Cô chết vì cách mạng thì có tiếc gì. Nhưng cô còn các con. Cô phải sống thôi. Các cháu chỉ biết ôm mẹ mà khóc... Đêm đến mẹ laị ra cánh đồng làng. Bức thư mật nhỏ xíu được mẹ kịp thời giấu trong bó mè vẫn còn nguyên vẹn...
Bị tình nghi là hoạt động cách mạng, ngôi nhà mẹ nhiều lần bị địch xông vào lục soát và thậm chí đôt luôn. Ngồi trước cảnh tan hoang, đống tro tàn ,các cháu khóc lóc, mẹ an ủi.
- Thôi đừng khóc nữa, cô cháu mình dọn đến nhà mới để ở.
Thì ra ngôi nhà mới của mẹ là các hầm trú ẩn an toàn bí mật sau vườn. Rồi mẹ lại cắt tranh chặt cây lại nhà như lần trước.
Bọn lính thấy mẹ quần quật làm ruộng trồng khoai liền bảo nhau :
- Con mẹ này làm nhiều lúa gạo để tiếp tế cho cộng sản, cứ vào lấy hết.
Có hôm chúng cướp sạch. Thương các cháu bị đói cả ngày, mẹ xin gạo hàng xóm về nấu cháo. Mẹ dọn ra rồi bảo: “Cô ăn rồi các con cứ ăn đi”. Tối đến chị Huệ tình cờ xuống bếp thấy mẹ ăn chuối luộc. Chị đứng lặng lẽ nhìn mẹ mà rơi nước mắt...
Những năm 68– 70 cuộc chiến càng trở nên ác liệt trong một lần đi liên lạc chị Huệ đã rơi vào ổ phục kích của giặc. Nhìn thân hình đầy máu me của chị mẹ khóc tức tưởi. Chị được đưa đi Hà Nội để giải phẫu. Gần 1 tháng trời mẹ ở nhà mà không đêm nào mẹ ngủ trọn giấc. Nửa đêm mẹ đến trước bàn thờ ông anh ruột thắp nhang cầu khấn :
- Anh ơi ! Anh có linh thiêng thì hãy phù hộ cho cái Huệ ...
Và chị đã về với mẹ. Niềm vui chưa trọn vẹn thì tin dữ lại đến.Vào một buổi chiều ...tháng tư năm 1972, một người bị thương được khiên vào nhà mẹ. Mẹ nhìn kĩ và thét lên :
- Không ! Không phải cái Hạnh ! Con không thể bỏ mẹ mà đi Hạnh ơi ...
Cái sự thật quá tàn nhẫn đã khiến mẹ không còn khóc được nữa.Mẹ ôm lấy xác con mà ngất xỉu...
Thế rồi mẹ cũng vượt lên mọi nỗi đau để làm cách mạng. Mẹ trụ bám nuôi các cháu đến ngày giải phóng. Mẹ dựng vở gả chồng cho cháu Huệ và cháu Hải. Mẹ có dâu .Trong ngôi nhà nhà nhỏ vang lên tiếng cười của hai chắt. Nhưng rồi anh Hải đột tử vì căn bệnh tim.Người cháu dâu bỏ nhà đi bước nữa. Mẹ lại âm thầm lặng lẽ nuôi hai chắt gọi bằng bà nội cô. Vẫn như thuở nào, mẹ thức khua dậy sớm vừa làm ruộng ,nuôi bò nuôi heo ... Khoản tiền liệt sĩ và có công cách mạng để an dưỡng tuổi già mẹ dành hết để lo cho hai cháu ăn học. Niềm vui được nhân lên khi cháu Nguyễn Thị Duyên và Nguyễn Đình Danh luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Theo năm tháng ,các cháu của mẹ đã trưởng thành. Đặc biệt cháu Nguyễn thị Duyên đã trở thành giảng viên của một trường đại học. Các cháu đều đã yên bề gia thất. Cái tuổi tám mươi cùng với những vất vả âu lo cả cuộc đời đã hằn sâu trên những nếp nhăn của mẹ. Mẹ cười móm mém khi nói về ước mơ của mình.
- Tui mong được nhắm mắt ...mà không phải phiền lòng các cháu.
Mẹ là thế.Cả đời mẹ chỉ biết hi sinh.
Câu chuyện về mẹ đã được truyền đi khắp nơi như một huyền thoại. Cũng như bao lần đến thăm mẹ nhưng lần này trong lòng mỗi cô trò đều nặng trĩu nỗi tiếc thương. Mẹ không còn nữa. Thắp nén nhan tưởng nhớ người đã khuất, tôi thầm nói với mẹ: "Mẹ ơi mẹ mãi mãi sống trong lòng quê hương đất nước,trong lòng mỗi chúng con".