A. KIỂM TRA ĐỌC: 10 điểm
I. Kiểm tra đọc thành tiếng ( 3 điểm )
II. Kiểm tra đọc hiểu kết hợp với kiểm tra kiến thức tiếng Việt ( 7 điểm )
Đọc bài sau và trả lời câu hỏi:
NGỤ NGÔN VỀ NGỌN NẾN
Một tối mất điện, ngọn nến được đem ra đặt ở giữa phòng. Người ta châm lửa cho ngọn nến và nến lung linh cháy sáng. Nến hân hoan nhận ra rằng ngọn lửa nhỏ nhoi của nó đã đem lại ánh sáng cho cả căn phòng. Mọi người đều trầm trồ: “Ồ, nến sáng quá, thật may, nếu không chúng ta sẽ chẳng nhìn thấy gì mất.”. Nghe thấy vậy, nến vui sướng dùng hết sức mình đẩy lui bóng tối xung quanh.
Thế nhưng, những dòng sáp nóng đã bắt đầu chảy ra lăn dài theo thân nến. Nến thấy mình càng lúc càng ngắn lại. Đến khi chỉ còn một nửa, nến giật mình: “Chết mất, ta mà cứ cháy mãi thế này thì chẳng bao lâu sẽ tàn mất thôi. Tại sao ta phải thiệt thòi như vậy?”. Nghĩ rồi, nến nương theo một cơn gió thoảng để tắt phụt đi. Một sợi khói mỏng manh bay lên rồi nến im lìm.
Mọi người trong phòng nhớn nhác bảo nhau: “Nến tắt mất rồi, tối quá, làm sao bây giờ?”. Ngọn nến mỉm cười tự mãn và hãnh diện vì tầm quan trọng của mình. Nhưng bỗng một người đề nghị: “Nến dễ bị gió thổi tắt lắm, để tôi đi tìm đèn dầu”. Mò mẫm trong bóng tối ít phút, người ta tìm được một chiếc đèn dầu. Đèn dầu được thắp lên còn ngọn nến cháy dở thì bị bỏ vào ngăn kéo tủ.
Ngọn nến buồn thiu. Thế là từ nay nó sẽ bị nằm trong ngăn kéo, khó có dịp cháy sáng nữa. Nến chợt hiểu rằng hạnh phúc của nó là được cháy sáng vì mọi người, dù chỉ có thể cháy với ánh lửa nhỏ và dù sau đó nó sẽ tan chảy đi.
Bởi vì nó là ngọn nến.
(Theo nguồn Internet)
|
|
Khoanh tròn vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất của các câu 1; 2; 3, 4; 7; 8:
Câu 1: (0,5đ) Vì sao khi được đốt sáng, ngọn nến rất vui sướng?
A. Vì khi đốt sáng, ngọn nến trở nên lung linh rất đẹp
B. Vì ngọn nến thấy ngọn lửa nhỏ nhoi của nó đã đem ánh sáng cho cả nhà, nó thấy mình có ích
C. Vì nó nhận ra mình có sức mạnh đẩy lùi, chiến thắng được cả bóng tối.
d. Vì nó thay thế cho đèn điện.
Câu 2 : Vì sao ngọn nến lại nương theo gió để tắt đi không chiếu sáng nữa?
A. Vì đã có đèn điện thắp sáng.
B. Vì gió to, nến khó lòng chống chọi lại được
C. Vì nến sợ mình sẽ cháy hết, sẽ chịu thiệt thòi
D. Vì khi cháy bị nóng quá, nến đau không chịu đựng được
Câu 3: (0,5đ) Sau khi nến tắt, mọi người đã thắp sáng bằng gì?
A. Đèn điện |
B. Đèn dầu |
C. Đèn pin |
D. Đèn đom đóm |
Câu 4: (0,5đ) Ngọn nến có kết cục như thế nào?
A. Bị bỏ trong ngăn kéo, nằm buồn thiu, khó có dịp cháy sáng nữa
B. Được cắm trên một chiếc bánh sinh nhật
C. Được để trong hộp đồ khâu của bà dùng để chuốt cho săn chỉ.
D. Nến không bị tàn và không bị thiệt thòi.
Câu 5: (1đ): Ngọn nến hiểu ra điều gì?
......................................................................................................................
......................................................................................................................
......................................................................................................................
Câu 6: (1đ): Qua câu chuyện trên, em rút ra được bài học gì cho bản thân?
......................................................................................................................
......................................................................................................................
......................................................................................................................
Câu 7: (0,5đ) “Nến tắt mất rồi, tối quá, làm sao bây giờ?” thuộc loại câu nào?
A. Câu kể |
B. Câu hỏi |
C. Câu cảm |
D. Câu khiến |
Câu 8: (0,5đ Dòng nào dưới đây gồm các từ trái nghĩa với từ “lạc quan”?
A. tin tưởng, phấn khởi, hi vọng
B. tin tưởng, chán đời, thất vọng
C. vui vẻ, lạc quan, chán trường
D. rầu rĩ, bi quan, chán chường
Câu 9: (1đ): Chuyển câu kể sau thành câu cảm:
Cây nến sáng lung linh.
......................................................................................................................
......................................................................................................................
Câu 10: (1đ):
a) Thêm trạng ngữ vào chỗ trống để hoàn thiện câu sau:
.........................................................., nến đã được thắp lên.
b) Xác định chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ của câu hoàn chỉnh trong câu a.
......................................................................................................................
......................................................................................................................
B. KIỂM TRA VIẾT ( 10 điểm )
I. Chính tả: ( 2 điểm).
Nghe - viết bài “ Đường đi Sa Pa” .(Tiếng Việt lớp 4, tập II, trang 115)
......................................................................................................................
......................................................................................................................
......................................................................................................................
......................................................................................................................
......................................................................................................................
......................................................................................................................
II. Tập làm văn: (8 điểm)
Đề bài: Em hãy tả một con vật mà em yêu thích.
......................................................................................................................
......................................................................................................................
......................................................................................................................
......................................................................................................................
......................................................................................................................
......................................................................................................................
......................................................................................................................
......................................................................................................................
ĐÁP ÁN MÔN TIẾNG VIỆT CUỐI KÌ II
NĂM HỌC 2021
A. KIỂM TRA ĐỌC :
I. Đọc thành tiếng : (3 điểm)
- Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng ; tốc độ đọc đạt yêu cầu, giọng đọc có biểu cảm : 1 điểm.
- Ngắt, nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa ; đọc đúng tiếng, từ (không đọc sai quá 5 tiếng) : 1 điểm.
- Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc : 1 điểm
II. Đọc thầm và làm bài tập (7 điểm)
- Mỗi câu khoanh đúng cho 0,5 điểm.
Câu 1 |
Câu 2 |
Câu 3 |
Câu 4 |
Câu 7 |
Câu 8 |
B |
C |
B |
A |
B |
D |
Câu 5: (1đ): Ngọn nến hiểu ra điều gì?
Hạnh phúc của nó là được cháy sáng vì mọi người, dù chỉ có thể cháy với ánh lửa nhỏ và dù sau đó nó sẽ tan chảy đi.
Câu 6: (1đ): Qua câu chuyện trên, em rút ra được bài học gì cho bản thân?
HS nêu một trong các ý sau:
- Không nên sống ích kỉ, ích kỉ là một thói xấu hay gặp và dễ mắc phải. Không nên chỉ vì cái ích kỉ của bản thân mà không nghĩ đến người khác vì đem lại hạnh phúc cho người khác cũng là mang lại hạnh phúc cho chính mình
- Dù ở vị trí nào chúng ta cũng phải biết cống hiến toàn bộ khả năng của mình để trở thành người sống có ích cho mọi người. Có như thế con người mới không hối tiếc vì đã sống hoài, sống phí.
Câu 9: (1đ): Chuyển câu kể sau thành câu cảm: Cây nến sáng lung linh.
Đáp án: - Cây nến sáng lung linh quá!
- Ôi chao, cây nến sáng lung linh quá!
....................
Câu 10: (1đ):
a) Trạng ngữ chỉ địa điểm: Ở giữa phòng, nến đã được thắp lên.
b) Xác định chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ của câu hoàn chỉnh trong câu a.
VD: Ở giữa phòng, nến đã được thắp lên.
TN CN VN
B. KIỂM TRA VIẾT: (10 điểm)
1. Chính tả ( 2 điểm )
- Bài viết không mắc lỗi chính tả, chữ viết rõ ràng, trình bày sạch đẹp: 2 điểm.
- Mỗi lỗi chính tả trong bài viết ( sai phụ âm đầu hoặc vần, thanh; không viết hoa đúng quy định): Trừ 0,2 đ.
Lưu ý: Nếu chữ viết không rõ ràng, sai về độ cao - khoảng cách- kiểu chữ: tùy theo mức độ để trừ điểm toàn bài (không quá 0,5 đ).
2. Tập làm văn (8 điểm)
+ 7 - 8 đ: Bài viết đúng nội dung mạch lạc, đủ ý, liên kết, lời lẽ chân thực, tự nhiên, câu văn có hình ảnh không sai lỗi chính tả.
+ 5 – 6 đ: Bài viết đúng thể loại, đúng bố cục, đúng nội dung, đủ ý, liên kết, lời lẽ chân thực, tự nhiên.
+ 4 điểm: Bài viết đúng thể loại, đúng bố cục, nội dung.
+ Dưới 4: Bài viết chưa tốt, nội dung còn sơ sài, sai nhiều lỗi chính tả.
Bài văn mẫu: Tả một con vật mà em yêu thích
Trong đàn gà của nhà em, em thích nhất chú gà trống. Em đặt tên cho chú là Lông Mướt.
Đúng với cái tên, chú gà trống có bộ lông vàng mướt như nhung và lấp lánh dưới ánh mặt trời trông rất đẹp. Đầu chú hình hột xoàn, mắt chú nhỏ cỡ nút áo. Mỏ của chú cứng và trên đầu có một cái mào đỏ thắm trông rất đẹp. Đuôi của chú vòng ra phía sau trông giống như cây chổi nhỏ. Chân gà trống có móng sắc và đôi cựa to khỏe. Đôi khi nghịch ngợm, chú cũng đá nhau với các chú gà khác trong xóm em.
Hằng ngày, chú gà trống của em đánh thức cả xóm dậy với tiếng gáy quen thuộc Ó ó o! Ó ó o! Khi chú gà gáy, cổ chú phình lên, ngực ưỡn ra trước và vỗ cánh phành phạch oai vệ như một chàng võ sĩ. Tiếng gáy của gà trống vừa vang lên, mọi người đều thức giấc. Anh công nhân sửa soạn để tới xưởng, bác nông dân chuẩn bị ra đồng. Còn chúng em cũng thức giấc sửa soạn để đi học.
Em rất yêu quý chú gà trống nhà em vì chú vừa đẹp, vừa oai vệ và dũng mãnh. Chính vì có gà trống gáy sáng mà em biết dậy sớm để đi học đúng giờ. Em xem chú gà trống của mình như người bạn thân thiết và hằng ngày chăm sóc chú chu đáo. Em cho chú ăn thóc và dọn chuồng sạch sẽ để gà trống mau lớn, khỏe.