Nhằm nhắc nhở, khuyên răn họ, từ nghìn xưa, cha ông ta đã có bài ca dao bất hủ mà bất cứ người Việt Nam nào cũng đều thuộc làu:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Câu ca dao vừa dẫn trên có ý nghĩa gì? Các hình ảnh núi Thái Sơn và nước trong nguồn chảy ra tại sao lại được so sánh với công cha nghĩa mẹ?.
Núi Thái Sơn là một ngọn núi cao ngất trời nổi tiếng ở Trung Quốc. Thời xưa, các nhà văn, nhà thơ hay mượn hình ảnh này dể so sánh, nói lên sự lớn lao của sự vật. Bởi vậy, ví “Công cha như núi Thái Sơn” nhân dân ta muôn lấy chiều cao ngất trời của ngọn núi Thái Sơn để chỉ công lao to lớn không bao giờ có thể tính hết được, không lấy gì kể cho xiết được của công cha đối với con cái.
Cũng vậy, “Nước trong nguồn chảy ra” là bất tận, không bao giờ cạn. Nhân dân ta muốn qua hình anh so sánh “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” để nói lên lòng yêu thương vô bờ bến không cùng tận của người mẹ đối với con mình.
Ca ngợi công lao vừa to lớn vừa bất tận của Nghĩa mẹ, Công cha, bài ca dao như một lời nhắc nhở mọi người về lòng biết ơn, lòng kính trọng đối với các bậc sinh thành của mình.
Hơn thế nữa, bài này còn nêu lên cái đẹp tinh thần rạng rỡ, thiêng liêng nhất trong tâm hồn của mỗi con người Việt Nam chúng ta, vần điệu thân thuộc ấy đã làm rung động trái tim của biết bao thế hệ con người vì lối nói đầy hình tượng sinh động của người xưa về một tình cảm đạo lí mà bất cứ ai cùng đặt lên trước hết.
Vì sao “đạo con” phải “một lòng thờ mẹ kính cha”? Hẳn ai cùng hiểu con cái phải hiếu với cha mẹ trước hết, là vì cái công lao sinh thành dưỡng dục của song thân đối với mình.
Cha mẹ là người sinh thành ra con cái. Không có các bậc sinh thành này, nhất định sẽ không có chúng ta. Chỉ riêng công lao này thôi đã không thể lấy gì so sánh nổi. Mẹ ta đã phải mang nặng đẻ đau, chăm nom lo lắng cho ta đến nỗi nhiều lúc quên ăn mất ngủ, tận tụy nuôi dưỡng chăm sóc ta cả khi khỏe mạnh lẫn lúc ốm đau. Có giấy mực nào kể hết được vô vàn nỗi gian khổ, cực nhọc, vất vả của song thân đã nếm trải để nuôi dưỡng ta khôn lớn.
Cha mẹ cũng là người tận tâm dạy dỗ cho ta nên người. Từ cách cư xử, lời ăn tiếng nói, từng li từng tí, cha mẹ đều quan tâm khuyên bảo. Nuôi ta ăn học, cho ta đến trường, chắp cánh ước mơ cho ta bay vào tương lai. Ai làm các công việc ấy nếu không phải là cha mẹ ta. Bao nhiêu công sức, tiền của các bậc sinh thành đều dành trọn cho ta.
Kể làm sao xiết được công ơn ấy!
Chim trời ai dễ đếm lông
Nuôi con ai dễ kể công tháng ngày.
Công ơn cha mẹ là một sự hi sinh thầm lặng bền bỉ và cao cả tột cùng. Đúng là công ơn ấy - như nhà nghệ sĩ vô danh đã so sánh. Cao như núi Thái Sơn, trong ngần, tinh khiết như nước trong nguồn.
Do đó “đạo làm con” phải giữ gìn, trân trọng và thực hiện chữ hiếu với cha mẹ:
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Nhưng như thế nào là thờ mẹ kính cha?. Em nghĩ là để làm tròn điều này, đạo làm con phải biết hết lòng yêu thương, kính trọng, lễ phép và vâng lời cha mẹ, biết giúp sức, đỡ đần song thân lúc bận rộn, khi ốm đau hay già yếu. Làm con phải có trách nhiệm chăm sóc, phụng dưỡng "sớm thăm, tối viếng" đối với cha mẹ khi bậc sinh thành tuổi đã cao, sức đã mỏi. Theo em, người con trọn hiếu là phải làm sao để trở thành niềm tự hào của cha mẹ. Lúc còn ngồi trên ghế nhà trường phải là một học sinh giỏi, một đứa con ngoan. Khi trưởng thành bước vào cuộc sống, người ấy phải là một công dân tốt xây dựng được sự nghiệp hữu ích cho đất nước cho nhân dân. Chính làm được như vậy, không những là đền đáp phần nào đối với ơn nghĩa sinh thành của cha mẹ, mà còn vì chính bản thân mình nữa.
Chữ hiếu, tình cảm của con cái đối với cha mẹ cũng là cái gốc của tình nhân đạo, tình đất nước đồng bào. Một người không kính yêu song thân mình thì làm sao con người ấy có thể yêu mến đồng bào hay quê hương đất nước mình được.
Bài ca dao chỉ vỏn vẹn mấy câu ngắn ngủi thôi nhưng có ý nghĩa thật to lớn. Đó là bài học đạo lí sâu xa, thấm thía. Tuy đã ra đời hàng bao thế kỉ rồi nhưng bài ca dao ấy không hề cũ càng già cỗi mà trái lại luôn tươi mới. Đạo lí trong bài ca dao cũng là dưỡng chất nuôi sống tình cảm đằm thắm, thiêng liêng làm nền cho biết bao tình cảm đẹp khác đối với đất nước và đồng bào.
Và cũng chính bài ca dao này đã thúc đẩy bao thế hệ con người đã sống, lao động và làm việc theo tinh thần "Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con".