Dân gian xưa thích nói thành vần, thành vè ngắn gọn, cô đọng mà dễ nhớ. Do đó, câu tục ngữ "hợp quần gây sức mạnh", thật sự không có gì rắc rối về mặt ngữ nghĩa. "Hợp quần" tức là hợp những cá thể thành một tập thể, thiểu số thành đa số để tạo nên sức mạnh vượt qua trở ngại chống lại những thế lực đối kháng. Đất nước Việt Nam vốn đã nhỏ bé, con người Việt Nam cũng nhỏ bé, dân tộc Việt Nam tồn tại được hàng nghìn năm, gây dựng được nền văn hiến và văn hóa chính nhờ ở sự đoàn kết "hợp quần". Yếu tố kết hợp, chung sức để cùng tồn tại của dân tộc Việt Nam trở thành một yếu tố quan trọng và cơ bản trong văn học cũng như trong thực tế.
Câu tục ngữ "Hợp quần gây sức mạnh" không tồn tại đơn lẻ với một ý nghĩa độc quyền mà là một bộ phận trong cả một mảng văn hóa dân gian nói về đoàn kết và được chứng minh hỗ trợ ý nghĩa bằng chính sức mạnh những bộ phận khác trong mảng văn hóa đó. Một học sinh lớp hai cũng đã quen thuộc với câu chuyện dân gian “Bó đũa”. Trong câu chuyện, người cha đã cho các con mình một bài học quý giá nhất đã làm hành trang cho cuộc đời, đó chính là sự đoàn kết, đồng lòng, yêu thương nhau để chống lại mọi khó khăn. Qua việc bảo từng người con bẻ từng cây đũa và bẻ cả bó đũa, người cha muốn khuyên các con: Một cá thể nhỏ nhoi không thể tồn tại, không thể chống chọi lại với muôn vàn khó khăn đa dạng của cuộc sống, chỉ có nương tựa vào nhau như đũa hợp thành bó, con người mới tồn tại được, phát triển được.
Nếu cá thể chối bỏ sự liên kết với cộng đồng, cụ thể và nhỏ bé nhất là với gia đình tế bào của xã hội - sẽ bị bẻ gãy bởi gọng kìm của trở ngại trong cuộc sống như từng cây đũa mảnh mai đã bị bẻ gãy một cách dễ dàng. Đó cũng chính là lời khuyên của ông cha ta dành cho con cháu sau này vậy.
Không chỉ có trong các câu chuyện dân gian, ca dao tục ngữ Việt Nam cũng đề cập rất nhiều đến vấn đề này: có một câu ca dao mà hầu như người Việt Nam nào cũng thuộc nằm lòng:
“Một cây làm chẳng nên non,
Ba cây chụm lại nên hòn cao”.
Cách sắp xếp từ ngữ không có vẻ như một câu đối ở dạng lục bát, câu ca dao ấy lại giản dị như một lời nói. Từng cặp từ nối với nhau "một", “ba”, “chẳng nên”, “nên”, “non”, “hòn núi cao” càng nêu bật ưu thế ý nghĩa của câu bát. Vật thể trong câu lục mới lẻ loi, bất lực làm sao trong khi tả một khối thể ở câu bát vững chãi, chắc nịch và tạo nên một hình thể hùng vĩ của núi non. Chẳng qua đây là cách nói ẩn dụ để ông cha ta nhắn nhủ chính con người. Một con người như thể một cây đơn lẻ, không thể làm nên được những chuyện lớn, không có sức mạnh đáng kể.
“Ba” cũng là một cách nói tượng trưng, ẩn dụ để chỉ cả một cộng đồng, một lực lượng con người đồng lòng đồng sức, gắn bó chặt chẽ để làm nên nghiệp lớn. Ngoài ra, còn nhiều câu tục ngữ dưới dạng Hán Việt trúc trắc như “đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”, và không chỉ có tục ngữ trong nước mà ngay cả trong văn học nước ngoài cũng lưu truyền những câu mang ý nghĩa tương tự: “Một con én không làm nên mùa xuân”, "Tích nước đầy hồ". Như vậy, trong văn học câu tục ngữ “hợp quần gây sức mạnh” hoàn toàn được ủng hộ và làm sáng tỏ ý nghĩa.
Nói như thế, không phải là phủ nhận tính thực tiễn của câu tục ngữ ấy, mà ngược lại sự đúng đắn tính chuẩn xác của nó còn bao trùm lên cuộc sống, lên lịch sử, trong hòa bình cũng như chiến tranh.
Từ ngàn xưa, các bô lão đã đồng lòng, đồng tâm với Trần Hưng Đạo trong hội nghị Diên Hồng nổi tiếng để chống lại quân Nguyên Mông. Hàng trăm, hàng ngàn thanh niên Đại Việt đã thích lên cánh tay lời thề “sát thát”. Già, trẻ, lớn, bé cùng sục sôi căm thù quân phương bắc bạo tàn thể hiện lòng yêu quê hương đất nước. Chính vì vậy, lịch sử Việt Nam đã có những trang vàng khắc sâu chiến thắng oanh liệt tất yếu của toàn dân.
Cho đến những năm kháng chiến chống Pháp, khi Hồ Chủ tịch đọc lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chẳng phải người hiểu rõ: "Hợp quần nên sức mạnh" đó sao! Ngày thực dân xâm chiếm nước ta, từng phong trào riêng lẻ của các sĩ phu yêu nước Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám... nổi lên chống giặc không kể đến hướng đi sai lệch, chỉ nhìn vào lực lượng phân tán ủng hộ cho từng cuộc kháng chiến ấy đã hiểu rằng không thể thành công được. Đến khi Người tìm ra con đường cứu nước và nếu không có đồng lòng, đoàn kết của toàn dân Việt Nam, mọi lứa tuổi, mọi thành phần xã hội, Cách mạng Việt Nam đâu thể thành công? Lịch sử bao đời nay đã chứng minh rằng: Một người vĩ đại chỉ trở thành lãnh tụ khi có quần chúng ủng hộ, chỉ làm nên súc mạnh khi có sức mạnh toàn dân.
Trong cuộc sống hiện nay, trong từng đơn vị cấu trúc nhỏ của xã hội, trong từng mối quan hệ giữa người với người: gia đình, trường lớp, giai cấp, dân tộc.. Tình đoàn kết là yếu tố quan trọng nhất tạo nên sức mạnh tinh thần - sức mạnh vô giá không có vật chất quý giá nào có thể đổi được. Dân tộc nào càng đoàn kết, dân tộc ấy càng vững mạnh và chắc chắn sẽ phát triển Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đến mục đích của sự “hợp quần” để “tạo nên sức mạnh”. Sử dụng sức mạnh” ấy vào việc tốt hay xấu sẽ quyết định tính tích cực hay tiêu cực. Trong nhiều trường hợp, cũng cần nhấn mạnh thêm rằng “hợp quần” phải là tập hợp của những cá thể có cùng một lí tưởng cùng một mục đích, cùng một quyết tâm mới tạo nên được sức mạnh tuyệt đối để vượt qua mọi khó khăn.
Sau khi khảo sát cả văn học lẫn thực tế cuộc sống, không thể bác bỏ được tính chính xác của lời dạy dân gian: sống phải đoàn kết, đó là yếu tố căn bản cho sự tồn tại của con người nói riêng cũng như sinh vật nói chung.
Vừa giản dị, vừa sâu sắc, câu tục ngữ ấy quả thật là một châm ngôn cho mỗi con người, cho mỗi công dân, mỗi cộng đồng. Do đó, những người chủ của tương lai đất nước, những con người trẻ tuổi, đặc biệt là học sinh cần hiểu sâu sắc ý nghĩa của lời dạy này để thực hiện trong mỗi trường hợp nhất là ở gia đình, trường lớp cho đến trong cộng đồng dân tộc, cộng đồng người. Thế giới đang tiến lên, các dân tộc đang cùng nhìn về một phía, vẫn cần những lời dạy dân gian như lời dạy trên "hợp quần gây sức mạnh".