Ca dao Việt Nam là tiếng nói tâm tình của người dân lao động. Chỉ ở trong ca dao, những lời tâm sự của họ mới được cất lên một cách chân thành, tha thiết. Mỗi câu ca đao chứa chan bao tình cảm khác nhau nhưng đều nồng thắm và rất đỗi thân quen. Không ít câu đi vào tuổi thơ từ trong giấc ngủ qua lời mẹ ru. Những câu đó thường gửi gắm những lời khuyên ngọt ngào, thấm dần vào nhân cách của mỗi con người. Bài ca dao sau đây là một trong những bài như thế:
Công cha như nái Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Người xưa đã ví công ơn cha với ngọn núi Thái Sơn, còn công ơn mẹ với nước trong nguồn. Nói đến núi cao ta nghĩ ngay đến một hình ảnh tượng trưng cho những gì lớn lao vĩ đại. Hơn nữa đó là ngọn núi Thái Sơn, ngọn núi cao nhất ở Trung Quốc, mà lâu dần trở thành biểu tượng chung của các dân tộc khi nói về cái gì vĩ đại nhất. Đúng vậy, cha là người trụ cột của gia đình, bỏ bao công sức ra nuôi dạy, che chở cho con cái. Vì thế tục ngữ xưa còn có câu: “Con có cha như nhà có nóc”, cha luôn che chở bảo ban cho những đứa con non dại. Hình ảnh người cha như một ngọn núi vững chắc, là chỗ dựa cho các con.
Còn hình ảnh "nước trong nguồn" là tình mẹ yêu thương con vô hạn. Nước trong nguồn có khi chảy dồi dào, có khi lại chỉ nhỏ giọt tí tách và thầm lặng , tượng trưng cho sự âm thầm nâng niu, vỗ về con bao năm tháng mà mẹ không bao giờ nói ra. Nước trong nguồn dù dòng to hay dòng nhỏ luôn là dòng nước trong trẻo, mát lành, tinh khiết nhất, đó là những tinh túy của đất trời, tụ thành nguồn mạch tự nhiên, nguồn nước ấy như dòng sữa thơm lành của mẹ dành cho con khi mới cất tiếng khóc chào đời. Cứ thế, tình mẹ thương con cứ âm thầm và vô tận, như nguồn mạch không bao giờ cạn kiệt.
Hai hình ảnh khác nhau nhưng lại phù hợp với vai trò của cha, của mẹ đối với con và đều là những hình ảnh tượng trưng cho sự lớn lao vô tận. Đó là từ khi ta còn là một phần máu thịt của cha mẹ. Mẹ ta phải mang nặng chín tháng, mười ngày, chờ mong đến ngày được trông thấy hình hài ruột thịt, thế rồi phải chịu bao đau đớn mới sinh ra ta. Thử hỏi bao nhiêu người tài, bao nhiêu vị anh hùng, có ai lại không được sinh ra từ cha mẹ. Cha mẹ sinh ta ra là đã chia xẻ một phần máu thịt để ta có mặt trên đời. Vì thế không có cha mẹ thì cũng không có ta, cha mẹ có công sinh thành ra ta.
Nhưng liệu vừa được sinh ra ta đã biết đi đứng, nói cười, làm lụng chưa? Chưa! Lúc đó ta còn là một đứa trẻ oe oe đòi sữa. Cha mẹ ta phải mất bao năm tháng, sức lực nuôi ta đến ngày lớn khôn. Mẹ cho ta dòng sữa mát lành, cho ta lời ru cò lả, quạt cho ta lúc nóng, ấp ủ ta khi trời trở lạnh. Khi ta ốm đau, hay khi ta buồn bực, cha mẹ lại có bên ta, hết lòng thuốc thang, an ủi. Năm tháng qua đi, mẹ cha ta đâu có biết đến nỗi vất vả của mình, mà chỉ một mực cặm cụi nuôi ta, cặm cụi dạy ta bằng cả những lời ru, và sự hiểu biết cuộc sống. Cha mẹ chính là những thầy cô đầu tiên dạy ta thành người, rồi mới đến thầy cô giáo ở trường. Vì thế cùng với bài ca dao trên, nhân dân còn có bài:
Ngày nào em bé cỏn con
Bây giờ em đã lớn khôn thế này
Cơm cha, áo mẹ chữ thầy
Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao.
Là người hạnh phúc được lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ, ai chẳng vô vàn yêu quý cha mẹ, nhưng như thế chưa đủ, ta còn phải làm gì để đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ?
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Hai câu cuối nhắc nhở chúng ta bổn phận làm con. Khi còn nhỏ ta phải biết ngoan ngoãn, lễ phép và vâng theo những lời cha mẹ dạy dỗ, chỉ bảo, cùng với những sự quan tâm ân cần hỏi han của ta, sẽ giúp cha mẹ thêm vui lòng và dịu đi những buồn phiền, lo toan trong cuộc sống. Đến lúc ta được cha mẹ tạo điều kiện cho đi học và vui chơi, ta phải tự giác học tập thật tốt, rèn luyện đạo đức thật tốt. Những lúc rỗi rãi, ngoài công việc học tập, ta phải thường xuyên giúp đỡ cha mẹ những công việc vừa sức, giảm bớt nỗi mệt nhọc của cha mẹ. Và khi ta càng lớn lên thì cha mẹ càng ngày già yếu đi. Vì vậy, khi ta trưởng thành có thể tự lo cho cuộc sống, ta phải hết lòng phụng dưỡng cha mẹ và luôn luôn đem lại niềm vui cho cha mẹ. Công ơn của cha mẹ rộng như trời biển nên những việc ta làm không thể đền đáp đủ được. Chính vì thế, bằng tình cảm biết ơn cha mẹ tự đáy lòng, ta phải cố gắng hết sức và chân thành tự nguyện phụng dưỡng cha mẹ.
Lời khuyên trong bài ca dao của ông cha ta trên đây, đời này qua đời khác luôn có không ít những người con ngoan thực hiện dược. Văn học của ta có nhiều tác phẩm đã ghi lại được những nhân vật hiếu thảo là những em nhỏ. Nhiều hình tượng nhân vật đã để lại những ấn tượng khó quên trong người đọc.
Đó là nhân vật cái Tí trong tác phẩm Tắt đèn (Ngô Tất Tố), một đứa bé rất mực thương yêu cha mẹ. Dẫu hoảng sợ và đau khổ vì phải lìa xa cha mẹ, đi ở cho nhà cụ Nghị, mà mới nghe tên Tí đã chết khiếp, dẫu khóc sướt mướt vì từ nay không được chơi với các em, nó vẫn vâng lời mẹ ra đi, để mẹ có tiền nộp sưu cho cha. Sự vâng lời đầy xót xa và quyết liệt trong vắng vẻ trẻ dại của cái Tí khiến ta phải cúi đầu cảm phục.
Đó là cậu bé Hồng (Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng) với tình thương yêu mẹ sâu sắc đã chiến thắng được dã tâm của bà cô, người đại diện cho bao hủ tục phong kiến, luôn tìm mọi cách thâm hiểm hòng chia rõ em với mẹ em. Trong tâm trí của em luôn thể hiện hình ảnh người mẹ thân yêu, với nét mặt hiền hậu và rầu rầu, và lúc nào em cũng nhớ mẹ, tin rằng mẹ sẽ về với em, dù mẹ em vì cuộc mưu sinh không trực tiếp chăm sóc em được và cũng không hề gửi về một đồng quà tấm bánh. Cũng chính vì yêu quý và kính trọng mẹ mà cậu bé chưa đầy mười tuổi ấy vẫn cảm hiểu nỗi khổ của mẹ, cảm thù những hủ tục đã đày đọa đến mức giá những hủ tục đó là một vật cụ thể như hòn đá hay cục thủy tinh, em quyết vồ ngay lấy mà cắn, mà nghiến, nà nhai cho kì nát vụn mới thôi.
Đó cũng là em Bé trong truyện Mẹ vắng nhà của Nguyễn Thi. Em sinh ra trong thời kì chiến tranh chống Mĩ, mẹ là du kích vừa chiến đấu vừa nuôi con. Bé rất thương mẹ nên đã đưa đôi vai bé nhỏ của em ra gánh vác việc nhà giúp mẹ. Mẹ đi vắng em vẫn luôn nhìn thây mẹ âu yếm em, mẹ về nhà, em cùng các em quấn quýt làm tan biến đi những vất vả, hiểm nguy mà mẹ em vừa phải trải qua. Những đứa con ngoan là nguồn sức mạnh cho người mẹ.
Đó là cậu bé Trần Đăng Khoa có tài làm thơ đã biểu lộ nỗi buồn lo của cậu bé khi mẹ ôm:
Nắng mưa từ những ngày xưa
Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan
và niềm vui khi thấy mẹ hồi phục sức khỏe, em những muốn làm nhiều điều vui cho mẹ chóng khỏe hơn:
Mẹ vui, con có quản gì
Ngâm thơ, kể chuyện rồi thì múa ca
Rồi con diễn kịch giữa nhà
Một mình con đóng cả ba vai chèo
Vì con, mẹ khổ đủ điều
Quanh đôi mắt mẹ đã nhiều nếp nhăn
Con mong mẹ khỏe dần dần
Ngày ăn ngon miệng đêm nằm ngủ say
Những nhân vật thiếu nhi hiếu thảo trong văn học đã giúp ta hiểu thêm về tấm lòng bao la của tình mẹ cha và bổn phận của người làm con. Qua câu ca đao, ta cũng thấu hiểu được ý nghĩa sâu sắc của tấm lòng yêu thương con vô bờ bến của cha mẹ. Câu ca dao là hành trang đầu tiên về đạo lí làm người và sẽ theo ta mãi mãi trên đường đời.