Đúng như lời nhà thơ Tố Hữu đã viết trong bài thơ “Theo chân Bác”:
Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta
Thương cuộc dời chung thương cỏ hoa...
Nói đến Hồ Chủ tịch ta nghĩ ngay đến một trái tim bao la “Ôm cả non sông mọi kiếp người”, chứa chan, thấm đẫm tình yêu đất nước, tình yêu nhân dân. Cả cuộc đời mình, Bác đã miệt mài hoạt động vì tình cảm lớn đó. Trong tình cảm cao cả thiêng liêng này của Bác, tình yêu thiên nhiên không những là nguồn cảm xúc dạt đào mà còn là nét đặc sắc trong tâm hồn, tình cam của một nhà thơ lớn, một chiến sĩ cách mạng lớn như Bác. Đặc biệt là trong hoàn cảnh lao tù nghiệt ngã, tình yêu ấy đã làm sáng ngời lên vẻ đẹp của một tâm hồn, một tấm lòng người chiến sĩ cách mạng.
Không phải như phần lớn các thi nhân khác, cảm nhận nét đẹp của thiên nhiên trong những khi trà dư tửu hậu thư nhàn. Bác Hồ của chúng ta đã thưởng thức vẻ đẹp của đất trời từ núi non hùng vĩ đến những cảnh vật tầm thường khác, trong những lúc gian khổ tột cùng, trong hoàn cảnh của một kẻ bị đày Bác vẫn say sưa nhìn ngắm thiên nhiên. Hẳn là người đọc không quên được cảnh trăng sáng trong tù:
Trong tù không rượu cùng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.
Bị giam cầm trong nhà ngục, mất hẳn tự do lại bị cách li với thế giới bên ngoài, nhưng Bác đâu cam chịu nhốt mình trong vòng chật hẹp đó mà đã để “...Lòng mình vời vợi mảnh trăng thu”, Bác đã xúc động với ánh trăng soi qua khe cửa nhà tù.
Trong một bài thơ khác: “Trên đường đi” kể lại cảnh mình bị áp giải từ nhà lao này sang nhà lao khác, ấy vậy mà Bác xem như một chuyến đi ngoạn cảnh:
Mặc dù bị trói chân tay
Chim ca rộn núi, hương bay ngát rừng
Vui say ai cấm ta dừng...
Câu thơ thứ hai và thứ ba nguyên văn là:
Mãn sơn điểu ngữ dữ hoa hương,
Tự do lãm thưởng vô nhân cấm.
Nghĩa là đầy rừng tiếng chim và mùi hoa, tự do thưởng thức không ai cấm. Thật là cái đẹp của thiên nhiên, hương vị của cuộc sống được phát hiện ra trong một hoàn cảnh ngặt nghèo như đã nói, hẳn đó phải là sự phát hiện của một tâm hồn lớn lao cao cả. Trên đường đi, bị áp giải, tâm hồn vĩ đại ấy vẫn lưu luyến nhìn theo một cánh chim, một chòm mây trong cảnh trời chạng vạng tối, thật nên thơ:
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không
Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng.
Đọc bài Chiều tối, ta như thấy được cái vui của trời đất, của người lao động, vẻ đẹp của cuộc sống bị thiếu thốn, vất vả mà vẫn ấm nồng hương vị đáng quý, đáng yêu. Những hình ảnh rất đỗi bình thường ấy không thiếu trong đời sống thường ngày, nhưng thông thường nó vẫn cứ trôi qua. Phải có một tấm lòng sâu nặng với thiên nhiên, hết sức nhiệt thành yêu mến cuộc sống như Bác mới ghi nhận lại được.
Bởi vậy, trong thơ Bác, thiên nhiên luôn luôn là bức tranh sinh động có hồn:
Núi ấp ôm mây, mây ấp núi
Lòng sông gương sáng bụi không mờ
Cái đẹp của thiên nhiên trong thơ Bác không phải chỉ có ở chốn núi non hùng vĩ, cảnh sắc phi thường:
Núi cao rồi lại núi cao chập chùng
Núi cao lên đến tận cùng
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.
Mà còn ở những cảnh vật bình thường như “khóm chuối trăng soi” hay “cô em xóm núi xay ngô tối”.
Điều đáng chú ý nữa là qua thơ Bác, vẻ đẹp của thiên nhiên càng khởi sắc thắm tươi hơn nhiều. Với tâm hồn thi nhân sáng ngời, cao cả của mình, Bác như một nhà nhiếp ảnh tài hoa đã nắm bắt được từng khung cảnh, đường nét đặc sắc của đất trời, thu gọn vào tầm mắt trong ống kính” của mình.
Tóm lại, tình yêu thiên nhiên trong thơ Bác, đặc biệt là qua Nhật kí trong tù, với các bài thơ đã học trong chương trình lớp 7 thật vô cùng sâu sắc và phong phú, biểu hiện được khá rõ nét tâm hồn sáng ngời cao đẹp của Người. Phải có tâm hồn nghệ sĩ nhạy bén, tinh tế, mới mô tả thiên nhiên tài tình đến như vậy. Do đó, đọc thơ Bác, lòng ta thêm yêu đất nước thiên nhiên và đặc biệt là thêm kính phục Bác.