Với câu này, hai nhà học giả lỗi lạc nói trên đã cho ta thấy bất cứ một việc gì, chúng ta cũng đừng nên lần lữa, chờ đợi chẳng những không lợi ích gì mà còn đem lại cho chúng ta những cái hại khó lường.
Vậy đứng trước một việc gì, dù lớn hay nhỏ, chúng ta phải kiên quyết làm ngay, có như thế chúng ta mới khỏi thất bại và tránh được những mối hại cho chính bản thân ta sau này. Vì thế cố ngữ cũng có câu: “Hai chữ "lần lữa" đủ hại một đời”.
Vậy chúng ta hãy giải thích câu nói ấy và cho thí dụ cụ thẻ đẻ chứng minh. Trước khi đi sêu hơn, chúng ta hãy tìm hiểu thế nào là "lần lữa". Lần lữa là làm một công việc gì ta cũng hẹn mai, hẹn mốt, hẹn hết ngày này qua ngày nọ mà cũng chẳng làm.
Đã hiểu rõ hai chữ lần lữa là gì rồi, giờ đây chúng ta hãy tìm hiểu tại sao hai chữ lần lữa làm "hại cả một đời?". Như ta đã biết, con người ta như một tờ giấy trắng, ít ai có thể làm tờ giấy ấy trắng thêm mà ngược lại hễ sơ ý một chút tờ giấy ấy sẽ dơ ngay. Vì thế làm một công việc gì, nếu chúng ta không cương quyết bắt tay vào việc ngay thì chắn chắn chúng ta bỏ dở công việc ấy. Đứng trước một công việc dễ, chúng ta tự nhủ rằng: “việc dễ quá mà, lúc nào làm lại không được, thôi để mai hãy làm”. Rồi từ cái mai này đến cái mai khác, chúng ta vô tình làm hại chúng ta, vô tình đầu độc ý chí ta. Nếu cứ lần lữa ngày này qua ngày khác chúng ta sẽ mang vào mình một bệnh rất nguy hại, đó là bệnh lười biếng. Từ một việc nhỏ chúng ta còn bỏ dở, đi lần đến việc lớn, chúng ta còn lười biếng hơn nữa. Một nông phu phải lo từ lúc khởi đầu mùa mưa để rồi cuối mùa mưa, công việc sẽ hoàn tất, còn giờ rãnh rỗi, họ sẽ làm những việc khác.
Cứ tuần tự như thế thì chẳng những việc trúng mùa mà người nông phu sẽ có tiền xài. Nhưng nếu người nông phu bảo rằng: “Mùa mưa còn dài mà, vội gì, nghĩ khỏe đã, ngày nào làm chẳng được. Trời có mưa một ngày một buổi đâu mà lo!”. Người nông phu ấy không cày cấy như những người khác vì anh ta đã quan niệm như thế. Thế rồi về nhà anh ta lại tự nhủ: “Mai làm”, ngày mai đến, anh ta bảo: “Mốt làm”. Thế rồi từng cái “mai, mốt” này đi qua, lần lần mùa mưa chấm dứt và đến một ngày kia bắt đầu mùa nắng, anh ta hốt hoảng mà kêu lên rằng: Trời ơi sao không mưa, hết mùa mưa rồi à? Chết tôi rồi, mùa màng của tôi đâu?. Nhưng hỡi ôi! Còn gì nữa, ăn năn cũng đã muộn rồi! Mùa này thất bát, tiền gạo hết. Khỏi cần nói thêm, ta cũng thấy anh ta sao rồi. Đấy, sự lần lữa đưa ta đến cái hại như thế. Nó làm cho người tan mất cái ý chí kiên quyết, mất đi cái nghị lực quý báu của con người. Sự lần lữa đã làm cho chúng ta không thắng nổi thiên nhiên, mà chúng ta còn làm hại đến bản thân ta.
Sự lần lữa còn dẫn ta đến lười biếng. Bất cứ một việc gì chúng ta cũng hẹn mai hẹn mốt, hẹn mãi cho đến khi quên mất việc đó thì hỏng việc. Trong đời sống học sinh chúng ta, bài dài quá ta hẹn đến tối học, rồi lại sáng sớm hãy học. Sáng dậy trễ, đi đến trường không thuộc bài, bị điểm xấu, bị chép bài phạt và cả tháng ấy ta cũng biết cái hại ra sao. Từ con số không này đến số không khác, chúng ta cứ lần lữa không học bài mãi, việc này đưa chúng ta đến lười biếng nói liều: "Bất quá, lãnh số không chớ gì! Thế rồi từ chỗ học khá, chúng ta đi lần đến chỗ học kém và lần lần bị thầy chê, bạn cười."
Ngoài xã hội, bất cứ công việc nào chúng ta cứ lần lữa mãi sẽ có hại. Một nhà thầu khoán, lãnh xây một dinh thự, ông này cứ lần lữa ngày này sang ngày khác, không cho thợ làm ngay. Thế rồi kì hạn đã đến mà ngôi nhà chưa làm xong. Kết quả là ông ta bị phạt, hụt tiền, không có tiền trả cho thợ và phá sản. Vì thế tục ngữ Pháp có nói: "Việc gì bạn có thể làm được hôm nay, không nên để tới ngày mai". Ở vào trường hợp nhà thầu khoán “lần lữa” trên, chúng ta thấy rằng ông ta sẽ trở nên chán nản và đi lần đến chỗ bi quan không làm được gì nữa.
Bất cử một việc gì các nước cũng đặt một chương trình kế hoạch, dự bị sẵn sàng, đặt thời dụng biểu rõ ràng. Đến nỗi có người nghĩ rằng đời sống của họ là một đời sống máy móc. Sáng sớm làm gì, mấy giờ làm việc này, mấy giờ làm việc kia, mấy giờ đi chơi, mấy giờ đi ngủ? Không bao giờ họ lấn qua giờ việc nọ. Họ tuân theo thời dụng biểu của họ, làm việc rất đúng giờ khắc, có như thế công việc mới điều hòa và tiến triển được. Sự kiện này còn tạo cho một ý chí cương quyết. Và đặc biệt hơn nữa là làm cho họ không có tính lười biếng và tất cả những việc họ làm chín mười phần trăm là đi đến thành công. Nhờ thế họ mới trở thành một cường quốc nhự ngày nay. Chúng ta hãy bắt chước “óc thực hành” của người Mĩ và tính kỉ luật như của người Nhật, đừng lần lữa trước việc gì.
Hãy bắt tay làm ngay và đem hết nghị lực vào việc đó. Có như thế chúng ta mới thành công được, đời sống của chúng ta mới thoải mái được. Dù khó khăn trở ngại đến đâu, cố gắng và kiên nhẫn sẽ dẫn dắt ta đến thành công, về học tập chúng ta hãy đặt thời khóa biểu, về việc làm cũng thế chúng ta hãy sắp xếp mọi việc cho có thứ tự, cần thiết là chúng ta phải cương quyết từ bỏ thỏi lần lữa vì lần lữa thì có cả chục cái thời dung biểu đi nữa, đời sống chúng ta kể như bỏ đi!
Nói tóm lại, chúng ta không thể không làm, chúng ta không ngồi chơi được. Chúng ta phải làm, hễ làm thì ai cũng muốn thành công. Vậy chúng ta hãy cương quyết làm việc, đừng lần lữa. Có như thế chúng ta mới thắng được tính lười biếng, thắng được mọi hoàn cảnh. Thế là chúng ta cách mạng được bản thân, hi vọng có thể thay đổi mọi người cùng tiến đến con đường vinh quang chói lọi, thành công mĩ mãn. Chúng ta lúc nào cũng phải nằm lòng câu ca dao sau đây:
“Việc gì làm được hôm nay
Chớ nên để đến ngày mai mới làm”
Kể đó, nếu nhìn qua các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Anh... ta tự hỏi lòng xem có phải đất nước họ phát triển mạnh vì dân tộc họ sống theo thói “Nay lần mai lữa” hay không? Bước qua thế kỉ XXI, đất nước ta đã hòa bình độc lập gần ba thập niên mà vẫn chưa theo kịp Nhật Bản, vậy mỗi thanh niên học sinh chúng ta phải gấp bước lên!