1. TRẮC NGHIỆM (3 điểm)
Đọc kĩ đoạn văn và các câu hỏi, sau đó trả lời bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đứng trước câu trả lời đúng nhất ở mỗi câu.
“Nước Việt Nam xanh muôn ngàn cây lá khác nhau. Cây nào cũng dẹp, cây nào cũng quý, nhưng thân thuộc nhất vẫn là tre nứa. Tre Đồng Nai, nứa Việt Bắc, tre ngút ngàn Điện Biên Phủ, lũy tre thân mật làng tôi... đâu đâu cũng có nứa tre làm bạn”.
(Ngữ văn 6, tập 2)
Câu 1: Đoạn văn trên được trích từ đoạn văn bản nào?
A. Sông nước Cà Mau
B. Lao xao
C. Dế mèn phiêu lưu kí
D. Cây tre Việt Nam
Câu 2: Tác giả đoạn văn trên là ai?
A. Thép Mới
B. Tô Hoài
C. Đoàn Giỏi
D. Duy Khán
Câu 3: Văn bản “Cây tre Việt Nam” thuộc thể loại nào?
A. Kí
B. Truyện ngắn
C. Thơ
D. Tiểu thuyết
Câu 4: Loại cây nào sau đây không cùng họ với tre?
A. Sến
B. Vầu
C. Trúc
D. Nứa
2. TỰ LUẬN (8 điểm)
Hãy miêu tả hàng phượng và tiếng ve vào một ngày hè.
HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI
1. TRẮC NGHIỆM (3 điểm)
Câu | 1 | 2 | 3 | 4 |
Đáp án | D | A | A | A |
2. TỰ LUẬN (7 điểm)
a. Mở bài: (1 điểm)
- Giới thiệu hàng phượng vĩ trong sân trường em vào một ngày hè.
- Tiếng ve kêu râm ran.
b. Thân bài: (5 điểm)
Có thể tả theo trình tự không gian kết hợp với thời gian.
* Tả bao quát: Hình dáng, màu sắc.
* Tả chi tiết:
- Gốc, rễ, vỏ
- Thân, cành, lá
- Hoa, trái
- Tiếng ve kêu.
* Lợi ích của cây phượng và nhiệm vụ của người học sinh.
c. Kết bài: (1 điểm)
- Tình cảm của em về hàng phượng vĩ và tiếng ve ngày hè.
- Kỉ niệm tuổi học trò đáng yêu.
Bài làm tham khảo
Cứ mỗi độ hè về là hàng phượng vĩ trước sân trường lại trở thành ngôi nhà lý tưởng cho những chú ve không biết từ nơi nào đậu lại. Tiếng ve râm ran như thúc giục, hối hả mùa hè mau đến nhanh hơn để các cô cậu học trò lại được nghỉ ngơi, chơi đùa thoả thích.
Hàng phượng vĩ trong sân trường em khá to, cao hơn nóc nhà, cành lá sum suê che rợp một khoảng sân. Thân cây xù xì, mấy vòng tay ôm không hết. Những chiếc rễ lớn nổi gồ trên mặt đất. Lá phượng là loại lá kép, gồm nhiều lá nhỏ, mỏng, màu xanh sẫm, mọc song song hai bên cuống, trông xa như đuôi con chim phượng. Tuốt hết lá đi rồi buộc túm lại với nhau, em đã có trong tay một cây vợt bắt bướm xinh xinh. Mỗi sớm mai, những chú ve thi nhau hát và xả nước làm ướt nhẹp cả gốc phượng.
Hoa phượng kết thành chùm lớn, mỗi bông có năm cánh, bốn cánh màu đỏ tươi và một cánh lốm đốm trắng. Nhuỵ hoa dài và cong, đầu nhuỵ là một túi phấn hình bầu dục. Chúng em thường chơi chọi gà bằng những nhuỵ hoa đó. Kẻ thua người thắng đều thích thú cười vang. Khi dàn đồng ca của ve sầu cất lên cũng là lúc hoa phượng nở nhiều. Một màu đỏ rực như lửa bao phủ khắp ngọn cây. Lúc ấy, trông cây phượng già trẻ hẳn lại, bừng bừng sức sống. Nhìn hoa phượng nở, những tấm lòng thơ dại náo nức nghĩ tới một mùa hè đầy ắp niềm vui, nhưng cũng thoáng buồn vì phải xa trường, xa lớp, xa bè bạn mến yêu!
Chúng em gọi hoa phượng bằng cái tên thân thương: Hoa học trò. Hoa phượng nở báo hiệu năm học kết thúc, chúng em chuẩn bị nghỉ hè. Hết mùa, hoa phượng tàn dần. Những cánh phượng lả tả rụng đầy sân nhường chỗ cho những trái phượng xanh non, mỏng và dài, khe khẽ đung đưa trên cành như những lưỡi gươm khua với mây trời. Hàng phượng vĩ đã đem lại bóng mát quý giá cho chúng em trong những ngày hè oi bức, điều hoà không khí để chúng em hít thở không khí trong lành. Mỗi khi ra chơi, giải lao chúng em thường ngồi trên ghế đá dưới gốc phượng để trò chuyện, làm thơ... Các bạn khác thì tranh thủ chụp vài kiểu ảnh lưu lại khoảnh khắc đẹp đáng nhớ này. Em không quên nhắc nhở các bạn không được vẽ, khắc bậy lên thân cây, không bẻ cành, … hãy bảo vệ hàng phượng vĩ như bảo vệ kỷ niệm đáng yêu của tuổi học trò vậy.
Năm tháng đi qua, hàng phượng vĩ đã gắn bó với không biết bao nhiêu thế hệ học sinh của trường. Mỗi khi nghe tiếng ve, nhìn hàng phượng vĩ em lại nhớ đến mái trường, nhớ thầy cô, cùng bạn bè thân yêu. Phượng vĩ và tiếng ve đã trở thành một kỷ niệm, một ký ức không thể nào quên trong mỗi chúng em.