A. Phần đọc
I. Đọc thầm và trả lời câu hỏi:
HOA TRẠNG NGUYÊN
Cái tên mới nghe đã mường tượng ra tiếng pháo đón mừng rồi võng lọng cùng dòng người náo nức đón người thành danh. Những bông hoa hình lá ấy, màu cứ rực lên như một niềm vui không thể giấu, cười mãi, cười mãi, cười mãi không thôi.
Hi đặt tên cho loài hoa ấy, chắc muốn nó vĩnh viễn gắn liền với tuổi học trò. Hoa trạng nguyên cháy lên từ những ngày ôn thi bận mải, thắp lên trong người sắp sửa đi thi một niềm tin. Thế rồi mùa thi qua. Bao bạn trẻ từ tiểu học đến trung học hớn hở nhập trường mới. Song dù sao cũng không tránh khỏi có một số ít phải quay về tiếp tục công việc dùi mài kinh sử. Một tối nào đó, chong đèn học khuya, ngước mắt dõi qua cửa sổ, em sẽ thấy có ngọn lửa đỏ cứ lao xao giữa vườn đêm. Hoa trạng nguyên cùng em thức suốt mùa thi đấy.
Đừng bao giờ để tắt ngọn lửa đó trong tim. Em nhé!
Theo K.D NXB trẻ - 1992
1. Những chi tiết nào gợi hình ảnh hoa trạng nguyên có nét dáng và màu sắc gợi lên một niềm vui?
A. Cái tên mới nghe đã mường tượng ra tiếng pháo đón mừng.
B. Võng lọng cùng dòng người náo nức đón người thành danh
C. Những bông hoa hình lá ấy, màu cứ rực lên như một niềm vui không thể giấu, cười mãi, cười mãi, cười mãi không thôi.
2. Hoa trạng nguyên gắn bó với tuổi học trò ra sao?
A. Hi đặt tên cho loài hoa ấy.
B. Hoa trạng nguyên xuất hiện vào mùa thi bận rộn, thắp lên trong người sắp sửa đi thi một niềm tin.
C. Muốn nó vĩnh viễn gắn liền với tuổi học trò.
3. Tác giả so sánh hoa trạng nguyên nở đỏ bằng hình ảnh nào?
A. Những bông hoa hình lá.
B. Ngọn lửa cháy lên.
C. Ngọn lửa thắp lên.
4. Hãy gạch dưới từ ngữ dùng để nhân hóa hoa trạng nguyên trong câu sau: “Hoa trạng nguyên cùng em thức suốt mùa thi đấy.”
5. - Hoa trạng nguyên cháy lên từ những ngày ôn thi bận mải.
- Trong bếp lò, lửa cháy bập bùng.
Từ cháy trong hai câu văn trên có quan hệ với nhau thế nào?
A. Đó là 2 từ đồng nghĩa.
B. Đó là 2 từ đồng âm.
C. Đó là từ nhiều nghĩa.
6. Những từ mường tượng, vĩnh viễn, hớn hở là:
A. Từ ghép B. Từ đơn C. Từ láy
7. Từ em trong 2 câu sau: “Một tối nào đó, chong đèn học khuya, ngước mắt dõi qua cửa sổ, em sẽ thấy có ngọn lửa đỏ cứ lao xao giữa vườn đêm. Hoa trạng nguyên cùng em thức suốt mùa thi đấy.”, là:
A. Đại từ. B. Danh từ C. Động từ
8. Quan hệ từ trong câu: Những bông hoa hình lá ấy, màu cứ rực lên như một niềm vui không thể giấu, cười mãi, cười mãi, cười mãi không thôi. Là:
A. những B. ấy C. như
9. Trong câu: Một tối nào đó, chong đèn học khuya, ngước mắt dõi qua cửa sổ, em sẽ thấy có ngọn lửa đỏ cứ lao xao giữa vườn đêm.
Chủ ngữ là:
A. ngước mắt dõi qua cửa sổ B. em sẽ thấy C. em
10. Tìm từ đồng nghĩa thay cho từ hớn hở trong câu: “Bao bạn trẻ từ tiểu học đến trung học hớn hở nhập trường mới.” điền vào chỗ trống trong câu sau:
Bao bạn trẻ từ tiểu học đến trung học . . . . . . . . . . . . . . nhập trường mới.
II. Đọc thành tiếng:
Bài 1: Mùa thảo quả – SGK Tiếng Việt 5 trang 113
Bài 2: Người thợ rèn – SGK Tiếng Việt 5 trang 123
Bài 3: Trồng rừng ngập mặn – SGK Tiếng Việt 5 trang 128
B. Phần viết
I. Chính tả:
Viết chính tả (nghe – viết) bài: “Công nhân sửa đường” (Sách Tiếng Việt 5, tập 1, trang 150), viết đoạn từ: “Bác Tâm, mẹ của Thư .... hạ xuống nhịp nhàng”.
II. Tập làm văn: Tả một người mà em quý mến nhất.
HƯỚNG DẪN CHẤM KIỂM TRA ĐỊNH KỲ HỌC KỲ 1
NĂM HỌC 2016-2017 - MÔN: Tiếng Việt (Phần đọc) - 5
A. Đọc thầm và trả lời câu hỏi:
Câu 1: (0.5 điểm)
C. Những bông hoa hình lá ấy, màu cứ rực lên như một niềm vui không thể giấu, cười mãi, cười mãi, cười mãi không thôi.
Câu 2: (0.5 điểm)
B. Hoa trạng nguyên xuất hiện vào mùa thi bận rộn, thắp lên trong người sắp sửa đi thi một niềm tin.
Câu 3: (0.5 điểm)
B. Ngọn lửa cháy lên.
Câu 4: (0.5 điểm)
Từ thức
Câu 5: (0.5 điểm)
C. Đó là từ nhiều nghĩa.
Câu 6: (0.5 điểm)
C. Từ láy
Câu 7: (0.5 điểm)
A. Đại từ.
Câu 8: (0.5 điểm)
C. như
Câu 9: (0.5 điểm)
C. em
Câu 10: (0.5 điểm)
Ví dụ: Bao bạn trẻ từ tiểu học đến trung học nô nức/ hân hoan,... nhập trường
mới.
* Tổng các điểm từng phần là điểm toàn bài, được làm tròn theo nguyên tắc 0,5 thành 1.
II. Đọc thành tiếng: (5 điểm).
- Đọc diễn cảm, trôi chảy, to rõ ràng, đúng quy định khoảng 120 tiếng/phút – 5 điểm.
- Đọc ít diễn cảm, trôi chảy, to rõ ràng, đúng quy định 120 tiếng/phút – 4 điểm.
- Đọc chưa diễn cảm, trôi chảy, to, đúng quy định 120 tiếng/phút – 3 điểm.
- Các trường hợp còn lại – Từ 1 – 2 điểm.
B. Chính tả: (5 điểm)
Công nhân sửa đường
Bác Tâm, mẹ của Thư, đang chăm chú làm việc. Bác đi một đôi găng tay bằng vải rất dày. Vì thế, tay bác y như tay một người khổng lồ. Bác đội nón, khăn trùm kín mặt, chỉ để hở mỗi cái mũi và đôi mắt. Tay phải bác cầm một chiếc búa. Tay trái bác xếp rất khéo những viên đá bọc nhựa đường đen nhánh vào chỗ trũng. Bác đập búa đều đều xuống những viên đá để chúng ken chắc vào nhau. Hai tay bác đưa lên hạ xuống nhịp nhàng.
- Bài viết không mắc lỗi chính tả, viết hoa đúng theo quy định, chữ viết rõ ràng, trình bày đúng đoạn văn: 5,0 điểm
- Mỗi lỗi chính tả trong bài viết (sai, lẩn lộn âm đầu hoặc vần, thanh, không viết hoa đúng quy định) trừ 0,5 điểm.
*Lưu ý: Nếu chữ viết không rõ ràng, sai về độ cao, khoảng cách, kiểu chữ, trình bày chưa sạch,... bị trừ 1,0 điểm toàn bài.
B. Tập làm văn:
1. Hình thức:
a) Thể loại: Tả người
b) Nội dung: Tả người mà em quý mến nhất.
c) Hình thức: Bài làm có trình tự hợp lí theo đúng thể loại văn tả người, sắp xếp ý rõ ràng, mạch lạc. Bài viết từ 25 đến 30 dòng.
2. Biểu điểm:
Điểm 5,0: - Đảm bảo các yêu cầu sau, được 5 điểm:
+ Viết được bài văn thuộc thể loại tả người, đủ các phần: mở bài, thân bài và kết bài đúng yêu cầu đã học, độ dài bài viết khoảng 20 câu.
+ Bài làm đạt được đầy đủ các yêu cầu chính của đề. Biết chọn những nét tiêu biểu làm nổi bật về người thân đó.
Toàn bài mắc không quá 4 lỗi về diễn đạt (dùng từ, chính tả, ngữ pháp).
Điểm 4,0: Bài làm đạt các yêu cầu như bài đạt 5 điểm nhưng lối diễn đạt chưa thật tốt, mắc trên 6 lỗi diễn đạt.
Điểm 3,0: Bài làm đạt được yêu cầu a, b, yêu cầu c còn chỗ chưa hợp lí, mắc trên 8 lỗi diễn đạt.
Điểm 1,0 – 2,0: Bài làm chưa đạt đảm bảo yêu câù b và c, ý diễn đạt còn lủng củng, mắc nhiều lỗi diễn đạt.
* Tổng các điểm từng phần là điểm toàn bài, được làm tròn theo nguyên tắc 0,5 thành 1