ĐỀ THI
1. Thay các từ có gạch chân dưới đây bằng các từ tượng thanh hoặc tượng hình thích hợp:
a) Bầu trời xanh trong, mây trắng lửng lờ trôi dạt về một phương.
b) Tiếng hót dìu dặt của họa mi làm cho tất cả bừng giấc.
c) Mưa rơi lách cách, lũ trẻ chạy nhanh trên sân trường.
2. Đánh dấu (X) vào ô trống sau các từ ghép
tóc tai | | thăm thẳm | |
học hỏi | | nấu nướng | |
đẹp đẽ | | học hành | |
đăm đắm | | mệt mỏi | |
3. Viết 5 câu tục ngữ hoặc thành ngữ có sử dụng từ trái nghĩa
4. Tìm 4 từ có thể làm định ngữ cho từ mùa xuân trong câu sau: Mùa xuân đã đến
5. Trong bài thơ Tiếng gà trưa, nhà thơ Xuân Quỳnh có viết:
Trên đường hành quân xa
Dừng chân bên xóm nhỏ
Tiếng gà ai nhảy ổ:
“Cục... cục tác cục ta”
Nghe xao động nắng trưa
Nghe bàn chân đỡ mỏi
Nghe gọi về tuổi thơ
Theo em, hình ảnh người chiến sĩ trong bại thơ có những ý nghĩ và tình cảm gì khi nghe tiếng gà trưa?
6. Dựa vào ý của bài thơ Mẹ của Bằng Việt em hãy viết thành một câu chuyện bằng lời kể của anh chiến sĩ.
Mẹ
(Trích)
Con bị thương, nằm lại một mùa mưa
Nhớ dáng mẹ ân cần mà lặng lẽ
Nhà yên ắng, tiếng chân đi rặt nhẹ
Gió từng hồi trên mái lá ùa qua
Nhớ vườn cây che bóng kín sau nhà
Trái chín rụng suốt mùa thu lộp độp
Những dãy bưởi sai, những hàng khế ngọt
Nhãn đầu mùa chim đến bói lao xao...
Con xót ,lòng mẹ hái trái bưởi đào
Con nhạt miệng có canh tôm nấu khế
Khoai nướng, ngô bung ngọt lòng đến thế
Mỗi ban mai tỏa khói ấm trong nhà
(Bằng Việt)
--------------------------------------
ĐÁP ÁN
1. a) Bầu trời xanh thăm thẳm, mây trắng nhởn nhơ, trôi dạt về một phương
b) Tiếng hót lảnh lót của họa mi làm cho tất cả bừng giấc.
c) Mưa rơi lộp độp, lũ trẻ chạy thình thịch trên sân trường.
2. Đánh dấu (X) vào ô trống sau các từ ghép
tóc tai | x | thăm thẳm | |
học hỏi | x | nấu nướng | x |
đẹp đẽ | | học hành | x |
đăm đắm | | mệt mỏi | |
3. Các câu tục ngữ, thành ngữ có sử dụng từ trái nghĩa:
- Đầu xuôi đuôi lọt
- Nhiều sao thì nắng, vắng sao thì mưa
- Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng
- Chết vinh hơn sống nhục
- Lá lành đùm lá rách
4. Các từ có thể làm định ngữ cho từ mùa xuân:
- Xinh đẹp (Mùa xuân xinh đẹp đã đến)
- Mong đợi (Mùa xuân mong đợi đã đến)
- Ấm áp (Mùa xuân ấm áp đã đến)
- Thú vị (Mùa xuân thú vị đã đến)
5. Khi nghe tiếng gà trưa, người chiến sĩ nghe lòng mình xao động, xúc động trước cái âm thanh của thực tại vốn rất đỗi quen thuộc và gắn bó. Người chiến sĩ ấy đã để lòng mình sống lại với kỉ niệm tuổi thơ đang nằm sâu trong kí ức.
Tiếng gà trưa đã dấy lên trong lòng người lính một tình yêu tha thiết. Đó là tình yêu quê hương, đất nước, xóm làng và người thân. Tình yêu ấy càng thấm sâu và ngân vọng, là nguồn động viên lớn lao người chiến sĩ dấn bước trong gian khổ, là sức mạnh để họ chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, bảo vệ quê hương.
6. Gợi ý:
- Viết đúng thể loại văn kể chuyện
- Dựa vào nội dung bài văn đã cho để kể lại câu chuyện về người mẹ chiến sĩ (theo lời kể của anh thương binh)
- Nội dung bài viết cần thể hiện được:
+ Hình ảnh bà mẹ chiến sĩ đã chăm sóc anh thương binh
+ Hình ảnh về vườn nhà của mẹ - nơi đã gắn bó với anh thương binh suốt cả một mùa mựa.
+ Lòng kính mến của anh thương binh đối với đối với bà mẹ chiến sĩ.
+ Bộc lộ được cảm xúc của người kể. Diễn đạt rõ ý, mạch lạc, dùng từ đặt câu đúng, trình bày sạch đẹp.
Bài tham khảo
Cuộc chiến đã đi qua lâu rồi mà lòng tôi thì cứ nhớ mãi, nhớ về hình ảnh của người mẹ chiến sĩ ở nơi tôi bị thương phải dừng chân lại ngày nào.
Tôi gặp mẹ vào một buổi chiều mưa tầm tã. Trận chiến vừa diễn ra vô cùng ác liệt. Tôi đã bị thương ở chân và lê bàn chân đẫm máu vào làng. Mẹ ân cần dìu tôi vào nhà. Thế là từ hôm đó, tôi được chăm sóc trong tình thương bao la của mẹ và cô bác láng giềng. Ngày nào, mẹ cũng tự tay nấu cho tôi từng bát cháo. Mẹ chạy thuốc thang và ân cần chăm nom tôi suốt cả mùa mưa năm ấy.
Buổi trưa, không gian ở đây yên ắng, mẹ đi từng bước nhẹ nhàng, rón rén. Có lẽ, mẹ sợ tiếng động làm tôi thức giấc. Tôi còn nhớ rất rõ vườn nhà của mẹ, vườn cây ở đây xanh tốt lắm. Trái chín rụng trên mái lá suốt mùa nghe lộp độp. Một làn gió nhẹ thổi qua, từng chiếc lá vàng rơi lả tả. Mùa nhãn đến, phảng phất mùi hương thơm mát. Chim chóc lao xao, nhảy nhót trên cành để thưởng thức những quả vàng chín mọng. Ôi! Những quả bưởi đào đầu mùa mẹ đã hái dành cho tôi, nó ngọt ngào như tình thương của mẹ. Mỗi khi tôi nhạt miệng hay xót lòng, mẹ lại càng lo lắng. Mẹ xem tôi như con đẻ của mình. Mẹ nấu cho tôi những món ăn mà tôi thích. Hương vị đậm đà của món ăn canh tôm nấu khế hoặc ngô bung do mẹ nấu thì làm sao tôi quên được. Ôi! Lòng mẹ thật bao la...
Thời gian tiếp nối đi qua, hết mùa mưa, vết thương ở chân tôi đã lành, sức khỏe tôi đã hoàn toàn bình phục. Tôi phải chia tay mẹ và ngôi nhà ấm áp ấy để trở về đơn vị, tiếp tục làm nhiệm vụ thiêng liêng khi đất nước chưa được thái bình. Mẹ tiễn tôi đi mà mắt rưng rưng lệ, bàn tay gầy gầy cửa mẹ đã vẫy chào để tôi thêm nghị lực, tiếp bước lên đường.
Mẹ ơi! Người mẹ Việt Nam với tấm lòng nhân hậu. Tuy hòa bình rồi, được sống trong mái ấm của gia đình nhưng con làm sao quên được mẹ một người mẹ chiến sĩ giàu lòng yêu nước.