Với lời lẽ mềm mại và trong sáng, ca dao đã phác lên một đất nước tuyệt đẹp trước mắt mọi trẻ thơ. Từ Lạng Sơn hùng vĩ có núi Thành Lạng, có sông Tam Cờ, đến Thủ đô Hà Nội được ca dao vẽ nên với những “phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ” luôn khiến lòng người ngẩn ngơ:
Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ
Bút hoa xin chép vần thơ lưu truyền.
Và ca dao còn đưa ta tới xứ Huế mộng mơ với giọng hò xa vọng:
Lờ đờ bóng ngả trăng chênh
Giọng hò xa vọng thắm tình nước non.
Chúng em thấy rõ trong ca dao một “Nhà Bè nước chảy chia hai, Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”. Những câu ca dao ấy đầy sức truyền cảm, càng làm cho em thêm yêu đất nước Việt Nam.
Ca dao còn bồi đắp cho tuổi thơ chúng em tình cảm gắn bó thân thiết với quê hương làng xóm. Làng ta nhỏ bé, đơn sơ mà thắm đượm tình người. Với tình yêu xóm làng tha thiết, ca dao gợi lên trước ta một làng quê có “phong cảnh hữu tình, dân cư giang khúc như hình con long”. Tuy cuộc sống phải dãi nắng dầm mưa, nhưng niềm vui vẫn tăng lên gấp bội khi đồng lúa ngày một xanh tốt. Sự cần cù lao động dường như được ca dao biến thành một sự kì diệu của thiên nhiên cho đất nước:
Nhờ trời hạ kế sang đông
Làm nghề cày cấy vun trồng tốt tươi
Vụ năm cho tới vụ mười
Trong làng kẻ gái người trai đua nghề.
Tình cảm của người dân như gắn chặt với làng quê. Công việc mệt mỏi nhưng thật vui: Trời ra gắng, trời lặn về, Ngày ngày tháng tháng nghiệp nghề truân chuyên.
Đồng lúa quê hương tuy bình dị, nhưng lại đẹp trong con mắt của những người yêu làng quê mình. Ca dao đã vẽ nên một cánh đồng lúa xanh mướt và tình cảm cũng dạt dào:
Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng,
mênh mông bát ngát
Đứng bên tê đồng ngó bên ni đồng,
cũng bát ngát mênh mông
Ca dao làm cho ta tưởng như thấy rõ từng cây lúa một trong cả cánh đồng lúa rộng mênh mông đó:
Thân em như chẽn lúa đòng đòng
Phất phơ giữa ngọn nắng hồng ban mai
Những cảnh làng quê bình dị, đơn sơ, đã gắn bó với ta bao nhiêu năm tháng chính là vì thế, dù đi xa ta vẫn luôn nhớ tới. Dù vật chất giản đơn nhưng tình cảm lại tràn đầy:
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương
Đến cả những cô tát nước bên đường và những người phải dãi nắng dầm sương cũng không phai nhạt trong lòng chúng ta. Những tình cảm đó đương nhiên không những được nêu rõ trong ca dao mà còn cả trong văn thơ ngày nay, nhưng trước hết là trong ca dao. Ngoài ra ca dao còn giúp ta nhớ về cội nguồn của dân tộc, qua đó càng tự hào về những trang lịch sử vẻ vang của nước nhà từ thời Bà Trưng, Bà Triệu đến Ngô Quyền và Lê Lợi. Những chiến công vẻ vang ấy ca dao đều ghi lại:
Sâu nhất là sông Bạch Đằng
Ba lần giặc đến ba lần giặc tan
Cao nhất là núi Lam Sơn
Có ông Lê Lợi trong ngàn tiến ra
Để có được ngày hôm nay, bao anh hùng đã ngã xuống. Các câu ca dao xưa cũng in sâu những nét đó.
Lạy trời cho cả gió lên,
Cờ vua Bình Định bay trên khung thành.
Với tấm lòng quý trọng, nhân dân xưa luôn mong ước có hòa bình trên đất nước. Họ mong muốn gió nổi thật to để cờ nghĩa quân của đức vua bay phần phật trên khắp mọi miền.
Đống Đa ghi để lại đây
Bên kia Thanh Miếu, bên này Bộc Am.
Chính ca dao đã giúp em thêm hiểu về cội nguồn lịch sử vẻ vang. Ca dao xưa thực sự là một nguồn tình cảm vô cùng phong phú, nó bồi đắp cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là tuổi thơ chúng em một tình cảm sâu sắc với quê hương đất nước và lòng tự hào về dân tộc.