Trải qua hàng ngàn năm xây dựng và bảo vệ đất nước, nhân dân ta đã rút ra bài học cần đoàn kết mới tạo nên sức mạnh. Bài học ấy được trình bày cô đúc trong câu ca dao:
Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao
Câu ca dao có hai nghĩa. Nghĩa đen, nghĩa trực tiếp, một cây không tạo thành rừng, thành núi. Ba cây, tức nhiều cây, quây quần lại bên nhau sẽ tạo nên rừng, nên núi. Câu ca dao còn có nghĩa thứ hai, nghĩa bóng. Nghĩa này phải suy nghĩ, phân tích rút ra từ nghĩa đen. Một cây là hình ảnh tượng trưng cho số ít người. ít người lại sống lẻ tẻ, không biết chung sức với nhau sẽ khòng có sức mạnh. Ba cây là hình ảnh tượng trưng cho nhiều người.
Chụm lại là quây quần lại, là chung lưng đấu cật cùng nhau, là đoàn kết với nhau để tạo nên sức mạnh lớn lao như ngọn núi cao kia. Nghĩa bóng, cũng là bài học câu ca dao muốn mang đến cho mọi người: đoàn kết tạo nên sức mạnh.
Bài học đoàn kết là chủ đề nhiều tác phẩm văn học có giá trị. Trong các truyện ngụ ngôn được học ở tiểu học, em còn nhớ truyện Bó đũa. Khi các con không bẻ nổi bó đũa, người cha đã giảng giải: một chiếc đũa có thể bẻ dễ dàng, hai chiếc đũa khó hơn, cả bó đũa càng khó bẻ. Từ đó rút ra nhiều người đoàn kết với nhau sẽ trở nên sức mạnh bất ngờ. Bài học rút ra từ truyện ngụ ngôn trên cũng chính là bài học của câu ca dao. Ở lớp Hai, chúng em còn học bài thơ ngụ ngôn Hòn đá của Bác Hồ cũng nêu ra bài học tương tự. Bài thơ kể chuyện nhấc đá, vần đá. Hòn đá to, hòn đá nặng nên một người nhắc không đặng song nhiều người xúm lại “nhấc lên đặng”. Vì thế bài thơ khuyên mọi người:
Biết đồng sức
Biết đồng lòng
Việc gì khó
Làm cũng xong
Trong lịch sử dân tộc, nhân dân ta đã nêu ra nhiều bài học quý về tinh thần đoàn kết bảo vệ đất nước. Thời nhà Trần, khi quân Nguyên xâm lược nước lần thứ hai, Vua Trần Nhân Tông đã mời các bô lão cả nước về họp tại điện Diên Hồng để hỏi ý kiến: đánh hay hòa. Trăm ngàn cụ bô lão cũng nhất trí một lời hô: quyết đánh.
Đó là nền tảng tạo nên sức mạnh cho quân dân đời Trần đánh tan quân Nguyên lập nên những chiến công hiển hách: Chương Dương, Hàm Tử, Bạch Đằng... Đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, chính tinh thần đoàn kết toàn dân đem đại nghĩa thắng hung tàn đã giúp Lê Lợi vượt qua mọi gian khổ giành lại được đất nước. Cuộc Cách mạng tháng Tám thắng lợi, cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ thành công là nhờ nhân dân ta thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” .
Trong đời sống quanh em, nhiều sự việc đã chứng minh cho chân lí đoàn kết là sức mạnh. Huyện em cần đào một con mương tưới nước và thoát nước cho cả một vùng ruộng phía Nam. Nếu một vài người làm bao giờ mới xong? Huyện huy động vài trăm người hăm hở, quyết chí cùng chung sức đào, vác, đội đất. Công việc làm trong vài tháng đã hoàn thành. Một con mương thẳng táp chạy giữa đồng là kết quả đáng tự hào. Nó tượng trưng cho sức mạnh của nhân dân huyện em. Trường em vừa hoàn thành một việc: dọn sạch đống đất còn lại sau khi xây xong dãy nhà học. Đống đất thì to, chúng em lại nhỏ. Nhưng cả trường xúm lại chuyền nhau từng sọt đất cứ như bầy kiến cần cù tha mồi. Chỉ ba buổi làm, chúng em lại có một khu sân chơi rộng rãi tha hồ chạy nhảy.
Đoàn kết là nguồn gốc của mọi thắng lợi. Biết đoàn kết trong nhóm, trong tổ, trong lớp, trong gia đình, làng xóm... là cách sống, cách làm việc khôn ngoan. Đó cũng là điều em tâm niệm mỗi khi nhớ đến câu ca dao:
Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.