Hình ảnh người mẹ qua hai bài thơ: Mẹ Tơm và Quê Mẹ của Tố Hữu

Chủ nhật - 04/02/2018 07:32
Thơ Tố Hữu là tiếng nói yêu thương. Trong sâu thẳm tiếng thơ Tố Hữu là hình ảnh về người mẹ . Có thể nói người mẹ là hình ảnh đẹp nhất của thơ Tố Hữu. Thơ viết về mẹ, bài nào của Tố Hữu cũng xúc động: “Bà má hậu Giang”, “Bà mẹ Việt Bắc”, “Bầm ơi !“, “Bà Bủ” , “Mẹ Tơm”, “Quê mẹ”, “Mẹ Suốt” … đều là những người mẹ nghèo khổ, gắn bó với cách mạng, tham gia đấu tranh xã hội. Nói gọn lại là những người mẹ anh hùng. Trong tình cảm chung đó, có cảm xúc riêng dành cho người mẹ sinh thành vô cùng kính yêu của thi sĩ.
Hình ảnh người mẹ qua hai bài thơ: Mẹ Tơm và Quê Mẹ của Tố Hữu
Bài thơ “Quê mẹ” thiên về ngợi ca người mẹ sinh thành của nhà thơ. Bài thơ “Mẹ Tơm” ngợi ca người mẹ anh hùng.
 
Hình ảnh người mẹ trong “Quê mẹ” hiện lên cùng với hình ảnh xinh đẹp thân thương của quê hương xứ Huế bằng âm điệu trữ tình và nhịp ru:
 
Huế ơi, Quê mẹ của ta ơi!
Nhớ tự ngày xưa, tuổi chín mười
Mây núi hiu hiu, chiều lặng lặng
Mưa nguồn gió biển, nắng xa khơi…
 
Trong nỗi nhớ Huế đang trào dâng trong lòng, nhà thơ hồi tưởng lại âm thanh, tiếng ru của người mẹ:
 
Hà ơi, tiếng mẹ ru nhè nhẹ
Cay đắng bao nhiêu nỗi đoạn trường!
 
Hình ảnh người mẹ hiện về cùng với quá khứ khổ đau của quê hương, của dân tộc:
 
Ôi những đêm xưa, tối mịt mùng
Con nằm bên mẹ, ấm tròn lưng
Ngoài hiên nghe tiếng giày đi rỏn
Mẹ bấm con im: chúng nó lùng
 
Một cử chỉ nhỏ của người mẹ đã làm hiện lên cả một xã hội ngột ngạt với những kiếp người nô lệ. Hồi tưởng lại những ngày thơ ấu, nhà thơ càng thương xót người mẹ yêu quý đã nâng niu, che chở cho con mà suốt đời mẹ buồn lo mãi:
 
Mẹ ơi, đời mẹ buồn lo mãi
Thắt ruột mòn gan, héo cả tim !
 
Những kỉ niệm về người mẹ đã in sâu trong tâm trí của nhà thơ, đeo đuổi suốt đời nhà thơ, để lại dấu ấn trên tất cả những bài thơ viết về mẹ trong cuộc đời của Tố Hữu.
 
Với hình ảnh người mẹ trong bài thơ “Quê mẹ” , Tố Hữu đã thể hiện được sự thống nhất hoà quyện giữa hình ảnh mẹ và quê mẹ. Bằng âm thanh êm ái, ngọt ngào của lời ru xứ Huế, Mẹ đã gieo vào lòng con tình yêu quê hương và lòng căm ghét kẻ thù:
 
“Mẹ không còn nữa còn đây Huế”
 
…Và Huế đã trở thành mảnh đất quê mẹ , nuôi dưỡng tâm hồn nhà thơ. Hình ảnh người mẹ trong lòng thi sĩ cứ lớn dần lên hoà quyện với quê hương xứ Huế và trở thành “Quê mẹ”. Quê hương còn chua xót là mẹ còn “chua xót”, quê hương còn khổ đau là mẹ còn “khổ đau”.
 
Mẹ ơi dưới đất còn chua xót
Những tiếng giày đinh đạp núi đồi.
 
Trên kia ta đã nghe tiếng giày đi rỏn của giặc Pháp xâm lược. Và giờ đây là tiếng giày đinh đạp núi đồi, là giày đinh của giặc Mĩ. Bằng tình yêu chân thành của đứa con, bằng tình yêu tha thiết của người dân xứ Huế đối với quê hương, nhà thơ tin tưởng Huế sẽ được giải phóng:
 
“Ôi Huế ngàn năm Huế của ta
Đường vào sẽ nối lại đường ra
Như con của mẹ về quê mẹ
Huế lại về vui giữa Cộng hoà”
 
Nếu như hình ảnh của người mẹ trong “Quê mẹ” hiện lên trong nhịp điệu ru thì hình ảnh của người mẹ trong “Mẹ Tơm” hiện lên trong nhịp điệu sóng, sóng biển, sóng lòng, sự xao động của tình cảm yêu thương:
 
“Tôi lại về quê mẹ nuôi xưa
Một buổi trưa, nắng dài bãi cát
Gió lộng xôn xao, sóng biển đu đưa
Mát rượi lòng ta ngân nga tiếng hát”
 
Nhà thơ Tố Hữu nói: “Nhịp điệu của hai câu thơ là nhịp điệu của sóng gió và cũng là nhịp điệu của náo nức xôn xao và biết bao sung sướng êm ái trong lòng người trở về quê cũ nơi đất nuôi mình”. Mẹ Tơm là bà mẹ ở Hậu Lộc, Thanh Hoá đã từng nuôi Tố Hữu và các đồng chí của ông trong thời kỳ hoạt động bí mật từ 1942 trở đi. Sau mười chín năm xa cách, Tố Hữu lại trở về vùng Hanh Cát , Hanh Cù trong cuộc sống mới. Nhà thơ cảm thấy như được trở về quê mẹ thân thương với biết bao xúc động:
 
“Con đã về đây, ơi mẹ Tơm
Hỡi người mẹ khổ đã dành cơm
Cho con cho Đảng ngày xưa ấy
Không sợ tù gông, chấp súng gươm !”
 
Mẹ Tơm được nhà thơ thể hiện là một người mẹ cách mạng với tình cảm, hành động và cả dáng dấp trong cuộc sống hàng ngày. Người mẹ nghèo đã giấu những lá truyền đơn trong gánh rau đi chợ , đã ngồi canh gác cho những cuộc họp , chia sẻ với các con từng bát cơm khoai sắn. Việc làm của mẹ Tơm là xuất phát từ tình cảm yêu nước, tinh thần căm thù giặc sâu sắc và lòng thương yêu những đứa con đang quên mình cho công việc đoàn thể:
 
“Thương người cộng sản, căm Tây - Nhật
Buồng mẹ - buồng tim - buồng chúng con
Đêm đêm chó sủa…Làng bên động?
Bóng Mẹ ngồi canh lẩn bóng cồn…”
 
Nhà thơ đã có dụng ý tạc tượng người Mẹ cách mạng trên quê hương Hanh Cát, Hanh Cù:
 
Bóng mẹ ngồi canh lẩn bóng cồn
 
Hình ảnh của người mẹ hoà với hình ảnh của non nước! Còn có lời ngợi ca nào cao quý hơn , cảm động hơn !
 
Qua hình ảnh mẹ Tơm, nhà thơ còn triết lí về những tấm lòng cao đẹp của nhân dân đối với cách mạng:
 
Ôi bóng người xưa, đã khuất rồi
Tròn đôi nấm đất trắng chân đồi
Sống trong cát, chết vùi trong cát
Những trái tim như ngọc sáng ngời!
 
Câu thơ “Sống trong cát, chết vùi trong cát” gợi đến câu nói trong Kinh Thánh “Cát bụi sẽ trở về cát bụi”, nhưng nhà thơ ca ngợi sự bất tử của người mẹ có tấm lòng cao cả đối với cách mạng chứ không phải diễn tả một quy luật tự nhiên:
 
Những trái tim như ngọc sáng ngời
 
Hình ảnh người mẹ trong “Quê mẹ” và hình ảnh người mẹ trong “Mẹ Tơm” là hai người mẹ sinh thành và nuôi dưỡng, những người mẹ đã tạo ra hình hài và tâm hồn nhà thơ, người chiến sĩ cách mạng. Cũng tình cảm yêu mến và kính trọng, nhưng mỗi hình ảnh người mẹ lại diễn tả một chủ đề riêng hết sức sâu sắc. Hình ảnh người mẹ trong “Quê mẹ” nhằm thể hiện chủ đề thống nhất đất nước. “Những tiếng giày đinh đạp núi đồi” của giặc Mỹ không thể nào chia cắt được tình cảm mẹ con , không thể chia cắt được tình cảm của nhà thơ với quê mẹ. Hình ảnh người mẹ trong “Mẹ Tơm” diễn tả tư tưởng ân nghĩa, thuỷ chung đối với cách mạng. Nhà thơ tự nhủ mình và nhắn nhủ với mọi người đừng bao giờ quên những người đã hiến dâng cả tâm hồn và thể xác cho cách mạng. Hãy để cho những trái tim như ngọc mãi mãi sáng ngời trong lòng ta.

  Ý kiến bạn đọc

THÀNH VIÊN

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây