Nguyễn Khoa Điềm và tác phẩm: Đất Nước (Trích trường ca: Mặt đường khát vọng)

Thứ tư - 30/08/2017 23:42
Đất Nước trích ở phần đầu chương V của trường ca Mặt đường khát vọng, được Nguyễn Khoa Điềm viết tại chiến khu Trị - Thiên vào cuối năm 1971, xuất bản năm 1974. Bản trường ca viết về sự tự ý thức của tuổi trẻ các đô thị miền Nam về đất nước, về nhân dân, về thế hệ của mình - thế hệ gánh vác cuộc kháng chiến chống Mĩ trên vai.
I. TÁC GIẢ
1. Tiểu sử
Nguyễn Khoa Điềm sinh năm 1943, nguyên quán Thừa Thiên - Huế. Tốt nghiệp đại học ngành Ngữ văn (Đại học Sư phạm Hà Nội). Thời chống Mĩ, ông sống và chiến đấu tại chiến trường Trị - Thiên.
 
Là nhà hoạt động chính trị và văn nghệ, Nguyễn Khoa Điềm từng là Trưởng ban Tư tưởng văn hoá Trung ương, Tổng thư kí Hội Nhà văn khoá V, Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin.
 
Thuộc thế hệ những nhà thơ tiêu biểu cho thế hệ trẻ những năm chống Mĩ, thơ Nguyễn Khoa Điềm thu hút, hấp dẫn người đọc bởi sự đan kết giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng của một thanh niên trí thức tự ý thức sâu sắc về vai trò, trách nhiệm của mình trong cuộc chiến đấu vì đất nước và nhân dân.
 
2. Văn nghiệp
Là một nhà thơ có tài, bên cạnh sự nghiệp chính trị, Nguyễn Khoa Điềm dành nhiều thời gian để sáng tác thơ và cho ra mắt nhiều tập thơ có giá trị như Đất ngoại ô (1972), Mặt đường khát vọng (1974), Ngôi nhà có ngọn lửa ấm (1986),...
 
Năm 2000, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
 
3. Phong cách
Thơ Nguyễn Khoa Điềm thuộc dạng đa phong cách, có lúc hùng tráng, sôi nổi, có lúc trữ tình tha thiết,... nhưng tất cả đều toát lên vẻ nồng say, tha thiết với đời với người. Thơ ông mang đậm chất chính luận, hấp dẫn người đọc bằng vẻ đẹp trí tuệ - trữ tình của những nhà thơ trưởng thành trong chiến tranh chống Mĩ.
 
II. TÁC PHẨM: Đất Nước
1. Xuất xứ
Đất Nước trích ở phần đầu chương V của trường ca Mặt đường khát vọng, được Nguyễn Khoa Điềm viết tại chiến khu Trị - Thiên vào cuối năm 1971, xuất bản năm 1974. Bản trường ca viết về sự tự ý thức của tuổi trẻ các đô thị miền Nam về đất nước, về nhân dân, về thế hệ của mình - thế hệ gánh vác cuộc kháng chiến chống Mĩ trên vai.
 
2. Bố cục
Đoạn thơ được chia thành hai phần:
Phần một (từ đầu đến “Làm nên Đất Nước muôn đời”): Những cảm nhận về đất nước.
- Phần hai (còn lại): tư tưởng Đất Nước của Nhân dân.
 
3. Những giá trị nội dung, nghệ thuật
a. Nội dung
+ Những cảm nhận về đất nước
Không dùng hình ảnh của đất nước trong hiện tại mà là hình ảnh của một đát nước dân gian thơ mộng, trữ tình từ xa xưa vọng về trong chiều sâu văn hoá - lịch sử, gắn với cuộc sống đời thường của mỗi con người. Tác giả cảm nhận đất nước theo một cảm thức rất riêng. Đất nước hiện lên vừa thiêng liêng tôn kính, lại vừa gần gũi, thân thiết.
 
- Đất nước là những gì thật gần gũi, thân thiết, bình dị, ở ngay trong cuộc sống của mỗi gia đình chúng ta: lời kể chuyện của mẹ, miếng trầu của bà, cây tre, hạt gạo ta ăn mỗi ngày, cái kèo cái cột trong nhà,...
 
- Đất nước được cảm nhận từ các phương diện địa lí - lịch sử gắn với những huyền thoại về Lạc Long Quân và Âu Cơ, về đất Tổ Hùng Vương... về mặt không gian địa lí, đất nước không chỉ là núi sông, rừng bể (con chim phượng hoàng... con cá ngư ông,...) mà còn là cái không gian rất gần gũi với cuộc sống mỗi người: “Đất là nơi anh đến trường - Nước là nơi em tắm - Đất Nước là nơi ta hò hẹn – Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”. Và cũng là không gian sinh tồn của cộng đồng dân tộc qua bao thế hệ: Những ai đã khuất - Những ai hây giờ - Yêu nhau và sinh con đẻ cái - Gánh vác phần người đi trước để lại - Dặn dò con cháu chuyện mai sau...”.
 
Từ các bình diện nói trên, tác giả đã nâng ý thơ lên một tầm khái quát: đất nước đã kết tinh, hoá thân trong cuộc sống của mỗi con người:
 
“Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước”.
 
Đó chính là mối quan hệ biện chứng giữa cá thể và cộng đồng, giữa mỗi thành viên với đất nước của mình. Đất nước đang hiện hữu trong từng người, mỗi ngày. Vì vậy, mỗi cá nhân phải có trách nhiệm gìn giữ, phát triển và truyền lại cho các thế hệ mai sau:
 
“Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời...”
 
+ Tư tưởng Đất Nước của Nhân dân
Từ việc cảm nhận đất nước ở bình diện văn hoá, ở phần này, bằng những câu thơ chính luận, tác giá nhấn mạnh, khắc sâu và làm nổi bật tư tưởng “Đất Nước của nhân dân”.
 
Cách nhìn của tác giả về những thắng cánh, về địa lí là một cách nhìn có chiều sâu và là một phát hiện mới mẻ. Muôn vàn vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên kì thú đều gắn liền với con người, được tiếp nhận, cảm thụ qua tâm hồn và lịch sử dân tộc, đều là kết tinh của bao công sức và khát vọng của nhân dân, của những người bình thường, vô danh. Đoạn thơ quy tụ tất cả các bình diện nói trên rồi dẫn đến một khái niệm sâu sắc: “Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi - Chẳng mang một hình dáng, một ao ước, một lối sống ông cha - Ôi đất nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy - Những cuộc đời đã hoá núi sông ta...”. Đây cũng chính là lí do vì sao khi nói về bốn nghìn năm lịch sử của đất nước, nhà thơ không điểm tên các triều đại cùng bao nhân vật anh hùng trong sử sách mà nhấn mạnh đến lớp lớp những người vô danh:
 
Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước.
 
Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm góp thêm một thành công trong dòng thơ về đất nước thời chống Mĩ, làm sâu sắc thêm nhận thức về nhân dân và đất nước.
 
b. Nghệ thuật
Tác giả sử dụng nhuần nhị và sáng tạo nhiều chất liệu văn học và văn hoá dân gian, tạo ra một không khí, một không gian nghệ thuật riêng. Đất Nước đưa ta vào thế giới gần gũi, mĩ lệ và bay bổng của ca dao, truyền thuyết, của văn hoá dân gian nhưng lại mới mẻ qua cảm nhận và tư duy hiện đại, qua hình thức thơ tự do. Đặc biệt, bài thơ được biểu đạt bằng giọng thơ trữ tình chính luận.
Bản quyền bài viết thuộc về Sachgiai.com. Ghi nguồn Sách giải.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

THÀNH VIÊN

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây