Nông Quốc Chấn và tác phẩm: Dọn về làng

Thứ bảy - 02/09/2017 10:29
Nông Quốc Chấn (1923 - 2002), tên khai sinh là Nông Văn Quỳnh, quê ở xã Châu Khê (nay là xã Cốc Đán), huyện Ngân Sưn, tỉnh Bắc Cạn. Ông là nhà thơ dân tộc Tày có nhiều đóng góp cho văn học các dân tộc thiểu số cũng như nền văn học Việt Nam hiện đại. Thơ Nông Quốc Chấn mang cảm xúc chân thành, chất phác, lời thơ toát lên nét riêng biệt trong suy tư và diễn đạt của người miền núi: giản dị, tự nhiên và giàu hình ảnh.
Nông Quốc Chấn và tác phẩm: Dọn về làng
I. TÁC GIẢ
1. Tiểu sử
Nông Quốc Chấn (1923 - 2002), tên khai sinh là Nông Văn Quỳnh, quê ở xã Châu Khê (nay là xã Cốc Đán), huyện Ngân Sưn, tỉnh Bắc Cạn.
 
Ông là nhà thơ dân tộc Tày có nhiều đóng góp cho văn học các dân tộc thiểu số cũng như nền văn học Việt Nam hiện đại. Thơ Nông Quốc Chấn mang cảm xúc chân thành, chất phác, lời thơ toát lên nét riêng biệt trong suy tư và diễn đạt của người miền núi: giản dị, tự nhiên và giàu hình ảnh.
 
Nhà thơ từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong công tác văn hoá, văn nghệ ở nước ta. Năm 2000, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
 
2. Văn nghiệp
Tiếng ca người Việt Bắc (thơ, 1959), Đèo gió (thơ, 1968), Suối và biển (thơ, 1984), và một số tập thơ sáng tác bằng tiếng Tày.
 
II. TÁC PHẨM: Dọn về làng
1. Hoàn cảnh ra đời
Dọn về làng được sáng tác năm 1950, là bài thơ về quê hương tác giả trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Sáng tác nổi tiếng này của Nông Quốc Chấn gắn liền với chiến thắng Biên giới năm 1950.
 
Bài thơ được trao giải Nhì tại Đại hội Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới ở Béc-lin, sau đó được dịch đăng trên tạp chí châu Âu. Bài thơ viết bằng tiếng Tày, do tác giả dịch sang tiếng Việt.
 
2. Những giá trị nội dung, nghệ thuật
a. Nội dung
Bài thơ mở đầu bằng những cám xúc diễn đạt niềm vui khi Cao - Bắc - Lạng được giải phóng. Tiếp theo là nỗi buồn tủi, xót xa, căm giận bọn giặc ngoại xâm đã tàn phá quê hương. Đoạn kết bài thơ trở về với niềm vui hân hoan về một cuộc sống thanh bình. Vì thế, kết cấu bài thơ đi theo trình tự: hiện tại - quá khứ - hiện tại. Chính nhờ thủ pháp nghệ thuật này, nhiều mảng không gian đã được đồng hiện. Bức tranh hiện thực sinh động của nhân dân Cao - Bắc - Lạng trong những năm kháng chiến chống Pháp hiện lên khá đầy đủ và sinh động trong bài thơ.
 
Mở đầu là những câu thơ tràn đầy niềm vui chiến thắng khi quê hưong hoàn toàn giải phóng, mọi người chuẩn bị “dọn về làng” để khôi phục lại cuộc sống. Cách thể hiện niềm vui mang nét riêng, với lối nói cụ thể, cảm xúc, suy nghĩ được diễn đạt bằng những hình ảnh:
 
“Người đông như kiến, súng đầy như củi”
 
Từ niềm vui giải phóng, nhà thơ nhớ lại những năm cơ cực, khổ đau khi quê hương bị kẻ thù xâm lược giày xéo tàn bạo, đồng bào bị bắt giết dã man. Có thể nói đoạn thơ là một bản cáo trạng khá đầy đủ về hiện thực cuộc sống của đồng bào vùng cao trong những năm tháng thực dân chiếm đóng. Qua đó tác giả bộc lộ thái độ chịu đựng và những tình cảm yêu nước của con người nơi đây.
 
Hình ảnh người mẹ dịu em chạy tót lên rừng, tay dắt bà mắt bị loà không thấy lối đi và đặc biệt là hình ảnh người cha ngã xuống, mẹ tháo khăn phủ mặt cho chồng - Con cởi áo liệm thân cho bố đã diễn tả hết sức ám ảnh về những đau thương mất mát mà người dân Cao - Bắc - Lạng phải gánh chịu trong khói lửa của chiến tranh.
 
Hình ảnh người mẹ trong bài thơ vừa là người mẹ thân yêu trong tâm thức tác giả, vừa là người mẹ quê hương trong ý nghĩa tự thân của tác phẩm.
 
Từ hồi ức đau thương, cảm hứng thơ lại trở về với niềm vui giải phóng, với công việc “dọn về làng” tấp nập, vui vẻ trong cuộc sống hồi sinh của mọi người. Niềm vui ấy được diễn tả thật độc đáo: “Hôm nay Cao - Bắc - Lạng cười vang”, âm vang của tiếng cười vang lên rộn ràng cả một không gian rộng lớn. Đoạn thơ là một bức tranh đẹp.
 
Dọn về làng là trở về với cuộc sống, là chiến thắng quân thù, là niềm vui giải phóng. Bởi thế, sự trở về với cuộc sống ở đây mang một ý nghĩa mới cao hơn, tốt đẹp hon; nó có được là nhờ bao hi sinh gian khổ của bộ đội và nhân dân, nó là minh chứng hùng hồn cho mục đích chính nghĩa và sức sống mạnh mẽ của cuộc kháng chiến của dân tộc. Kết thúc bài thơ là hình ảnh mặt trời lên, con tiếp tục lên đường để đánh đuổi kẻ thù, con lên đường với một niềm tin ngày mai sẽ chiến thắng, con sẽ trở về với mẹ, với quê hương.
 
b. Nghệ thuật
Bài thơ khá tiêu biểu cho phong cách thơ của Nông Quốc Chấn. Cách diễn đạt mang đậm phong cách của người dân miền núi, đôn hậu, thật thà chất phác. Ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh. Mạch tự sự và trữ tình đan chen khá hài hoà, tạo sức ám ảnh nghệ thuật cao.
Bản quyền bài viết thuộc về Sachgiai.com. Ghi nguồn Sách giải.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

THÀNH VIÊN

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây