Phân tích hình ảnh người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ trong hồi thứ mười bốn Hoàng lê nhất thống chí

Thứ ba - 01/12/2020 08:09
Hướng dẫn lập dàn bài chi tiết và làm bài văn mẫu, đề bài: Phân tích hình ảnh người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ trong hồi thứ mười bốn Hoàng lê nhất thống chí.

I. Dàn ý

1. Mở bài:
Đọc hồi 14 - Hoàng lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái chúng ta đều có ấn tượng sâu sắc trước hình ảnh người anh hùng dân tộc Quang Trung- Nguyễn Huệ trong chiến công thần tốc đại phá 20 vạn quân Thanh vào mùa xuân năm Kỉ Dậu (1789).

2. Thân bài:
a. Trước tiên, Cần thấy rằng Quang Trung là người có lòng yêu nước nồng nàn, có lòng tự hào dân tộc sâu sắc, tiếp nối truyền thống của Trưng Nữ Vương, Trần Hưng Đạo, Lê Thái Tổ…
- Nghe giặc chiếm đóng Thăng Long định thân chinh cầm quân đi ngay.
- Tinh thần dân tộc của Quang Trung thể hiện rất rõ trong lời phủ dụ các tướng sĩ trước khi lên đường ra Bắc “Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị. Người phương Bắc không phải nòi giống ta, bụng dạ ắt khác” “Đời Hán có Trưng Nữ Vương, Đời tống có Đinh Tiên Hoàng, Lê đại Hành ….Các ngài không nỡ ngồi nhìn chúng làm điều tàn bạo nên đã thuận lòng người, dấy nghĩa quân, đều chỉ đánh một trận là thắng và đuổi được chúng về phương Bắc”
=> Lời phủ dụ mang âm hưởng của Nam quốc sơ hà, Hịch tướng sĩ, Bình ngô đại cáo, … Nó mang tâm hồn dân tộc và khí phách anh hùng của các bậc tiền bối.

b. Quang Trung là vị vua có trí tuệ sáng suốt, có tầm nhìn xa trông rộng:
- Có quan hệ gần gũi, chan hoà và biết lắng nghe ý kiến của tướng sĩ:
+ Định thân chinh cầm quân đi ngay nhưng nghe lời can ngăn, ông đã lên ngôi để “chính vị hiệu” rồi mới hạ lệnh xuất quân.
+ Tới Nghệ An , Quang Trung cho mời người cống sĩ ở huyện La sơn để hỏi ý kiến “kế nên đánh hay giữ ra sao”.
+ Ra quân lệnh rất nghiêm “Chớ nên ăn ở hai lòng, nếu như việc phát giác ra sẽ bị ta giết chết ngay tức khắc, chớ bảo là ta không nói trước!” nhưng kế đó ông “Ra doanh yên ủi quân lính” rồi tha cho hai tướng Sở và Lân để họ lấy công chuộc tội.
- Sáng suốt trong việc nhận định thời cuộc: Mới khởi binh đánh giặc đã tính toán chu đáo đầy đủ “Lần này ta ra, thân hành cầm quân, phương lược tiến đánh đã có tính sẵn”. Tính cả kế hoạch ngoại giao sau khi thắng với chủ trương “Dẹp việc binh đao để phúc cho dân”
- Sáng suốt, nhạy bén trong việc dùng binh: Chỉ huy quân lính hành quân thần tốc : Vừa hành quân, vừa tuyển quân, duyệt binh, tiến đánh chỉ trong vòng 5 ngày đã giành thắng lợi
- Mới khởi binh đã hẹn ngày chiến thắng “Hẹn ngày mồng 7 năm mới thì vào Thăng Long mở tiệc ăn mừng, các ngươi nhớ lấy, đừng cho là ta nói khoác”.
=> Như vậy Quang Trung là người có trí tuệ phi thường.
c. Quang Trung là người có ý chí, hành động mạnh mẽ, quyết đoán:
- Nghe tin giặc tới Thăng Long không hề nao núng định thân chinh cầm quân đi ngay.
- Từ khi gặc đến làm được biết bao việc có ích, nhanh chóng: Tế cáo trời đất, lên ngôi, phủ dụ quân lính, hoạch định phương lược tiến đánh, tuyển mộ quân lính, duyệt binh, tiến đánh, đánh trận nào thắng trận ấy.
- Mạnh mẽ trong điều binh khiển tướng, trực tiếp chỉ huy các trận đánh, tự tin trong các trận đánh, sự tự tin dựa trên những cơ sở đã được phân tích và chuẩn bị kĩ lưỡng.

d. Quang trung là vị vua lẫm liệt trong chiến trận:
- Tự thân chỉ huy một đạo quân, cưỡi voi xông pha giữa trận mạc, vừa chỉ huy, vừa tham gia chiến đấu trong mọi trận đánh, đối lập hoàn toàn với Lê Chiêu Thống - một ông vua đớn hèn.
- Linh hoạt trong kế sách đánh giặc, ở mỗi trận đánh chọn phương lược tiến đánh khác nhau nhưng rất phù hợp và hiệu quả: Trận phú xuyên đánh bí mật, trận Hà Hồi đùng cách đánh mưu lược, táo bạo chắc thắng, trận Ngọc Hồi dùng cách đánh áp lá cà nhưng mưu trí mạnh mẽ…
- Hình ảnh Quang Trung “áo bào đen sạm khói súng” mãi là hình ảnh lẫm liệt của vị anh hùng dân tộc trong tâm trí người đọc.

3. Kết bài:
Quang Trung là hình ảnh sáng ngời, biểu tượng cho tinh thần và sức mạnh quật cường, cho ý chí độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam. Hình ảnh ấy mãi khắc ghi trong chúng ta niềm tự hào về truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc ta và lòng biết ơn sâu sắc về người con ưu tú của cả dân tộc.

II. Bài văn mẫu:

Bài 1: Phân tích hình ảnh người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ trong hồi thứ mười bốn Hoàng Lê nhất thống chí.

Hoàng Lê nhất thống chí là bộ tiểu thuyết chương hồi nối tiếng trong nền văn học nước ta. Các tác giả thuộc nhóm Ngô gia văn phái đã viết rất thực về các sự việc xảy ra, trong giai đoạn lịch sử dân tộc. Riêng Hồi thứ mười bốn, các tác giả dựng lên hình tượng anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ là người có tài mưu lược, điều binh khiển tướng, thần tốc tiến quân. Nguyễn Huệ nhận định sáng suốt, đúng đắn tình hình chiến sự, ý chí quyết chiến quyết thắng, dũng cảm và nghiêm minh. Ông lại là con người giàu nghĩa tình.

Trước tham vọng giựt giành đất đai của tập đoàn vua Lê - chúa Trịnh, trước vết thương chia cắt đất nước đôi đàng, trước cơn lũ xâm lăng của giặc Thanh, các anh hùng hào kiệt ra mặt. Trong đó, ba anh em nhà Tây Sơn có uy tín nhất và nối bật là Nguyễn Huệ. Như một ngôi sao ngời sáng, Nguyền Huệ xuất hiện khi vận nước gặp cơn đen tối.

Trước hết, qua nhận định của tướng giặc nhà Thanh, Nguyễn Huệ là một anh hùng mưu lược có tài năng hoạch định quân mưu. Viên tổng đốc họ Tôn nói về Nguyễn Huệ: “Nguyễn Huệ là một tay anh hùng lão luyện, dũng mãnh và có tài cầm quân”. Tôn Sĩ Nghị nhận định vô cùng chính xác. Nguyễn Huệ là một anh hùng lão luyện, ông vừa là một con người văn võ song toàn, lại “lão luyện” kế hoạch tác chiến, đúng là con người “dũng mãnh” kiên cường, khỏe mạnh. Nhận định của viên tướng họ Tôn làm cho chúng ta cảm thấy vô cùng tự hào sung sướng vì Tổ quốc ta đã sản sinh được bậc anh hùng “có tài cầm quân” chống giặc, giữ nước, đem lại cảnh sống an lạc cho thần dân.

Đã vậy, Nguyễn Huệ còn là con người thông minh, sáng suốt nhận định tình hình chiến sự giữa ta với địch quân. Đây là lời đánh giá việc xưa của ông: “Từ đời nhà Hán đến nay, chúng đã mấy phen cướp bóc nước ta, giết hại nhân dân, vơ vét của cải, người mình không thể chịu nổi, ai cũng muốn đuổi chúng đi”. Từ suy nghĩ của ông, làm cho “người mình” thức tỉnh thấy hết các hành vi tội ác của quân xâm lược “cướp bóc, giết hại, vơ vét”, bọn cướp nước đã gieo đau thương, tang tóc cho thần dân. Thần dân có “chịu nổi” không? Trước những tai họa đó, ông có ý thức giục nhân dân đoàn kết “đuổi chúng đi”. Có như vậy mọi người mới vui hưởng cảnh sống yên bình. Từ đó, ông nhận định tình hình hiện thời: “Nay người Thanh lại sang, mưu đồ lấy nước Nam ta đặt làm quận huyện... Vì vậy ta phải kéo quân ra đánh đuổi chúng”. Lời ông nói có cơ sở vững vàng, có bằng chứng cụ thể, nhờ vậy toàn quân hết lòng, răm rắp tuân lệnh “kéo quân ra đánh đuổi” giặc Thanh.

Anh hùng Nguyễn Huệ có tài điều binh khiển tướng thần tốc. Sau khi lên ngôi hoàng đế lấy hiệu Quang Trung, ông “tự mình đốc thúc đại quân thủy bộ”. Bản thân nhà vua cho “mở cuộc duyệt binh” rồi thân chinh “cưỡi voi” an ủi quân sĩ. Hôm sau, vua Quang Trung "... hạ lệnh tiến quân. Các quân đều nghiêm chỉnh đội ngũ mà đi”.

Vua “hạ lệnh tiến quân” không ai dám phản đối. Đó là do tài năng lãnh đạo quân pháp của ông. Các tướng sĩ, đều “nghiêm chỉnh đội ngũ” đó là tài năng chỉnh đốn, sắp xếp có tổ chức. Một đạo quân có tổ chức, ý thức kỉ luật cao như vậy, chắc chắn đem về chiến công vẻ vang. Quang Trung còn xử sự nghiêm minh. Ông tuyên bố “quân thua chém tướng” rồi nhà vua bộc lộ quyết tâm quyết chiến quyết thắng: “Lần này ta ra thân hành cầm quân, phương lược tiến đánh đã có tính sẵn. Chẳng qua mươi ngày có thể đuổi được người Thanh”.

Ý chí của vua thật rõ ràng, dứt khoát “thân hành cầm quân” vì ông đã vạch sẵn chiến thuật, chiến lược và tin tưởng chỉ một thời gian ngắn “mươi ngày” sẽ đem đến thắng lợi, dứt khoát sẽ “đuổi được người Thanh” về nước mà thôi. Ý chí sắt đá của ông cũng là động cơ thúc giục, là ngọn lửa nung nấu tinh thần chiến đấu của nghĩa binh.

Do tài năng lãnh đạo nghĩa quân xuất chúng, do tổ chức, tiến quân khoa học, thần tốc, do ý chí quyết chiến, quyết thắng, vua Quang Trung mở tiệc khao quân rồi nghiêm chỉnh báo cho các tướng biết: “Ta với các ngươi hãy tạm sửa lễ cúng Tết trước đã. Đến tối 30 Tết lập tức lên đường, hẹn đến ngày mồng 7 năm mới thì vào thành Thăng Long mở tiệc ăn mừng”.                            

Lời tâm huyết của hoàng đế Quang Trung có tác dụng cổ vũ ý chí quyết tâm một mất, một còn với bọn xâm lược. Chỉ một thời gian ngắn ngủi bảy ngày vậy mà giải quyết được cuộc chiến. Đó là do tài cầm quân và mưu trí về chiến lược của ông, do óc tổ chức chiên thuật khoa học. Nhà vua ban lệnh: "... lấy sáu chục tấm ván, cứ ghép liền ba tấm làm một bức, bên ngoài lấy rơm dấp nước phủ kín, tất cả là hai mươi bức”. Với cách tổ chức chiến thuật đó, nhà vua đã ngăn chặn được làn tên mũi đạn của kẻ thù. Vua còn dùng chiến thuật “phun khói mù” để tiến công, áp sát địch quân mà tiêu diệt. Vua dạy quân sĩ phương pháp tác chiến: “Khi gươm giáo của hai bên đã chạm nhau thì quăng ván xuống đất, ai nấy cầm dao ngắn chém bừa, những người cầm binh khí theo sau cũng nhất tề xông tới mà đánh”.

Vâng lời vua, nghĩa binh thực hiện đúng kế hoạch tiến công. Ý chí quyết chiến quyết thắng trở thành hiện thực. Do vậy: Quân Thanh chống không nổi, bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết... sầm Nghi Đống tự thắt cổ chết...

Thế là do tài năng lãnh đạo xuất chúng, nghĩa binh Tây Sơn vào thành Thăng Long đúng ngày hẹn của hoàng đế Quang Trung. Chiến thắng vang dội đó ghi đậm trang sử vàng của dân tộc.

Hồi thứ mười bốn này, các tác giả viết rất thực, làm nổi bật hình ảnh oai phong lẫm liệt của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ.

Thỉnh thoảng đọc lại giai đoạn lịch sử này, chúng ta vô cùng trân trọng, tôn vinh một thiên tài quân sự. Vua Quang Trung đã làm rạng rỡ trang sử vàng của đất nước. Mỗi lần được chiêm ngưỡng bức tượng đồng của anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, chúng ta cảm thấy tự hào vì ông cha ta, thuở trước đánh giặc giỏi.

Bài 2: Phân tích hình ảnh người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ trong hồi thứ mười bốn Hoàng Lê nhất thống chí.

Trường phái văn học của đại gia đình họ Ngô Thì ở làng Tả Thanh Oai, thuộc huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây nổi tiếng với bộ sách gồm thơ, phú rồi truyện kí không chỉ đặc sắc về nghề thuật mà còn có giá trị lịch sử cao. Nổi bật trong đó phải kể đến “Hoàng Lê nhất thống chí” như một thiên sử đồ sộ kể lại những thăng trầm của đất nước thời Trịnh Sâm, phong trào Tây Sơn và sự lật đổ nhà Thanh. Lồng lộng trong khúc tráng ca là hình tượng người anh hùng áo vải Quang Trung .

Hình tượng người anh hùng Tây Sơn được khắc họa tập trung qua hồi 4, hồi 5 và hồi 14. Ở đó người anh hùng hiện lên với đủ tâm tài chí dũng, là một trong những lý do xứng đáng để dẫn đến sự sụp đổ của triều đại Lê-Trịnh và thắng lợi vẻ vang của nghĩa quân Tây Sơn. Với khí thế sấm chớp, hình tượng người anh hùng áo vải sánh ngang với các bậc anh hùng vĩ đại khác trong lịch sử.

Một trong những điều cốt yếu để làm nên một người anh hùng là lấy “nhân nghĩa” làm đầu (Nguyễn Trãi đã đề cập trong “Bình Ngô đại cáo”.). Và ở Quang Trung, mọi hành động, suy nghĩ của một người anh hùng đều xuất phát từ cái tâm đẹp, một tấm lòng luôn nghĩ cho dân, luôn lo lắng cho nước. Khác với những tên vua hèn hạ bán nước như Lê Chiêu Thống, tình yêu nước mãnh liệt trong lòng vị tướng tài đã thổi bùng lên ngọn lửa căm giận trong ngài khi hay tin lũ bán nước, biết quân Thanh sắp tràn vào lãnh thổ nước nhà: ngài “giận lắm, định cầm quân thân chinh đi ngay”. Tình yêu nước thổi vào những lời hiệu triệu đến với các binh sĩ một giọng hùng hồn, hào sảng, dứt khoát, thể hiện quyết tâm cao đánh đuổi giặc ngoại xâm ra khỏi bờ cõi. Ngài tin tưởng vào truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc ta từ thời Bà Trưng bà Triệu, rằng tội ác của quân giặc, quân ta nhất định không thể dung tha. Đến đây ta nghe như vang vang bên tai lời hiệu triệu của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn ngày nào gửi đến binh sĩ, thúc giục tinh thần đấu tranh. Tình yêu nước đã mang trong đó cả linh hồn dân tộc tự ngàn đời.

Không chỉ yêu nước, thương dân, Quang Trung còn là một người vô cùng tài giỏi. Điều đó thể hiện qua trí tuệ sắc bén, tầm nhìn xa trông rộng của ông trong việc nhận định thời cuộc, vừa dự tính đánh thế nào mà còn dự tính trước sẽ ứng xử ra sao khi giành thắng lợi. Nhờ sáng suốt anh minh, ông hiểu được binh lính nhân dân là nòng cốt nên ông tập trung khích lệ tinh thần chiến đấu của các binh sĩ, thậm chí còn cho họ ăn Tết trước khi bước vào chiến trận. Đặc biệt là cuộc hành quân thần tốc và đánh bại quân Thanh chỉ trong vòng 5 ngày, sớm hơn nhiều so với dự kiến đã trở thành điều làm kinh ngạc con người ở mọi thời đại, càng chứng tỏ tài dùng binh, trí tuệ đáng khâm phục ở người anh hùng ấy.

Ở Quang Trung cũng không thể thiếu cái chí của một người anh hùng. Chí khí thể hiện ở quyết tâm cao độ, hành động quyết đoán và nhanh chóng của ông. Khi hay tin đánh giặc chỉ trong vòng một tháng ông đã hoàn thành đủ mọi nghi lễ tế cáo, quy tụ đủ số quân binh cần thiết và hành quân thần tốc làm nên chiến thắng chớp nhoáng đối với nhà Thanh.

Quang Trung còn là một vị tướng vô cùng dũng cảm. Ông trực tiếp mặc áo giáp cưỡi voi, xông pha ra trận , vừa vạch ra đường lối đánh giặc vừa trực tiếp là người chỉ mũi giáo vào quân thù. Người anh hùng ấy với lòng dũng cảm, quyết hi sinh thân mình để bảo vệ sự bình yên của non sông xã tắc hòa cùng khí thế xung thiên ngút trời làm mờ sao Ngưu, sao đẩu của nghĩa quân Tây Sơn khiến quân địch đớn hèn nhụt đi ý chí mà thất bạt nhanh chóng.

Với sự hội tụ của cả tâm, tài, chí và dũng, Quang Trung xứng đáng trở thành linh hồn của cả nghĩa quân Tây Sơn, cũng là tinh thần dân tộc của con người thời bấy giờ. Đúng như Nguyễn Trãi nói: dân tộc ta “anh hùng hào kiệt thời nào cũng có”. Họ là Lý Thường Kiệt, là Lê Lợi, là Nguyễn Trãi, và bây giờ đến Quang Trung. Khác nhau về thời đại nhưng những người anh hùng ấy đều mang trong mình khí thế non sông, hồn thiêng sống núi, là niềm tự hào của cả một dân tộc, một đất nước, là những huyền thoại vĩ đại để con người đời sau nhớ về.

Hình tượng người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đã nhắc ta nhớ về một thời đại vàng son trong lịch sử dân tộc , tăng thêm ý thức dân tộc, tự nhắc mình phải tiếp bước cha ông trên con đường xây dựng, bảo vệ đất nước.

Bài 3: Phân tích hình ảnh người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ trong hồi thứ mười bốn Hoàng Lê nhất thống chí.

Hoàng Lê nhất thống chí - một cuốn tiểu thuyết lịch sử được viết bằng chữ Hán đã ghi lại những dấu mốc quan trọng trong lịch sử của Ngô gia văn phái. Qua tác phẩm nó đã để lại trong người đọc một hình ảnh người con của Việt Nam - tài năng yêu quê hương đất nước, cống hiến cả cuộc đời cho nhân dân. Đó là Quang Trung - vị anh hùng của dân tộc người có công lớn trong việc đại phá quân Thanh. Đặc biệt qua đoạn trích Hoàng Lê nhất thống chí hồi thứ 14, Quang Trung hiện lên với một khí chất thật đẹp, tài chí trong mọi chiến lược.

Quang Trung một anh hùng có nhiều tài năng, nhưng trước hết phải kể đến tính mạnh mẽ quyết đoán mỗi lần ông hành động. Trong suốt đoạn trích ông xuất hiện với hình ảnh một con người có tính cách xông xáo, mọi quyết định đều nhanh gọn và rất quyết đoán. Nghe tin giặc đã kéo đến tận Thăng Long ông đã rất tức giận, đã họp các tướng sĩ, "định thân chinh cầm quân đi ngay". Rồi ông "tế cáo trời đất" lên ngôi vua, hạ lệnh xuất quân, chỉ trong vòng một tháng mà ông đã làm được bao nhiêu việc lớn.

Cùng với hành động quyết đoán, Quang Trung còn là con người có trí tuệ sáng suốt, rất nhạy bén trong mọi trường hợp. Ông có cái nhìn tổng quan về trận chiến, về thời cuộc ông lên ngôi với mục đích có thể "để yên kẻ phản trắc và giữ lấy lòng người". Ông phân tích tình hình quân địch, nhận định được thế lực hai bên để phán đoán trong từng bước đi của mình. Những tội ác của quân giặc đã được ông phơi bày ra để nhắc nhở nhân dân, rồi tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho các tướng sĩ bằng những tấm gương quả cảm từ thời xa xưa như Trưng nữ Vương, Đinh Tiên Hoàng.. Ông còn có cách thuyết phục những kẻ "mềm lòng" dễ thay lòng đổi dạ vừa mềm mà chặt. Ông đưa ra những lời khen chê, thưởng phạt đúng người đúng việc, ta thấy rõ điều đó qua trường hợp của Sở và Lân.

Có thể nói, ông là người có tầm nhìn xa trông rộng khi ông nói chắc như đinh đóng cột "phương lược tính đánh đã có sẵn" rồi ông còn nhìn xa hơn khi nghĩ cách ngoại giao khi chiến tranh kết thúc để đất nước phục hồi lại, yên ổn, nuôi dưỡng phát triển để rồi sau này "ta có gì sợ chúng".

Vua Quang Trung là vị tướng cầm quân có tài thao lược hơn người với cách dùng binh như thần. Chúng ta không thể khỏi kinh ngạc trước sự chỉ huy và sự thần tốc của quân lính khi đi đánh giặc, trong thời gian ngắn mà đường dài quân đội của ông vẫn chỉnh tề, tuân theo mọi chỉ huy của ông.

Trải qua cuộc hành quân dài, xa xôi chịu nhiều gian khổ nhưng dưới sự chỉ huy của Quang Trung cả đội quân đã chiến thắng quân địch một cách tuyệt đối bởi các chiến lược tài tình của ông. Vị vua tài năng hiện lên thật lẫm liệt khi ông cũng chính mình xông ra trận chiến, tiến công, cưỡi voi, xông pha trước những mũi tên của quân địch.

Dưới ngòi bút tài tình, điêu luyện của Ngô gia văn phái, người đọc đã cảm nhận được hình ảnh một ông vua lẫm liệt anh dũng đầy tài năng. Vua Quang Trung đã làm rạng danh dân tộc, đem lại bình an cho nhân dân và ông xứng đáng là một tượng đài bất tử trong lòng người dân Việt Nam.


 

  Ý kiến bạn đọc

THÀNH VIÊN

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Kênh Bóng đá trực tiếp hôm nay miễn phí ⇔ fabet ⇔ Jun88 ⇔ shbet ⇔ Xoilac tv ⇔ Phát sóng Cakhia link trực tiếp ⇔ Kênh 90Phut TV full HD ⇔ https://game78win.com/ ⇔ New88 ⇔ https://8kbetgames.com/ ⇔ https://ae888.finance/ ⇔ truc tiep bong da xoi lac full HD ⇔ xem bóng đá xôi lạc tv hôm nay ⇔ Xoilac ⇔ Xem ket qua bongdalu nhanh nhất ⇔ truc tiep bong da xoilac tv mien phi ⇔ link truc tiep bong da xoilac tv mien phi ⇔ link trực tiếp bóng đá xôi lạc tv hôm nay ⇔ 78win ⇔ link xem truc tiep bong da xoilac tv ⇔ Xem tỷ số bongdalu com live score ⇔ Trang ty số trực tuyến bongdalu ⇔ 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây