I. HƯỚNG DẪN HỌC BÀI
Về Đỗ Phủ, các em đã được học bài Mao ốc vị thu phong sở phá ca (Bài ca nhà tranh bị gió thu phá) ở trung học cơ sở. Lên lớp 10, các em lại được học thêm bài Thu hứng (Cảm xúc mùa thu) của ông. Đây là bài Thu hứng thứ nhất trong chùm thơ Thu hứng 8 bài, được ông sáng tác năm 766 tại Quỳ Châu (nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên - Trung Quốc).
Để đi vào tìm hiểu bài thơ thu tiêu biểu và đặc sắc này, các em cần đọc kĩ Tiểu dẫn về tác giả, so sánh đối chiếu bản dịch thơ với bản dịch nghĩa, xem các chú thích để hiểu rõ hơn bài thơ, và điều quan trọng là phải đọc nhiều lần bản dịch thơ để có cảm nhận chung về tác phẩm.
Dưới đây là những gợi ý để trả lời các câu hỏi trong phần Hướng dẫn học bài
1. Tìm hiểu bố cục bài thơ và xác định nội dung từng phần
Bài thơ có thể chia làm hai phần:
- Bốn câu đầu tả cảnh thu, trong cảnh đượm tình thu.
- Bốn câu sau thể hiện cảm xúc trước mùa thu nơi đất khách của tác giả.
Kết cấu như vậy cân đối hài hòa, từ cảnh mà có tình và tình thấm sâu trong cảnh vật.
2. Nhận xét về tầm nhìn của nhà thơ trong bốn câu thơ đầu và sự thay đổi của tầm nhìn từ bốn câu đầu đến bốn câu sau.
- Tầm nhìn của nhà thơ trong 4 câu thơ đầu:
+ Tầm nhìn mở rộng ra xung quanh trong một không gian rộng và xa gồm rừng phong, Vu sơn, Vu giáp, lưng trời, mặt đất, dòng sông, cửa ải, mây, sóng,...
+ Tuy tầm nhìn mở rộng nhưng nhà thơ vẫn phát hiện và nhận ra ngay những nét thu điển hình nơi núi non đất Thục: rừng phong đã đổi màu vì sương móc trắng, núi Vu, kẽm Vu hiu hắt hơi thu; dòng sông nước lũ mùa thu sóng vọt lên tận lưng trời; còn trên cửa ải, mây sa xuống giáp mặt đất.
+ Tầm nhìn chuyển từ cảnh tĩnh nơi núi rừng sang cảnh động của sóng trên sông, mây trên ải khiến cho bức tranh mùa thu thêm phong phú, sinh động, trong cảnh thu đượm cả tình thu.
- Sự thay đổi của tầm nhìn từ bốn câu đầu đến bốn câu sau:
+ Từ tầm nhìn mở rộng ra xung quanh, con mắt của thi nhân tự thu về một không gian hẹp hơn: đó là cảnh vật trước mắt. Nhà thơ chỉ còn nhìn thấy khóm cúc và con thuyền lẻ loi. Sự thay đổi tầm nhìn ở đây là hợp với lẽ tự nhiên của tâm trạng con người trước cảnh vật - đặc biệt là cảnh thu: nhìn rộng ra xa để thấy nét thu bao quát của đất trời để rồi quay về nhìn gần trở lại để cảm thấu hết tình thu trong lòng mình.
+ Khóm cúc là loại hoa tượng trưng cho mùa thu, nhưng ở đây cúc không nở ra hoa mà tuôn ra hai lần dòng nước mắt ngày trước (Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ củ). Còn con thuyền lẻ loi thì buộc mãi tấm lòng nhớ nơi vườn cũ (Con thuyền buộc chặt mối tình nhà). Cảnh gợi tình và tình thấm sâu vào cảnh.
+ Không chỉ nhìn thấy mà còn nghe thấy. Đó là âm thanh đặc trưng của mùa thu: tiếng chày đập vải để may áo rét vang lên rộn ràng gợi nhớ người thân nơi phương trời giá lạnh và những người lính còn trấn thủ nơi biên cương quan ải. (Lạnh lùng giục kể tay dao thước - Thành Bạch, chày vang bóng ác tà).
3. Xác định mối quan hệ giữa bốn câu thơ đầu với bốn câu thơ sau, mối quan hệ giữa toàn bài với nhan đề “Thu hứng”.
- Mối quan hệ giữa bốn câu thơ đầu với bốn câu thơ sau: Là mối quan hệ giữa không gian rộng mở của cảnh thu trời đất, núi rừng với không gian thu hẹp của cảnh thu trước mắt, cũng có thể xem đây là mối quan hệ giữa cảnh thu (chủ yếu ở bốn câu đầu) và tình thu (chủ yếu ở bốn câu sau) mặc dù ở cả hai phần cảnh và tình đều hòa hợp, xuyên thấm vào nhau. Từ không gian rộng mà đi đến không gian hẹp một cách tự nhiên, từ cảnh thu mà nảy sinh tình thu - bốn câu thơ đầu có thể xem như một cái nền cảnh chung để trên đó nổi lên những cảnh vật cụ thể thấm đượm tình người da diết trước mùa thu ở bốn câu thơ sau. Phần đầu mở ra phần sau và phần sau tô đậm khắc sâu thêm phần đầu để hoàn chỉnh ý thơ trong toàn bài.
- Mối quan hệ giữa toàn bài với nhan đề Thu hứng: Thu hứng là cảm xúc mùa thu, là nhan đề của bài thơ. Do vậy, mọi hình ảnh, chi tiết, cảnh vật, tình người trong bài thơ đều để nói lên cảm xúc mùa thu của thi nhân. Đó chính là mối quan hệ giữa toàn bài với nhan đề Thu hứng. Điều này đã được phân tích rõ trong câu 2 trên đây. Từng hình ảnh, chi tiết trong từng câu thơ (rừng phong, núi Vu, sóng sông, mây ải, khóm cúc, con thuyền, tiếng chày,...) đều tập trung vào việc bộc lộ cảm xúc mùa thu của nhà thơ để thể hiện chủ đề Thu hứng của tác phẩm. Đó là nỗi lo âu cho đất nước, nỗi buồn nhớ quê hương và nỗi ngậm ngùi, xót xa cho thân phận mình trước mùa thu nơi đất khách của tác giả.
II. LUYỆN TẬP
1. Muốn trả lời đúng câu hỏi này, các em cần đọc lại bản dịch nghĩa câu thơ, kết hợp với cảm nhận của mình về câu thơ đó trong cảm hứng chung của tác giả về toàn bài thơ.
Nếu đọc câu thơ dịch của Nguyễn Công Trứ: Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ, nhiều người có thể nghĩ “lệ” ở đây là nước mắt của “khóm cúc”. Nhưng đọc bản dịch nghĩa thì lại thấy không hoàn toàn như vậy: Khóm cúc nở hoa đã hai lần (làm) tuôn rơi nước mắt ngày trước. “Nước mắt ngày trước” ở đây là của thi nhân mà cũng có thể là của “khóm cúc”. Làm sao phân biệt được nước mắt thi nhân hay nước mắt hoa khi mà con người với ngoại giới chung một tâm tình, khi “vạn vật với ta là một”. Và đấy mới chính là chỗ hay của câu thơ, trong cả nguyên tác của Đỗ Phủ cũng như câu thơ dịch rất tài hoa của Nguyễn Công Trứ.
2. Bài tập này các em tự làm (có thể trao đổi với nhau trong nhóm, tổ).