I. ẨN DỤ
1. Tìm ẩn dụ trong hai câu ca dao (1) và (2)
Các em dựa vào những gợi ý a và b để tìm hiểu, phân tích phép ẩn dụ trong hai câu ca dao và xác định các ẩn dụ trong từng câu.
Gợi ý:
- Câu (1):
+ thuyền (di chuyển, thường chỉ người con trai ra đi và trở về).
+ bến (cố định, thường chỉ người con gái ở lại chờ đợi).
- Câu (2):
+ con đò (như thuyền trong câu (1))
+ cây đa bến củ (như bến trong câu (1)).
2. Tìm và phân tích phép ẩn dụ trong các đoạn trích
(1) Lửa lựu (hoa lựu đỏ như lửa) lập lòe đâm bông: hình ảnh hiện lên sinh động, rực rỡ nhờ phép tu từ ẩn dụ.
(2) ... những cuốn tiểu thuyết, những câu thơ thay đổi được cả cuộc đời người đọc ... (đây chính là sức mạnh của văn nghệ).
(3) Từng giọt long lanh rơi (giọt âm thanh - sức sống của mùa xuân).
(4) Thênh thênh là chiếc thuyền ta trên đời (chiếc thuyền - sức mạnh của cách mạng).
(5) Xưa phù du mà nay đã phù sa (phù du - cuộc sống trôi nổi, phù phiếm, vô ích; phù sa - cuộc sống màu mỡ, lắng đọng, có ích).
3. Các em tự làm theo ba bước nối tiếp trong một quy trình sáng tạo để viết câu văn có dùng phép ẩn dụ:
+ Quan sát vật gần gũi, quen thuộc;
+ Liên tưởng đến một vật nào đó có điểm giống với vật trên;
+ Từ đó viết câu văn có dùng phép ẩn dụ.
II. HOÁN DỤ
1. Phân tích và tìm các hoán dụ trong hai câu (1) và (2)
Dựa vào gợi ý trong SGK, các em tìm hiểu, phân tích và xác định các hoán dụ.
Gợi ý:
- Câu (1):
+ Đầu xanh (tóc còn xanh, chỉ người trẻ tuổi).
+ Má hồng (lấy gò má ửng hồng để chỉ người đàn bà đẹp).
+ Nguyễn Du dùng những cụm từ này để chỉ nhân vật Thúy Kiều.
- Câu (2):
+ Áo nâu (lấy màu áo nâu để chỉ người nông dân).
+ Áo xanh (lấy màu áo xanh để chỉ người công nhân).
2. Tìm hiểu phép hoán dụ và ẩn dụ trong câu thơ của Nguyễn Bính
Trong hai câu lục bát của Nguyễn Bính:
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào.
(Tương tư)
thì câu lục sử dụng phép hoán dụ, còn câu bát sử dụng phép ẩn dụ.
So sánh với câu ca dao Thuyền ơi có nhớ bến chăng..., ta thấy:
+ Thuyền, bến được so sánh ngầm với người con trai và người con gái là ẩn dụ.
+ “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông”: Thôn Đoài, thôn Đông ở đây chỉ người thôn Đoài và người thôn Đông, tức là lấy địa danh, nơi ở (thôn) để chỉ con người ở đó: phép hoán dụ.
+ Còn câu “Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào” lại sử dụng phép ẩn dụ: cau ở đây được so sánh ngầm với người con trai, còn trầu không là ẩn dụ để chỉ người con gái.
Nhà thơ Nguyễn Bính đã sử dụng phép hoán dụ và ẩn dụ nhuần nhị, tự nhiên như trong ca dao.
3. Các em tự làm như cách làm câu 3 trong phần ẩn dụ trên đây