I. VÀI NÉT VỀ TẬP TÙY BÚT SÔNG ĐÀ VÀ PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT CỦA NGUYỄN TUÂN
- Người lái đò Sông Đà là áng văn được in trong tập tùy bút Sông Đà (1960) của Nguyễn Tuân, về tác giả Nguyễn Tuân, anh (chị) có thể xem lại trong Ngữ văn 11, tập một ở bài học Chữ người tử tù. Dưới đây, giới thiệu thêm vài nét về tập tùy bút Sông Đà và phong cách nghệ thuật của tác giả.
1. Tập tùy bút Sông Đà
- Sông Đà, với 15 thiên tùy bút và một bài thơ phác thảo, vẫn được nhiều người đánh giá là kiệt tác. Đây là thành quả nghệ thuật đẹp đẽ mà Nguyễn Tuân đã thu hoạch được trong chuyến đi gian khổ và hào hứng tới miền Tây Bắc rộng lớn, xa xôi, không chỉ để thỏa mãn cái thú tìm đến những miền đất lạ cho thỏa chí tang bồng, mà còn, và chủ yếu còn để tìm kiếm chất vàng của thiên nhiên và chất vàng mười, “thứ vàng được thử lửa” ở tâm hồn của những con người lao động và chiến đấu trên miền núi sông hùng vĩ và thơ mộng đó. Vì thế, Sông Đà nói chung và bài tùy bút Người lái đò Sông Đà nói riêng, cho ta nhận ra diện mạo của một nhà văn Nguyễn Tuân mới mẻ, khát khao được hòa nhịp với đất nước và cuộc đời này, không giống với một Nguyễn Tuân khinh bạc, ngông nghênh trước Cách mạng tháng Tám, con người chỉ muốn xê dịch cho khuây cảm giác “thiếu quê hương”.
2. Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân
Sông Đà và Người lái đò Sông Đà tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật độc đáo của Nguyên Tuân:
- Một cây bút tài hoa và uyên bác: thiên nhiên hay con người đều được chú ý khám phá ở phương diện văn hoá, mĩ thuật của nó. Tính tư liệu phong phú, đầy giá trị thông tin về địa lí, lịch sử, văn hoá, phong tục, …
- Một ngòi bút có thiên hướng thể hiện những cảm giác mãnh liệt, gây những ấn tượng đậm nét, hoặc đẹp tuyệt vời hoặc thật dữ dội...
- Một con mắt nhìn sự vật ở chiều lịch sử, gắn quá khứ, hiện tại với tương lai.
- Một giọng điệu tùy bút vừa nghiêm túc vừa phóng túng với ngôn ngữ giàu có, giá trị tạo thành hình cao, có khả năng lay động mạnh mẽ người đọc.
II. ĐỌC HIỂU VĂN BẢN
• Đọc văn bản
Cần đọc toàn văn đoạn trích bài tùy bút để nắm được ý tưởng và mạch văn bản, cảm xúc của tác giả, như cần chú ý đọc kĩ, đọc chậm để suy ngẫm và thưởng thức vẻ đẹp của các đoạn văn sau đây (từ tr.182 đến tr.182 đến tr.186):
- Đoạn tả con Sông Đà hung bạo với thác nước gầm réo và thạch trận giăng bẫy đòi ăn chết cái thuyền, cũng là đoạn tả người lái đò vượt thác, chiến thắng thạch trận, đưa chiếc thuyền về nơi sông nước thanh bình.
- Đoạn tả con Sông Đà thơ mộng trữ tình như một áng tóc tuôn dài...
Khi đọc các đoạn này, cần đặc biệt lưu ý đến việc sử dụng ngôn ngữ của tác giả để miêu tả con sông và người lái đò (ngôn ngữ giàu có và sáng tạo như thế nào, có giá trị tạo hình ra sao, cách dùng của tác giả táo bạo và độc đáo như thế nào).
• Tìm hiểu văn bản
Cần tìm hiểu hai hình tượng chính trong bài tùy bút:
- Hình tượng con sông Đà:
+ Con sông hung bạo. (câu hỏi 2)
+ Con sông trữ tình, (câu hỏi 3)
- Hình tượng người lái đò vượt thác, chiến thắng thạch trận, “tay lái ra hoa” (câu hỏi 4)
1. Hình tượng con sông Đà
Hình tượng con sông Đà in đậm phong cách nghệ thuật của Nguyên Tuân:
Con sông Đà, dưới ngòi bút Nguyễn Tuân, không còn là con sông của thiên nhiên - địa lí, mà được miêu tả như một sinh vật có tính cách vừa hung bạo vừa trữ tình:
a) Con sông hung bạo (đoạn người lái đò vượt thác).
- Con sông được miêu tả như một con quái vật điên cuồng, hung dữ đang nhe nanh, múa vuốt hòng bóp chết và nuốt chửng con thuyền và người lái đò:
+ Thác nước gầm réo vang trời thanh la não bạt: khi thì “rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng...”, lúc lại “hồng hộc tế mạnh trên sông đá”, có khi “đội cả thuyền lên” và “mặt sông rung tít lên như tuốc bin thủy điện nơi đáy hầm đập”...
+ Thạch trận giăng trên sông thành 3 vòng vây như thiên la địa võng đòi “ăn chết cái thuyền”, đá “nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền” hoặc “xô ra định níu thuyền lôi vào tập đoàn cửa tử”...
- Tác giả đã thể hiện những cảm giác mãnh liệt, gây những ấn tượng thật dữ dội khi miêu tả con sông Đà và trận thủy chiến trên cái thạch trận có một không hai ấy với người lái đò: “nước bám lấy thuyền như đô vật túm thắt lưng ông đò đòi lật ngửa mình ra...”, sóng thác “bóp chặt lấy hạ bộ người lái đò, hột sinh dục vụt muốn thọt lên cổ” và “mặt sông trong tích tắc lòa sáng lên như một cửa bể đom đóm rừng ùa xuống mà châm lửa vào đầu sóng”...
b) Con sông trữ tình (đoạn tiếp theo).
- Dưới con mắt nhìn nghệ sĩ của Nguyễn Tuân, con sông Đà hiện ra thật đẹp và trữ tình:
+ Con sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban, hoa gạo tháng hai...
+ Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, mùa thu nước sông Đà lừ lừ chín đỏ...
+ Con sông Đà gợi cảm như một cố nhân, xa thì nhớ nhung lưu luyến.
- Tâm hồn nghệ sĩ ấy lại đưa con sông về với thời gian xa xưa, với không gian tĩnh lặng để nó càng thêm thơ mộng trữ tình: “Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”...
Sông Đà còn gắn với truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh, với câu thơ của Lý Bạch và Tản Đà... gợi bao hoài niệm và thương nhớ bâng khuâng.
Tóm lại, hình tượng con sông Đà đã in đậm nhiều nét phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân mà nổi bật nhất là ở chỗ nhìn thiên nhiên ở phương diện văn hóa, thẩm mĩ, và ở chỗ nhà văn dễ có cảm hứng trước những hiện tượng gây cảm giác mạnh, hoặc dữ dội hoặc đẹp tuyệt vời, khiến cho con sông Đà trở thành một con sông vừa hung bạo vừa trữ tình.
3. Hình tượng người lái đò sông Đà (qua đoạn người lái đò vượt thác)
Nói chung, nhân vật chính diện của Nguyễn Tuân đều được mô tả như những con người tài hoa nghệ sĩ. Nhưng nếu trước Cách mạng tháng Tám, đó là một số ít con người đặc tuyển trong xã hội, có tài xuất chúng kiểu như Huấn Cao trong Chữ người tử tù, thì sau Cách mạng, những con người tài hoa ấy có thể tìm thấy trong nhân dân, ở những con người bình thường trên mọi lĩnh vực của cuộc sống: anh bộ đội, cô dân quân, thậm chí chị hàng cốm, người giã giò, bán phở, w... Ớ đây là người lái đò - nghệ sĩ, người nghệ sĩ trên sông nước. Chở đò mà là cả một nghệ thuật cao cường đầy tài hoa (được gọi là “tay lái ra hoa”).
Nghệ thuật ở đây, như tác giả nói, là nắm chắc “quy luật tất yếu của dòng nước sông Đà”. Và vì làm chủ được quy luật ấy nên “trên thác hiên ngang một người lái đò Sông Đà có tự do”, nhờ vậy họ đã chiến thắng dòng thác dữ.
Nhưng đây là một quy luật hết sức khắc nghiệt. Một chút thiếu chính xác, một tích tắc thiếu bình tĩnh, lóa mắt, lỡ tay là phải trả giá bằng sinh mạng của mình. Để làm nổi bật tài nghệ của ông lái đò, Nguyễn Tuân đã sáng tạo ra một cuộc vượt thác của ông ta như là một viên tướng ngày xưa lao vào một trận đồ bát quái được bố trí sẵn với rất nhiều cạm bẫy giăng ra hết vòng này đến vòng khác, mỗi vòng đều có những “viên tướng đá” nham hiểm, quái ác chờ sẵn và quyết tiêu diệt bằng được đối phương của mình. Để áp đảo tình thần “kẻ địch”, đám “quân thác đá” con nổi trống nổi chiêng, hò la dữ dội “rồng lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa (...), rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng”. Một đoạn văn dựng cảnh đầy giá trị tạo hình, giống như một cuốn phim quay cận cảnh, đặc tả. Một lối thuật kể hồi hộp, đầy kịch tính căng thẳng, dùng đến cả tri thức quân sự và võ thuật. Đây là dịp ngôn ngữ Nguyễn Tuân có điều kiện khoe hết góc cạnh và sự giàu có của nó...
Qua bài tùy bút, đặc biệt là qua đoạn tả cuộc vượt thác nói trên của người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân muốn nói với ta rằng, chủ nghĩa anh hùng đâu chỉ có ở nơi chiến trường. Nó ở ngay trong cuộc sống của nhân dân ta, hàng ngày phải vật lộn với thiên nhiên vì miếng cơm manh áo. Và trí dũng tài ba không phải tìm ở đâu, mà ở ngay những người dân lao động bình thường kia. Cuộc đời của ông lái đò vô danh nơi ngọn thác hoang vu khuất nẻo kia là cả một thiên anh hùng ca, là cả một pho nghệ thuật tuyệt vời.
Cuối cùng, đọc kĩ phần Ghi nhớ trong SGK để nắm vững bài học.
III. LUYỆN TẬP
1. Tìm đọc trọn vẹn tùy bút Người lái đò sông Đà trong Tuyển tập Nguyễn Tuân, NXB Văn học, Hà Nội, 1982.
2. Tìm đoạn văn anh (chị) yêu thích, say mê nhất trong thiên tùy bút để phân tích rõ cái hay, cái đẹp (đặc biệt về sử dụng ngôn ngữ của tác giả) và phát biểu cảm nghĩ về đoạn văn đó (tự làm theo cảm nhận của mình).
3. Tìm đọc bài Người lái đò sông Đà, vẻ đẹp một dòng sông chữ của Đỗ Kim Hồi, in trong cuốn Nghĩ từ công việc dạy văn, NXB Giáo dục, 1999).