• Tác giả
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị tướng tài hoa lỗi lạc của Quân đội nhân dân Việt Nam, một trong những nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam. Cuộc đời ông luôn song hành cùng những chặng đường lịch sử của dân tộc trong thế kỉ XX. Với tầm tư tưởng và tầm văn hóa lớn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tái hiện những chặng đường ấy trong nhiều tác phẩm hồi kí: Những năm tháng không thể nào quên, Chiến đấu trong vòng vây, Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử,... Hồi kí của Võ Nguyên Giáp là những trang viết chân thực, sinh động, vừa có giá trị lịch sử vừa có giá trị văn học, truyền niềm tin và niềm tự hào dân tộc đến nhiều thế hệ người đọc, đặc biệt là thế hệ trẻ trong những ngày hôm nay.
• Tác phẩm: Những năm tháng không thể nào quên (trích)
Đoạn trích thuộc chương XII của tập hồi kí Những năm tháng không thể nào quên mang tên Những ngày đầu của nước Việt Nam mới (do người biên soạn đặt) đã tái hiện chân thực và cụ thể những ngày đầu của chính quyền cách mạng còn non trẻ, “nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới sinh, nằm giữa bốn bề hùm sói, phải tự dốc sức mình đấu tranh dũng cảm, mưu trí, phải tìm mọi cách để sống còn”. Tình hình mọi mặt đều hết sức khó khăn, cuộc xâm lăng của giặc Pháp nổ ra rất sớm tại Nam Bộ, làm cho khó khăn càng thêm trầm trọng. Trong hoàn cảnh như vậy, phải làm gì để xây dựng xã hội mới, công việc đó còn khó khăn hơn là phá bỏ nền móng của xã hội cũ. Vấn đề đặt ra cấp bách lúc này là phải củng cố và giữ vững chính quyền cách mạng.
Trong những ngày đầu sóng gió đó, Hồ Chủ tịch đã truyền niềm tin cho nhân dân cả nước và mọi người đều đoàn kết xung quanh Bác và Chính phủ lâm thời để bảo vệ chính quyền cách mạng. “Đồng bào ta đã nhận thấy ở Bác Hồ, hình ảnh tượng trưng cao đẹp nhất của dân, của nước, của cách mạng, của chính quyền mới, chế độ mới”. Khi Bác kêu gọi đồng bào cả nước tích cực hưởng ứng Tuần lễ vàng thì nhiều người đã sốt sắng đem tới góp cả những vật kỉ niệm thân thiết nhất của mình, và chỉ trong một thời gian ngắn, các tầng lớp nhân dân đã quyên góp vào Quỹ Độc lập và Tuần lễ vàng được hai mươi triệu đồng và ba trăm bảy mươi ki-lô-gam vàng.
Trong những ngày đầu khó khăn đó, Hồ Chủ tịch càng quan tâm đến nhân dân. Người kêu gọi đồng bào cả nước: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Người nói: Phải “dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân” và chỉ rõ: Làm những việc đó là “để mưu hạnh phúc cho dân”.
“Hạnh phúc cho dân”, đó là mục đích của việc giành lấy chính quyền và giữ vững, bảo vệ chính quyền ấy. Đó là lí tưởng của Người. Đó cũng là tấm lòng của Người.
Chính vì thế mà nhân dân cả nước đều đoàn kết xung quanh Hồ Chủ tịch, phát huy tinh thần yêu nước để bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ, xây dựng chế độ mới. Và một nước Việt Nam mới đã vượt lên bao gian khó để tồn tại, đứng vững và khẳng định vị thế của mình. Đoạn trích hồi kí càng làm ta thêm thấm thía câu thành ngữ “Vạn sự khởi đầu nan” khi dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch, đã vượt qua được những sóng gió ban đầu để xây dựng đất nước và chế độ mới.