PHẦN MỘT: TÁC GIẢ
Phần viết về nhà thơ Tố Hữu được SGK viết rõ ràng, đầy đủ và dễ hiểu. Anh (chị) cần đọc kĩ và chậm bài viết này để nắm được những nét cơ bản nhất về cuộc đời và sự nghiệp thơ ca của ông. Dưới đây là những gợi ý chính trong phần Hướng dẫn học bài và phần Luyện tập.
I. HƯỚNG DẪN HỌC BÀI
1. Những nét lớn trong cuộc đời Tố Hữu
- Vào tuổi thanh niên, tham gia phong trào cách mạng và trở thành người lãnh đạo chủ chốt của Đoàn Thanh niên Dân chủ ở Huế; năm 1938 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
- Tháng 4 - 1939 đến tháng 3 - 1942 bị thực dân Pháp bắt giam qua nhiều nhà tù ở miền Trung và Tây Nguyên.
- Tháng 3 - 1942 vượt ngục, tìm ra Thanh Hóa, tiếp tục hoạt động cách mạng.
- Tháng Tám năm 1945 là Chủ tịch ủy ban khởi nghĩa ở Huế.
- Kháng chiến toàn quốc ra Việt Bắc công tác ở cơ quan Trung ương Đảng, đặc trách về văn hóa văn nghệ.
- Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mĩ cho đến năm 1986 liên tục giữ những cương vị trọng yếu trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước (từng là ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng). Năm 1996, được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật.
2. Những chặng đường thơ của Tố Hữu
- Những chặng đường thơ của Tố Hữu gắn bó mật thiết với những chặng đường cách mạng của bản thân nhà thơ, với những giai đoạn phát triển của cách mạng Việt Nam. Có thể nói đường đời, đường thơ Tố Hữu luôn song hành cùng con đường cách mạng của cả dân tộc, phục vụ có hiệu quả cho cuộc cách mạng đó.
- Mối quan hệ khăng khít, gắn bó đó được thể hiện trong các chặng đường thơ của Tố Hữu:
+ 1937 - 1946: Cách mạng giải phóng dân tộc: tập thơ Từ ấy.
+ 1946 - 1954: Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp: tập thơ Việt Bắc.
+ 1955 - 1961: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước: tập thơ Gió lộng.
+ 1962 - 1975: Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ và ngày toàn thắng, thống nhất đất nước: tập thơ Ra trận (1962 - 1971), tập thơ Máu và Hoa (1972 - 1977).
+ Từ 1986 trở đi: Đất nước bước vào công cuộc đổi mới: các tập thơ Một tiếng đờn (1992) và Ta với Ta (1999).
3. Tại sao nói thơ Tố Hữu mang tính chất trữ tình chính trị?
- Vì nội dung thơ Tố Hữu đều hướng tới cái ta chung với lẽ sống lớn, tình cảm lớn, niềm người cách mạng, của cả dân tộc. Ngay từ đầu cái tôi trữ tình trong thơ Tố Hữu đã là cái tôi chiến sĩ, càng về sau càng xác định rõ là cái tôi nhân danh Đảng, nhân danh cộng đồng dân tộc.
- Thơ Tố Hữu mang đậm tính sử thi, coi những sự kiện chính trị lớn của đất nước là đối tượng thể hiện chủ yếu, luôn đề cập đến những vấn đề có ý nghĩa lịch sử và có tính chất toàn dân.
- Cảm hứng chủ đạo trong thơ Tố Hữu là cảm hứng lịch sử - dân tộc, chứ không phải cảm hứng thế sự - đời tư; nổi bật trong thơ Tố Hữu là vấn đề vận mệnh cộng đồng, chứ không phải vấn đề số phận cá nhân.
- Những vấn đề chính trị lớn lao đó đã được Tố Hữu thể hiện qua giọng thơ tâm tình, đằm thắm, chân thành.
4. Tính dân tộc trong hình thức nghệ thuật Tố Hữu biểu hiện ở những điểm cơ bản nào?
- Được biểu hiện ở các mặt chủ yếu như:
+ Thể thơ dân tộc: lục bát, thất ngôn,...
+ Hình ảnh, ngôn ngữ dân tộc, cách phô diễn dân tộc.
+ Nhịp điệu và nhạc điệu dân tộc.
II. LUYỆN TẬP
1. Tự chọn bài thơ của Tố Hữu mà mình yêu thích để bình giảng một đoạn.
2. Gợi ý câu của Xuân Diệu: hai yếu tố chính trị và trữ tình trong thơ Tố Hữu đã hòa hợp với nhau một cách nhuần nhị, gắn bó máu thịt với nhau. Bởi những tình cảm chính trị đó vốn là lẽ sống của nhà thơ nên đã được ông nói lên một cách tự nhiên, chân thành bằng giọng thơ tâm tình đằm thắm (mà Xuân Diệu gọi là “thơ rất đỗi trữ tình”).