Điều trị bệnh Bạch Hầu bằng kháng sinh
2020-06-26T03:45:22-04:00
2020-06-26T03:45:22-04:00
https://sachgiai.com/Y-khoa/dieu-tri-benh-bach-hau-bang-khang-sinh-13338.html
https://sachgiai.com/uploads/news/2020_06/dieu-tri-benh-bach-hau.jpg
Sách Giải
https://sachgiai.com/uploads/sach-giai-com-logo.png
Thứ sáu - 26/06/2020 03:41
Bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính gây nên do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu, tên khoa học là Corynebacterium diphtheriae. Bạch hầu trong tiếng Anh là diphtheria có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp: diphtherà có nghĩa là "miếng da động vật" do bệnh thường đặc trưng bằng một lớp màng giả trong họng hầu hay trong mũi, trên da.
I. Đặc điểm lâm sàng của bệnh Bạch Hầu
1. Biểu hiện lâm sàng
- Viêm họng, mũi, thanh quản
- Họng đỏ, nuốt đau
- Da xanh, mệt, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ
- Có giả mạc màu trắng ngà hoặc xám dính chặt vào xung quanh tổ chức viêm, bóc ra sẽ bị chảy máu.
2. Cơ chế lây bệnh
- Thời gian ủ bệnh: 2 tuần
- Lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp qua đường hô hấp
- Khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn
3. Biến chứng nguy hiểm
- Viêm cơ tim, tiên lượng rất xấu, tỉ lệ tử vong rất cao
- Viêm dây thần kinh dẫn đến liệt các dây thần kinh vận nhãn, cơ chỉ, cơ hoành
- Viêm kết mạc mắt
- Suy hô hấp do tắc nghẽn đường hô hấp, có thể xảy ở trẻ em, đặc biệt là trẻ nhũ nhi
II. Phương phá điều trị bệnh Bạch Hầu
1. Điều trị trung hoà độc tố bằng Serum anti diphterique (SAD):
SAD được điều chế từ huyết thanh ngựa, nó là một protein lạ đối với cơ thể người, vì vậy trước khi sử dụng phải thử test ở kết mạc mắt hoặc tiêm trong da. Khi dùng SAD phải chuẩn bị sẵn Epinephrine để phòng sốc phản vệ. Đối với SAD có độ tinh khiết cao có thể pha với dung dịch muối đẳng trương truyền tĩnh mạch trong vòng 30 - 60 phút. Tuy nhiên hiện nay SAD có độ tinh khiết kém hơn nên dùng đường tiêm bắp hay đường dưới da.
Liều kháng độc tố được cho tuỳ thuộc vào thể lâm sàng nhẹ, nặng và thời gian từ khi bị bệnh đến khi cho SAD.
- Tổn thương khu trú ở da: 20.000 - 40.000 đơn vị.
- Bạch hầu mũi, họng < 48 giờ: 20.000 - 40.000 đơn vị.
- Bạch hầu họng, thanh quản: 40.000 - 60.000 đơn vị.
- Bệnh lan toả thời gian chẩn đoán > 72 giờ: 80000 - 100.000 đơn vị.
- Bạch hầu ác tính + có triệu chứng “cổ bò”: 80.000 -100.000 đơn vị.
2. Điều trị loại bỏ vi khuẩn bằng kháng sinh:
Kháng sinh không thể điều trị thay thế kháng độc tố nhưng rất cần thiết để ngăn chặn sự sản xuất tiếp tục độc tố của vi khuẩn.
Chỉ có Penicilline và Erythromycine là 2 loại kháng sinh được khuyến cáo dùng.
Liều dùng như sau:
- Erythromycine cho theo đường uống với liều 40 - 50 mg/kg/ngày, liều tối đa 2 g/ngày.
- Penicillin G tiêm bắp hoặc tĩnh mạch với liều 100.000 - 150.000 đơn vị/kg/ngày chia 4 lần, hoặc cho Procaine Penicillin với liều 25.000 - 50.000 đơn vị/kg/ngày chia 2 lần theo đường tiêm bắp.
- Liệu trình điều trị 14 ngày.
Điều trị hỗ trợ:
- Nghỉ ngơi, nước điện giải, khai khí quản, Prednisone. Đối với Prednisolone có chống chỉ định khi bệnh nhân biểu hiện biến chứng viêm cơ tim.
- Chủng ngừa là cần thiết sau thời kỳ hồi phục vì một nửa trường hợp sau khi hồi phục không có được miễn dịch với bệnh bạch hầu và tiếp tục có khả năng bị tái nhiễm.
III. Biện pháp phòng ngừa bệnh Bạch Hầu
Phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm ngừa bằng vaccine. Bạch hầu là một bệnh nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia:
- Mũi 1: Khi trẻ được 2 tháng tuổi
- Mũi 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng
- Mũi 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng
- Mũi 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi