Virus corona: Nguồn gốc - cơ chế lây nhiễm - phòng và điều trị bệnh

Chủ nhật - 02/02/2020 00:26
Virus corona, là một nhóm gồm các loại virus thuộc phân họ Coronavirinae trong Họ Coronaviridae, theo Bộ Nidovirales. Coronavirus gây bệnh ở các loài động vật có vú, bao gồm cả con người và chim. Coronavirus thường gây ra các triệu chứng cảm lạnh thông thường, nhiễm trùng mũi, xoang hoặc cổ họng và lây lan qua hắt hơi, ho. Tuy nhiên, nó có thể dẫn đến các bệnh hô hấp nghiêm trọng hơn ví dụ như hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và gây tử vong.
Virus corona: Nguồn gốc - cơ chế lây nhiễm - phòng và điều trị bệnh
Tên “coronavirus” có nguồn gốc từ tiếng Latin corona, có nghĩa là vương miện hoặc hào quang, và đề cập đến sự xuất hiện đặc trưng của virion dưới kính hiển vi điện tử (E. M.) với một rìa lớn, tạo thành một hình ảnh như vương miện hoàng gia hoặc vành nhật hoa. Hình thái học này được tạo ra bởi các peplomers tăng đột biến của virus, là các protein cư trú trên bề mặt của virus và xác định ái vật chủ.

Vào ngày 31 tháng 12 năm 2019, tại Chợ hải sản Hoa Nam, thành phố Vũ Hán, Trung Quốc - một chủng coronavirus gây nên dịch bệnh viêm phổi ở người và nhanh chóng lan rộng sang một số nơi khác trên thế giới. Chủng virus tại Vũ Hán đã được xác định là một chủng mới của dạng β CoV từ nhóm 2B với độ tương tự di truyền ~ 80% so với SARS-CoV 2003, chủng mới này được WHO đặt tên là 2019-nCoV. Virus này bị nghi ngờ là có nguồn gốc từ các động vật hoang dã như rắn và dơi, được lây lan do việc buôn bán tại chợ hải sản Hoa Nam, Vũ Hán.

Đường lây truyền của virus corona
Virus corona lây nhiễm từ người sang người theo 2 đường chính:

- Đường trực tiếp: Lây qua các giọt chất tiết cực nhỏ từ đường hô hấp của người bệnh. Mỗi lần người bệnh ho hay hắt hơi, hàng chục nghìn các giọt nhỏ li ti này sẽ bay lơ lửng trong môi trường xung quanh khiến người xung quanh hít phải trong phạm vi 1-2 m. Ngoài ra, các giọt chất tiết này có thể bám vào quần áo, đồ vật xung quanh và trở thành con đường thứ hai. Do đó, nên phải ho, hắt hơi đúng cách (che bằng khuỷu tay hay khăn giấy và rửa tay

- Đường gián tiếp: Lây qua tiếp xúc với các chất tiết của người bệnh qua đồ vật, môi trường xung quanh. Ví dụ như người bệnh lấy tay che miệng khi ho hay hắt hơi, bàn tay đầy mầm bệnh đó cầm lấy tay nắm cửa và để lại một tay nắm cửa đầy virus trên đó. Người kế tiếp cầm vào tay nắm cửa, đem virus để lên tay mình, sau đó cho vào miệng, chùi lên mắt, chăm sóc con cái, gieo rắc mầm bệnh cho mình và cả người xung quanh. Vì vậy, rửa tay bằng xà phòng là phương pháp phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm đơn giản mà hiệu quả.

Trong các con đường lây nhiễm trên, cách thứ nhất ít bị ảnh hưởng bởi điều kiện môi trường, người bệnh vừa hắt hơi thì người ngồi kế bên sẽ dính nhiều dịch tiết hơn cả. Con đường thứ hai sẽ bị tác động bởi môi trường rõ ràng hơn. Đó là vì mức độ lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp với đồ vật trong môi trường tuỳ thuộc việc con virus sống được bao lâu trong môi trường đó. Nó sống càng lâu, càng dai dẳng, khả năng lây nhiễm càng cao.

Điều kiện để virus corona lây nhiễm trong môi trường
Trong các nghiên cứu về khả năng tồn tại trong môi trường của virus gây bệnh SARS, người ta nhận thấy môi trường càng lạnh và càng khô (độ ẩm thấp) thì virus sống càng lâu.

Ở 4 độ C, virus sống hơn một tháng trong môi trường. Ở nhiệt độ phòng 22-25 độ C, độ ẩm 40-50%, virus sống khoẻ tới 5 ngày, sau đó giảm từ từ. Ở nhiệt độ vừa phải 28-33 độ C, độ ẩm không ảnh hưởng tới virus đáng kể, nó cũng có thể sống trong môi trường tới 4-5 ngày. Chỉ khi nhiệt độ đạt tới 38 độ C và độ ẩm đạt tới 80-90%, virus sẽ giảm mạnh sau 24 giờ. Nhiệt độ đạt tới 56 độ C, virus bị tiêu diệt sau 15 phút.

Điều này giải thích những nơi không quá nóng và có độ ẩm thấp như Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), dễ có dịch hơn các vùng nóng và ẩm như Thái Lan, Indonesia, Malaysia.

Nếu điều kiện nhiệt độ ở Hà Nội là 12 độ C, độ ẩm 76%, virus SARS sẽ sống tốt trong 4-5 ngày bên ngoài cơ thể. Ở TP.HCM là 24 độ C, độ ẩm 91%, SARS sẽ sống tốt khoảng một ngày. nCoV cũng là biến chủng của virus corona, do đó, khả năng sống sót sẽ không thua kém SARS.

Virus corona có kích thước nhỏ chỉ có thể lây truyền qua tiếp xúc dịch tiết và không thể bay lơ lửng trong không khí. Loại virus này phải được bao bọc trong môi trường mà nó phát tán. Môi trường này chính là những giọt dịch tiết từ cơ thể người phát ra ngoài khi nói chuyện, ho, hắt hơi… hoặc tiếp xúc các dịch tiết bám trên bề mặt, tay chân, quần áo… Người lành sẽ nhiễm bệnh khi tiếp xúc với các dịch tiết phát ra từ người mắc bệnh.

Cách phòng bệnh nCoV
- Để phòng lây nhiễm bệnh, người dân nên đeo khẩu trang để che chắn đường hô hấp, tránh hít phải các giọt bắn có nCoV; thay khẩu trang thường xuyên, không tiếp xúc với mặt ngoài của khẩu trang.
- Duy trì rửa tay thường xuyên để giảm tiếp xúc với virus gây bệnh và không mút tay, đưa tay lên miệng, mắt.

Dấu hiệu nhiễm nCoV ở người
- Thời gian ủ bệnh 2 – 14 ngày, trung bình khoảng 5 ngày.
- Triệu chứng lâm sàng điển hình bao gồm:
- Sốt cao 39, 40 độ kéo dài liên tục 1 - 2 ngày
- Ho liên tục, ho khan
- Khó thở
- Cơ thể ớn lạnh
- Đau nhức toàn thân
- Mệt mỏi
- Suy hô hấp dẫn đến tử vong
Những triệu chứng này phát triển nhanh thành viêm phổi cấp và có khả năng gây tử vong nếu không có can thiệp điều trị kịp thời.

Điều trị khi nhiễm bệnh nCoV
Hiện nay chưa có thuốc kháng virus đặc hiệu cho coronavirus. Hầu hết những người mắc bệnh coronavirus thông thường sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, có thể làm một số điều để làm giảm các triệu chứng nếu có:
- Uống thuốc giảm đau và hạ sốt (Chú ý: không cho trẻ em uống Aspirin)
- Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng hoặc tắm nước nóng để giúp giảm đau họng và ho.
- Nếu bị bệnh nhẹ nên uống nhiều nước, ở nhà và nghỉ ngơi.
- Nếu các triệu chứng không giảm, nên đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị, cách ly kịp thời.
- Những trường hợp nặng cần được chăm sóc đặc biệt tại khu vực cách ly sử dụng thông khí nhân tạo và oxy hóa màng ngoài cơ thể (ECMO).

Tuy nhiên theo thông tin mới nhất thì Nga đã công bố thuốc và phát đồ điều trị virus corona mới, đó là các loại thuốc: Ribavirin, Lopinavir/Ritonavir và Interferon beta-1b. Trong đó Ribavirin từng được sử dụng trong điều trị dịch SARS năm 2003 ở Trung Quốc.

  Ý kiến bạn đọc

THÀNH VIÊN

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây