1. Chuẩn bị
- Đọc trước truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa, tìm hiểu thêm thông tin về nhà văn Thạch Lam.
Trả lời:
- Thạch Lam (1910 – 1942) sinh ra và học tập tại Hà Nội nhưng thuở nhỏ sống ở phố huyện Cẩm Giàng - Hải Dương.
- Sau khi đỗ Tú tài, ông thôi học về làm báo với anh và gia nhập Tự lực văn đoàn.
- Là người thông minh, trầm tĩnh, điềm đạm, đôn hậu và rất tinh tế
- Sáng tác thường hướng vào cuộc sống cơ cực của những người dân thành thị nghèo và vẻ đẹp nên thơ của cuộc sống thường nhật.
- Cốt truyện đơn giản thuộc hoặc không có cốt truyện.
- Thạch Lam đi sâu vào thế giới nội tâm nhân vật.
- Có sự hòa quyện tuyệt vời giữa hai yếu tố hiện thực và lãng mạn, tự sự và trữ tình.
- Ông để lại các tác phẩm tiêu biểu như: “Gió đầu mùa” (1937), “Nắng trong vườn” (1938), “Sợi tóc” (1942), “Ngày mới” (1939), “Theo dòng” (1941), “Hà Nội ba sáu phố phường” (1943), ...
- Tìm đọc, ghi lại một vài ý kiến về truyện ngắn trữ tình, giàu chất thơ của nhà văn Thạch Lam.
Trả lời:
- Nhà văn Thạch Lam (1910 – 1942):
+ Ông tên thật là Nguyễn Tường Lân, sinh ra và học tập tại Hà Nội nhưng thuở nhỏ sống ở phố Cẩm Giàng – Hải Dương. Sau khi đỗ Tú tài, ông thôi học về làm báo với anh và gia nhập nhóm Tự Lực văn đoàn.
+ Ông là người thông minh, trầm tính, điềm đạm, đôn hậu và rất tinh tế.
+ Về quan điểm sáng tác: theo Thạch Lam, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực, nó tác động sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm của con người. Ông quan niệm “Đối với tôi văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn”.
+ Các tác phẩm tiêu biểu: Gió đầu mùa (1937), Nắng trong vườn (1938), Sợi tóc (1942), Ngày mới (1939), Theo dòng (1941), Hà Nội băm sáu phố phường (1943),…
+ Về phong cách nghệ thuật: ông thường sáng tác hướng vào cuộc sống cơ cực của những người dân thành thị nghèo và vẻ đẹp nên thơ của cuộc sống thường nhật, cốt truyện đơn giản, thuộc hoặc không có cốt truyện. Đồng thời, có sự hòa quyện tuyệt vời giữa hai yếu tố hiện thực và lãng mạn, tự sự và trữ tình.
- Ý kiến về truyện ngắn trữ tình, giàu chất thơ của nhà văn Thạch Lam: Chất thơ trong truyện ngắn được tạo nên khi nhà văn chú ý khai thác và biểu hiện một cách tinh tế cái mạch cảm xúc, tâm trạng, tình cảm của nhân vật hoặc của chính mình trước thế giới bằng những chi tiết, hình ảnh đầy gợi cảm và một lối văn trong sáng, truyền cảm, phù hợp với nhịp điệu riêng của cảm xúc, tâm hồn. Một truyện ngắn (hoặc tác phẩm văn xuôi) được coi là giàu chất thơ khi mối bận tâm của người viết không đặt vào việc kể lại một biến cố, sự việc, hành động mà là việc làm bật lên một trạng thái của đời sống hoặc của tâm hồn con người.
- Đã có lần nào em cho hoặc tặng bạn một món quà mà chưa xin phép bố mẹ? Câu chuyện sau đó như thế nào? Hãy nhớ lại và chuẩn bị chia sẻ trước lớp (nếu có).
Trả lời:
- Đã có lần em tặng cho người bạn thân một món quà vào dịp chia tay bạn ấy khi bạn chuẩn bị chuyển đến thành phố khác sinh sống mà em chưa xin phép mẹ. Món quà là những bông hoa hồng em ngắt trong vườn của mẹ em. Sau đó, em bó thành một bó hoa rồi đem tặng cho bạn. Khi mẹ đi chợ về nhìn thấy vườn hoa trống trơn, mẹ em đã rất buồn lòng, bởi những bông hoa đó mẹ định mang đi bán để dành dụm ít tiền sắm quần áo mới cho em khi bước vào năm học mới. Sau sự việc đó, mẹ đã không trách mắng mà lại khen em vì biết trân trọng tình bạn nhưng cũng nhẹ nhàng dặn dò rằng lần sau em nên xin phép, hỏi ý kiến của người lớn trước khi thực hiện bởi có thế khiến người lớn không hài lòng và gây ra nhiều hậu quả khác. Nghe lời mẹ, từ đó em đã rút ra bài học cho bản thân mình.
2. Đọc hiểu
* Nội dung chính: Văn bản nói về sự khác biệt giữa những đứa trẻ sống trong gia đình khá giả và nghèo khó. Câu chuyện thấm đậm tình yêu thương giữa người với người, ấm áp như những chiếc áo mùa đông nảy nở trong lòng những đứa trẻ thông qua hai nhân vật Sơn và Lan. Qua đó, ta thấy được nỗi khổ đau, bất hạnh, cùng hoàn cảnh éo le của những con người nghèo khổ, vừa cảm nhận sâu sắc tình người ấm nồng, cao quý, để từ đó càng thấy biết ơn, trân trọng cuộc sống hơn.
* Trả lời câu hỏi giữa bài:
Câu 1 - Trang 19: Chú ý nhan đề và bối cảnh của truyện.
Trả lời:
- Nhan đề của truyện đã gợi ra một bối cảnh mùa đông lạnh giá, ẩn trong đó là một câu chuyện ấm áp về tình đời, tình người.
Câu 2 - Trang 19: Những chi tiết nào cho thấy trời rất lạnh?
Trả lời:
- Những chi tiết cho thấy trời rất lạnh:
+ Qua một đêm mưa rào, trời bỗng đổi gió bấc, cái lạnh ở đâu đến làm cho người ta tưởng đang ở giữa mùa đông rét mướt.
+ Đất trời khô, cơn gió vi vu bốc lên những màn bụi nhỏ, thổi lăn những cái lá khô lạo xạo.
+ Trời không u ám, toàn một màu trắng đục.
+ Những cây lan trong chậu, lá rung động và hình như sắt lại vì rét.
+ Sơn kéo chăn lên đắp cho em, rồi co ro đứng dậy sang phản bên này…
+ Sơn cầm lấy chén chè nóng ấp và mặt, vào má cho ấm, rồi để miệng chén cho hơi bốc lên.
+ Người vú già xù xù cái áo bông cánh rách, xách siêu nước từ dưới nhà lên, vừa xuýt xoa vừa nói: - Rét quá! Múc nước cóng cả tay.
Câu 3 - Trang 20: Chú ý chi tiết cái áo bông của Duyên.
Trả lời:
- Chi tiết cái áo bông của Duyên: cánh đã cũ nhưng vẫn còn lành lặn.
Câu 4 - Trang 20: Thử hình dung dáng điệu, tâm trạng của Sơn khi chuẩn bị đi chơi.
Trả lời:
Sơn mặc những chiếc áo ấm, xúng xính ra chợ khoe với đám trẻ khác về những chiếc áo đó.
Câu 5 -Trang 20: Tại sao lũ trẻ thấy chị em Sơn thì tỏ ra vui mừng nhưng không dám vồ vập?
Trả lời:
- Lũ trẻ nhìn thấy chị em Sơn thì tỏ ra vui mừng nhưng không dám vồ dập vì: hai chị em cũng cùng trang lứa với lũ trẻ nơi đây, chúng tỏ ra vui mừng vì có bạn chơi cùng, có thể quây quần đùa nghịch với nhau. Nhưng hiện thực thì không cho phép chúng làm điều ấy bởi chúng là những đứa trẻ nghèo khổ, vì biết thân phận của mình, tầng lớp cách xa so với hai chị em Sơn. Chúng là những đứa trẻ hiểu chuyện.
Câu 6 - Trang 21: Các câu đối thoại ở đây cho thấy thái độ gì của bọn trẻ?
Trả lời:
Các câu đối thoại cho thấy sự hiếu kỳ của lũ trẻ về bộ quần áo của Sơn, bởi với chúng những bộ quần áo thế này rất đắt tiền và chỉ có thể mua ở Hà Nội.
Câu 7 - Trang 21: Hoàn cảnh của Hiên thế nào?
Trả lời:
- Hoàn cảnh của Hiên: nhà nghèo, mẹ Hiên chỉ có nghề đi mò cua bắt ốc, Hiên mặc manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay, đứng co ro trong tiết trời mùa đông buốt rá.
Câu 8 - Trang 22: Tại sao Sơn thấy “ấm áp vui vui”?
Trả lời:
- Sơn thấy “ấm áp vui vui” vì cậu cảm thấy mình đã làm được một việc tốt, việc có ích, có thể an ủi, động viên, lan tỏa được tình yêu thương đến đứa trẻ nghèo, tuy chỉ là hành động nhỏ nhưng cũng thấy được tấm lòng nhân ái, “thương người như thể thương thân” được tác giả khắc họa.
Câu 9 - Trang 22: Tâm trạng lo sợ của hai chị em Sơn được thể hiện qua những chi tiết nào?
Trả lời:
Tâm trạng lo sợ của hai chị em Sơn được thể hiện qua những chi tiết: Sơn lo quá, sắp ăn bỏ bữa, đứng dậy, van; hai chị em Sơn đi tìm Hiên đòi lại áo; hai chị em đổ lỗi cho nhau về chiếc áo khi không tìm thấy Hiên.
Câu 10 - Trang 23: Vì sao chị em Sơn cho cái áo ấy lại bị mắng?
Trả lời:
- Chị em Sơn cho cái áo ấy lại bị mắng vì: hai chị em đã giấu mẹ, mang sang cho Hiên và chính chiếc áo đấy lại là của bé Duyên, chiếc áo kỉ vật đầy thiêng liêng của đứa em đã mất mà khi nhắc đến mẹ luôn cảm thấy đau lòng và xúc động nên chiếc áo đó không thể cho đi.
Câu 11 - Trang 23: Câu nói của mẹ Hiên thể hiện điều gì?
Trả lời:
- Câu nói của mẹ Hiên thể hiện bà là một người rất hiểu chuyện và có lòng tự trọng. Mặc dù nghèo khổ, không có đủ khả năng để may cho con mình một chiếc áo mới nhưng khi sự việc ấy xảy ra, thấy con mặc chiếc áo mà Sơn đưa cho đã lập tức đem trả áo ngay.
Câu 12 - Trang 23: Kết thúc truyện có gì bất ngờ?
Trả lời:
- Kết thúc truyện: biết hoàn cảnh gia đình nhà Hiên, mẹ Sơn đã liền đưa cho mẹ Hiên mượn năm hào để may áo cho Hiên. Và ngay sau đó, đã có hành động mặc áo ấm cho con, không hề trách mắng con về chuyện đứa cái áo kỉ vật. Qua đó, ta thấy được mẹ Sơn là một người giàu lòng yêu thương, có hành động đầy sự ấm áp giữa sự lạnh lẽo của tiết trời mùa đông.
* Trả lời câu hỏi cuối bài:
Câu 1 - Trang 24: Hãy tóm tắt nội dung chính của truyện Gió lạnh đầu mùa. Xét về cốt truyện, văn bản Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) và Tôi đi học (Thanh Tịnh) có gì giống nhau?
Trả lời:
- Tóm tắt truyện: Một buổi sáng, Sơn thức dậy và cảm nhận được mùa đông đã đến. Chị và mẹ Sơn đều đã dậy, ngồi quạt hỏa lò để pha nước chè uống. Mọi người trong nhà đều đã mặc áo ấm. Riêng Sơn được mẹ mặc cho một cái áo vệ sinh màu nâu sẫm với một cái áo dạ khâu chỉ đỏ. Hai chị em ra ngoài chơi. Những đứa trẻ trong xóm nhìn thấy chị em Sơn với những chiếc áo ấm liền đến gần xuýt xoa khen ngợi. Chị Lan nhìn thấy Hiên đứng ở xa, liền đến gần hỏi han. Nhà nghèo, Hiên không có áo ấm để mặc. Sơn nhìn thấy động lòng thương, nói với chị Lan về nhà lấy chiếc áo bông cũ cho Hiên mặc. Khi nghe người vú già nói, sợ mẹ mắng, Sơn và Lan sang nhà Hiên đòi áo nhưng không có ai ở nhà. Về nhà thì thấy mẹ Hiên đang ngồi nói chuyện với mẹ mình. Mẹ Sơn thấy nhà Hiên nghèo khổ bèn cho mẹ Hiên mượn năm hào may áo ấm cho con. Khi mẹ con Hiên ra về, mẹ Sơn ôm hai con vào lòng rồi hỏi: “Hai con tôi quý quá, dám tự do lấy áo đem cho người ta, không sợ mẹ mắng ư?”.
- Xét về cốt truyện, văn bản Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) và Tôi đi học (Thanh Tịnh) đều nói đến những điều giản đơn, gần gũi, xoay quanh về sự việc xảy ra trong đời thường của con người nhưng dễ dàng chạm lấy trái tim của bạn đọc về sự chiêm nghiệm trong cuộc sống.
Câu 2 - Trang 24: Những chi tiết nào trong truyện giúp em hình dung ra bối cảnh chị em Sơn cho chiếc áo bông? Bối cảnh ấy cho em biết gì về cuộc sống được miêu tả trong truyện?
Trả lời:
- Những chi tiết trong truyện giúp em hình dung ra bối cảnh chị em Sơn cho chiếc áo bông: lũ trẻ ăn mặc không khác với ngày thường, run lên vì rét, môi chúng tím lại, da thịt thâm đi; Hiên đứng co ro bên cột quán, trên người chỉ mặc một chiếc áo rách tả tơi hở cả lưng và tay;...
- Bối cảnh này cho thấy cuộc sống nghèo khổ của những gia đình lao động nơi miền quê nghèo trong thời kì này, sự đủ đầy của chị em Sơn hoàn toàn đối lập với sự thiếu thốn thảm thương của lũ trẻ hàng xóm.
Câu 3 - Trang 24: Phân tích diễn biến tâm trạng của Sơn trước và sau khi cho chiếc áo. Chi tiết nào làm em chú ý và xúc động nhất? Vì sao?
Trả lời:
- Tâm trạng của Sơn trước khi cho chiếc áo: động lòng thương khi thấy hoàn cảnh của Hiên và nhớ đến đứa em gái đã mất của mình ngày trược cũng thường hay chơi, đùa nghịch với Hiên ở vườn nhà, thì thầm với chị mong muốn đem cho Hiên cái áo bông cũ, trong lòng tự nhiên thấy ấm áp vui vui.
- Tâm trạng của Sơn sau khi cho chiếc áo: niềm vui không được bao lâu thì Sơn cảm thấy lo lắng, sợ hãi khi biết được tin cái Sinh sẽ đi mách với mẹ mình về việc chiếc áo. Cậu muốn giúp đỡ Hiên nhưng trong lòng lại lo sợ mẹ trách phạt nên đã đi tìm Hiên để đòi lại áo.
- Chi tiết làm em xúc động nhất: chi tiết Sơn thấy động lòng thương trước hoàn cảnh của Hiên và muốn đem chiếc áo bông cũ cho Hiên. Qua đây, nhân vật Sơn đã cho em biết được rằng ở đâu đó, trong xã hội cũ, tình người, sự thương yêu ấm áp, lòng nhân ái với những hoàn cảnh bất hạnh ngoài xã hội vẫn còn.
Câu 4 - Trang 24: Nhận xét về thái độ và cách ứng xử của hai bà mẹ (mẹ Sơn và mẹ Hiên) trong phần cuối của truyện. Theo em, vì sao mẹ Sơn lại không hài lòng khi chị em Sơn cho Hiên chiếc áo bông ấy?
Trả lời:
Thái độ và cách ứng xử của mẹ Sơn thể hiện sự điềm tĩnh, quan tâm và yêu thương đối với người khác. Biết mẹ Hiên là một người có lòng tự trọng mẹ Sơn đã giúp đỡ bằng cách cho vay tiền để mẹ Hiên không cảm thấy bị xúc phạm và khó xử.
Thái độ và cách ứng xử của mẹ Hiên cho thấy bà là một người có lòng tự trọng, không tham lam thứ không phải là của mình nhưng cũng vô cùng yêu thương con.
Mẹ Sơn không hài lòng khi hai chị em Sơn cho Hiên chiếc áo bông vì chiếc áo ấy là kỉ vật của em Duyên, hai chị em Sơn chưa hỏi ý kiến của mẹ mà đã tự ý đem đi cho.
Câu 5 - Trang 24: Có người cho rằng, truyện Gió lạnh đầu mùa chỉ có ý nghĩa đơn giản là việc cho chiếc áo bông cũ. Em có đồng ý không? Vì sao? Theo em, truyện ngắn này có ý nghĩa như thế nào?
Trả lời:
- Em không đồng ý với ý kiến đó. Bởi ẩn sâu trong câu chuyện cho chiếc áo bông cũ thì đó là tình người với nhau trong cuộc sống. Câu chuyện đã để lại dư âm trong lòng độc giả, khiến độc giả vừa thấm thía nỗi khổ đau, bất hạnh, hoàn cảnh éo le của những con người nghèo khổ, vừa cảm nhận sâu sắc tình người ấm nồng, cao quý, thiêng liêng; từ đó thêm trân trọng cuộc sống này hơn.
- Ý nghĩa truyện Gió lạnh đầu mùa: Truyện cho thấy sự khác biệt giữa những đứa trẻ sống trong gia đình khá giả và nghèo khổ. Đồng thời, truyện còn ca ngợi tình yêu thương, tấm lòng nhân ái của con người. Truyện mãi mãi để lại trong lòng người sự ấm áp của tình người và tình đời.
Câu 6 - Trang 24: Vẻ đẹp của truyện Gió lạnh đầu mùa không chỉ hiện lên qua hình thức (câu chữ, hình ảnh,…) mà còn ở tình cảm trong sáng của những tấm lòng nhân hậu bao dung. Hãy viết đoạn văn (khoảng 10 – 12 dòng) làm rõ nhận xét đó.
Đoạn văn 1:
Thạch Lam là một trong những cây bút xuất sắc của văn xuôi Việt Nam với những đóng góp tiêu biểu để lại cho đời. Một trong số đó là tác phẩm Gió lạnh đầu mùa, tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của ông theo đuổi. Truyện là dòng chảy tâm trạng với những biến thái tinh vị, chất trữ tình, hiện thực đan cài và đằng sau tác phẩm thấp thoáng một cái tôi giàu lòng nhân hậu. Với Gió lạnh đầu mùa, vẻ đẹp của tình yêu thương con người, viết về mùa đông với cái rét khắc nghiệt nhưng câu chuyện lại mang đến cho chúng ta cảm thấy ấm áp đến lạ kì. Cái ấm áp của tình người không phân biệt đẳng cấp, sang hèn. Cái ấm áp của một gia đình bé nhỏ nhưng dạt dào yêu thương tù vú già, mẹ, đến các con và đặc biệt đối với đứa em gái nhỏ đã mất. Cái ấm áp được tạo nên nhờ những đứa trẻ nhỏ với tâm hồn ngây thơ, trong sáng chưa vướng chút bụi trần. Qua đó, tác phẩm đã truyền tải đến một thông điệp sâu sắc, giàu ý nghĩa nhân văn: gió lạnh nhưng tình người không lạnh.
Đoạn văn 2:
Truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” của tác giả Thạch Lam là tác phẩm không chỉ mang vẻ đẹp hình thức mà còn mang vẻ đẹp về tình cảm trong sáng của những tấm lòng nhân hậu bao dung. Mở đầu câu chuyện ta thấy hình ảnh của gia đình Sơn hiện lên đủ đầy và ấm cúng. Thế nhưng trái ngược hoàn toàn với sự đủ đầy ấy lại là sự thiếu thốn của những đứa trẻ hàng xóm. Trong cái ngày lạnh bất ngờ ấy, lũ trẻ run rẩy trong những manh áo rét, đặc biệt là cái Hiên với chiếc áo rách tả tơi. Từng câu chữ được sử dụng trong tác phẩm đã góp phần tạo nên những hình ảnh rõ nét về nông thôn Việt Nam thế kỉ trước. Bên cạnh đó ta còn thấy được thông điệp nhân đạo mà tác giả gửi gắm qua hành động ấm áp của hai chị em Sơn. Tuy còn nhỏ nhưng hai chị Sơn đã biết động lòng trước những hoàn cảnh khó khăn, sẵn sàng cho đi mà không màng tới hậu quả. Đó cũng chính là chi tiết sáng giá làm nên sự ấm áp giữa người với người. Ngoài ra chi tiết người mẹ bao dung cho lỗi làm của hai chị em cũng là một tình tiết đắt giá. Cách cư xử của người mẹ khi các con mắc lỗi cho thấy tấm lòng bao dung mà người mẹ dành cho những đứa con của mình. Truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” là một bức tranh ấm áp tình người được vẽ lên bới ngôn từ, hình ảnh và tấm lòng của nhà văn với con người.