Bài tập 1. Hãy khoanh tròn vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất.
Câu 1. Đối tượng nào sau đây có quyền tố cáo?
a. Cá nhân.
b. Cơ quan.
c. Tổ chức.
d. Đoàn thể.
Câu 2. Việc đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét lại quyết định khi cho rằng quyết định đó xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của mình đã thể hiện quyền gì của công dân?
a. khiếu nại.
b. tố cáo.
e. kiến nghị.
d. yêu cầu.
Câu 3. Khi công dân phát hiện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước thì họ có quyền?
a. khiếu nại.
b. tố cáo.
c. kiến nghị.
d. yêu cầu.
Bài tập 2. Lựa chọn đáp án đúng nhất để điền vào những chỗ trống dưới đây sao cho đúng với kiến thức đã học:
Câu 1. Mục đích của việc khiếu nại là nhằm …… quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại đã bị xâm hại. Mục đích của tố cáo là nhằm ngăn chặn các việc làm trái pháp luật, xâm hại đến lợi ích của nhà nước và công dân.
a. tìm kiếm
b. bảo vệ
c. khôi phục
d. phát hiện
Câu 2. Quyền khiếu nại, tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân trước hết được ghi nhận trong …?
a. Hiến pháp
b. pháp luật
c. chỉ thị
d. nghị định
Bài tập 3. Hãy chọn phương án đúng, sai bằng cách đánh dấu (X) vào các cột tương ứng.
Nội dung | Đúng | Sai |
1. Khi thực hiện quyền tố cáo cần trung thực, khách quan, thận trọng. | | |
2. Nếu tố cáo không đúng sự thật thì cũng không được gọi là đã vi phạm pháp luật. | | |
3. Người khiếu nại, tố cáo không được viết đơn mà phải trực tiếp khiếu nại, tố cáo đến cơ quan, nhà nước có thẩm quyền. | | |
4. Người thực hiện khiếu nại, tố cáo sẽ được pháp luật bảo vệ. | | |
5. Quyền khiếu nại, tố cáo là những quyền cơ bản của công dân trước hết được ghi nhận trong Hiến pháp. | | |
Bài tập 4. Câu hỏi trong phần Gợi ý của bài học.
Khi các tình huống dưới đây xảy ra, theo em, nên xử lí thế nào?
1. Em nghi ngờ một địa điểm là nơi buôn bán, tiêm chích ma tuý.
2. Em biết người lấy cắp xe đạp của bạn An cùng lớp.
3. Anh H bị giám đốc cho thôi việc mà không nêu rõ lí do.
Bài tập 5. Em hãy phân biệt sự giống nhau và khác nhau giữa khiếu nại và tố cáo bằng cách ghi ý kiến của em vào bảng dưới đây:
Tiêu chí so sánh | Khiếu nại | Tố cáo |
Người sử dụng | | |
Đối tượng hướng đến | | |
Mục đích | | |
Bài tập 6. Khi phát hiện thấy Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chị Bình vượt quá thẩm quyền, ông Ân (hàng xóm nhà chị Bình) có quyền khiếu nại quyết định trên của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận không? Vì sao?
Bài tập 7. Hãy nhận xét và phát biểu suy nghĩ của mình về ý kiến sau: Thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo không phải là tham gia quản lí nhà nước mà chỉ để bảo vệ lợi ích của bản thân công dân.
ĐÁP ÁN – HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI
Bài tập 1. Câu 1.a, Câu 2.a, Câu 3.b.
Bài tập 2. Câu 1.c, Câu 2.a.
Bài tập 3. Đúng: 1, 4, 5; Sai: 2, 3.
Bài tập 4.
Trường hợp 1 và 2: Nhanh chóng báo cho người lớn biết để tố cáo với chính quyền địa phương.
Trường hợp 3: Làm đơn hoặc trực tiếp khiếu nại với các cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình.
Bài tập 5.
Tiêu chí so sánh | Khiếu nại | Tố cáo |
Người sử dụng | Cá nhân, tổ chức có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm hại | Bất cứ cá nhân nào |
Đối tượng hướng đến | Cán bộ công chức Nhà nước | Bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào |
Mục đích | Khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của chính người khiếu nại đã bị xâm phạm. | Phát hiện, ngăn chặn việc làm trái pháp luật xâm hại đến lợi ích của Nhà nước, tổ chức và cá nhân |
Bài tập 6. Ông Ân không có quyền khiếu nại quyết định trên của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận. Bởi vì quyền khiếu nại được dùng cho những người trực tiếp bị xâm hại lợi ích hợp pháp. Ở đây, ông Ân có thể dùng quyền tố cáo để ngăn chặn việc làm trái pháp luật xâm hại đến lợi ích của chị Bình.
Bài tập 7. Ý kiến trên là không đúng. Bởi vì việc bảo vệ lợi ích hợp pháp của bản thân công dân cũng góp phần tham gia quản lí nhà nước. Thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo sẽ giúp cho bộ máy nhà nước phát huy được sức mạnh của quần chúng trong việc tham gia xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch và hiệu quả.