CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP:
1. Điều kiện tự nhiên đã tạo những thuận lợi và khó khăn gì đối với phát triển nông nghiệp ở Ấn Độ ?
Trả lời:
a) Thuận lợi:
- Đồng bằng sông Hằng có những điều kiện tự nhiên thuận lợi để trồng cây lương thực, diện tích rộng vào loại nhất thế giới, đất phù sa màu mỡ, nằm trong khu vực gió mùa có nguồn nước dồi dào.
- Trên cao nguyên Đecan rộng lớn có thể trồng các loại cây lương thực và cây công nghiệp nhiệt đới chịu hạn.
- Đồng bằng ven biển nhỏ hẹp, đất đai màu mỡ có thể trồng được các loại cây lương thực và cây công nghiệp nhiệt đới có giá trị.
b) Khó khăn:
- Khô hạn và thiếu nước vào mùa đông, xuân trên diện rộng.
2. Nêu những tác động tiêu cực của bùng nổ dân số đối với phát triển kinh tế - xã hội ở Ấn Độ.
Trả lời:
Những tác động tiêu cực của bùng nổ dân số đối với phát triển kinh tế - xã hội ở Ấn Độ:
- Tốc độ gia tăng dân số cao làm cho Ấn Độ có dân số khổng lồ (năm 2000, dân số hơn 1 tỉ người, dự đoán 50 năm sau sẽ tăng đến 1,3 tỉ người, trở thành nước đông nhất thế giới, vượt cả Trung Quốc).
- Dân số tăng nhanh tạo nhiều nhu cầu vượt quá khả năng đáp ứng của nền kinh tế đưa đến những vấn đề khó khăn cho xã hội cần giải quyết như giáo dục, y tế, vệ sinh, môi trường, việc làm, nhà ở...
- Dân số tăng nhanh làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, góp phần làm trầm trọng hơn tình trạng nghèo khổ của đời sống ở nông thôn (trẻ em buộc phải lao động, thanh niên không có việc làm, giá công lao động rẻ mạt...).
3. Sự đa dạng, phức tạp về dân tộc, tôn giảo, đảng phái có ảnh hưởng như thế nào đến phát triển kinh tế- xã hội ở Ấn Độ?
Trả lời:
Ảnh hưởng của sự đa dạng, phức tạp về dân tộc, tôn giáo, đảng phái đến sự phát triển kinh tế- xã hội ở Ấn Độ:
- Sự đa dạng về dân tộc, ngôn ngữ, tôn giáo tạo cho Ấn Độ một nền văn hóa phong phú, đặc sắc với nhiều công trình kiến trúc, văn hóa, nhiều tác phẩm nghệ thuật lớn đã góp phần làm cho Ấn Độ trở thành một trong những cái nôi của nền văn minh cổ đại.
- Sự phức tạp về dân tộc, tôn giáo đã dẫn đến những mâu thuẫn, xung đột tôn giáo (Hồi giáo, Ấn giáo, Xích giáo...) dưới nhiều hình thức khác nhau. Một số xung đột tôn giáo, sắc tộc dẫn đến bạo loạn, li khai tại bang Gia-mu và bang Ka-sơ-mia, bang Pun Giáp.
- Sự bất đồng ý kiến giữa các đảng phái về chính sách đối nội nhiều khi làm chậm tiến trình cải cách ở Ấn Độ.
4. Dựa vào SGK và những hiểu biết của bản thân, hãy nêu những lợi thế về vị trí, tự nhiên đối với phát triển công nghiệp và nông nghiệp của Ấn Độ.
Trả lời:
a. Những lợi thế về vị trí, tự nhiên đối với phát triển công nghiệp:
- Về vị trí địa lí: thuận tiện cho thông thương trong khu vực bằng đường biển, đường hàng không, đường bộ.
- Về tài nguyên khoáng sản: có nhiều quặng sắt, dầu mỏ, than đá, man gan và tài nguyên biển lớn.
b. Những lợi thế về vị trí, tự nhiên đổi với phát triển nông nghiệp:
- Về địa hình, đất đai: Đồng bằng sông Hằng rộng lớn, đất phù sa màu mỡ, nguồn nước dồi dào; cao nguyên Đê-can rộng lớn thích hợp với các loại cây chịu hạn; dải đồng bằng ven biển đất đai màu mỡ trồng được cây lương thực và cây công nghiệp nhiệt đới có giá trị.
- Về khí hậu : chủ yếu là khí hậu nhiệt đới gió mùa, mưa nhiều, là nguồn cung cấp nước cho nông nghiệp.
5. Khó khăn lớn nhất mà tự nhiên gây ra đối với sự phát triển nông nghiệp của Ấn Độ là gì? Làm thế nào để khắc phục điều này?
Trả lời:
- Khó khăn lớn nhất mà tự nhiên gây ra đối với sự phát triển nông nghiệp của Ấn Độ là khô hạn, thiếu nước vào mùa đông, xuân trên diện rộng.
- Biện pháp khắc phục: làm thủy lợi (xây dựng các đập trên sông, làm các hồ chứa nước, xây dựng mạng lưới kênh mương, sử dụng tiết kiệm, hợp lí nguồn nước ngọt, chống ô nhiễm nguồn nước).