Những ngày gần đây, ông Nguyễn Quang Trường (ở phường Khuê Trung, Q.Cẩm Lệ) - ba của Thùy Dương - dậy sớm hơn thường lệ, ông ăn vội ổ bánh mì được vợ chuẩn bị sẵn, nhấm mấy ngụm trà rồi đi làm. Ông Trường nói, chịu khó đi sớm chút để kiếm thêm ít đồng đặng làm lộ phí cho con gái sắp vào TP.HCM nhập học. Nhắc đến chặng đường phía trước của con gái, đôi mắt bà Lê Thị Lan Chi, vợ ông Trường, thoáng lo âu. Với thu nhập từ nghề thợ nề của ông và đồng lương làm bảo vệ siêu thị ít ỏi của bà, khéo co kéo cũng chỉ đủ trang trải chi phí ăn uống, sinh hoạt hàng ngày cho hai đứa con và cha mẹ đã già không còn sức lao động. Như sợ ông Trường chùng lòng, bà động viên chồng “con cái được học hành đến nơi đến chốn là hạnh phúc rồi. Chứ quần quật cả năm nuôi con ăn học, nó lại ham chơi trốn học thì khổ”.
Lấy nhau gần 20 năm, bắt đầu với hai bàn tay trắng nhưng ông bà luôn tự nhủ phải cố gắng để sau này cho con cái có điều kiện học hành, tương lai sáng sủa hơn. Bà Chi tâm sự: “Trước đây tui là công nhân nhà máy thuốc lá, nhưng được vài năm thì nhà máy giải thể, tui mất việc. Mấy năm nay tui xin làm bảo vệ ở siêu thị Metro (Đà Nẵng). Lúc đầu lương tháng được 800 ngàn đồng. Đến nay lên được hơn 2 triệu đồng/tháng. Còn tiền công một ngày của ông ấy tầm hơn 100 ngàn đồng, nhưng nghề thợ nề ngày nắng mới có việc, có khi suốt cả mùa đông lại ngồi không ở nhà nên cũng bấp bênh lắm”. Hai vợ chồng ông Trường cày cuốc cật lực để nuôi hai đứa con đi học phổ thông đã vất vả, nay nhận tin con đỗ ĐH mừng mà lo lắm. Con đường đồng hành của Thùy Dương phía trước dài đến 4 năm. Bà Chi tính đến chuyện trước mắt là vay mượn tiền của bà con họ hàng. Sau khi con nhập học, sẽ xin vay vốn từ ngân hàng chính sách để trang trải học phí cho con. “Những năm con học phổ thông, mỗi khi vất vả quá tui từng nghĩ tới việc cho con nghỉ học, nhưng rồi một bữa họp phụ huynh, tui gặp nhiều người có hoàn cảnh khó khăn hơn, có người còn thế chấp cả sổ đỏ để con được tới trường, tui lại thay đổi suy nghĩ”, bà Chi nói.
Khi chúng tôi hỏi vì sao không khuyên con thi vào một trường gần nhà để chi phí đỡ tốn kém?, bà Chi phân trần: “Ban đầu tui cũng nghĩ vậy, định khuyên con nhưng thấy nó ham học và đam mê với ngành luật quá nên bàn với ông ấy đồng ý theo nguyện vọng của con. Cực chi thì cực, miễn cái ngành con thích và đủ khả năng thì mình cũng ủng hộ”.
Nhận được tin mình đỗ thủ khoa khối C và á khoa của Trường ĐH Luật TP.HCM, Thùy Dương khá bất ngờ. Bởi vì khi thi xong, em chỉ nghĩ là mình sẽ đỗ ĐH chứ không kỳ vọng đạt thủ khoa.
Dù là con nhà nghèo, không có điều kiện như những bạn cùng trang lứa nhưng Thùy Dương luôn đạt thành tích tốt trong học tập. Đặc biệt, cả 3 năm THPT em đều đạt giải nhất học sinh giỏi môn lịch sử cấp thành phố; huy chương bạc Olympic 30-4 môn lịch sử; giải ba kỳ thi học sinh giỏi môn lịch sử cấp quốc gia năm 2014.
Thùy Dương cho biết em thích học môn lịch sử. “Học lịch sử không phải học thuộc lòng mà người học cần hệ thống lượng kiến thức một cách logic và hiểu một cách tổng quát. Đối với từng chi tiết sự kiện thì cần ghi ra để nhớ. Nếu cần thì thống kê các con số ngày tháng bằng bảng để dễ nhớ và dễ xâu chuỗi kiến thức hơn” Thùy Dương bật mí.
Thầy Đặng Công Thành, giáo viên dạy môn lịch sử của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, nhận xét: “Thùy Dương là một học sinh có năng lực, thông minh và ham học hỏi. Dù gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng em luôn nỗ lực trong quá trình học tập, nhất là với môn chuyên sử để đạt được thành tích tốt”.
“Kết quả học tập và sự chăm ngoan của con là thứ tài sản duy nhất mà vợ chồng chúng tôi có sau hơn 20 năm cặm cụi làm thuê, làm mướn”, ông Nguyễn Quang Trường nói.