>> 'Thần đồng' tin học 13 tuổi giành hàng chục giải thưởngNguyễn Dương Kim Hảo, lớp 7 trường THCS Nguyễn Gia Thiều, quận Tân Bình, TP HCM, đam mê đặc biệt với các vi mạch và chip điện tử, mày mò cách ứng dụng chúng vào phục vụ thực tiễn cuộc sống. “Từ lúc học tiểu học, Hảo đã say sưa đọc sách tin học, ba là giáo viên vật lý nên em thường theo ba tìm hiểu về dòng điện, các mạch điện”, mẹ cậu học trò là bà Dương Trần Thanh Thảo cho biết.
Những sản phẩm của em xuất phát từ sự quan sát nhu cầu nho nhỏ của người thân. Ví dụ, em làm bảng điều khiển thông minh tự động ngắt dòng điện khi không sử dụng để tặng mẹ vì tính mẹ hay quên. Thấy chị họ lớp 11 đánh vật với những công thức hóa học khó nhớ, khó tra cứu, Hảo nảy ra ý tưởng chế chiếc máy tính cầm tay làm trợ thủ đắc lực cho môn hóa học.
Sau 6 tháng ròng mày mò nghiên cứu, cậu bé cũng cho ra đời chiếc máy tính hóa học. Để có được thành quả này, dù lịch học khá dày, trong khi bạn bè cùng trang lứa tranh thủ ngày nghỉ lễ đi chơi, em vẫn miệt mài bên bộ vi mạch, không hiếm hôm thức đến 2h sáng để nghiên cứu chế tạo chiếc máy tính đặc biệt.
Chiếc máy tính nhỏ cầm tay chứa đến gần 1.000 phương trình phổ biến về hóa vô cơ THCS và phần đầu môn Hóa bậc THPT. Máy tính hóa học giúp tiết kiệm thời gian trong khâu tìm kiếm, cân bằng phương trình, xem và nhận biết các chất hóa học. Nguyên lý của chiếc máy là tìm kiếm và lưu trữ qua bộ nhớ, xử lý kết quả qua vi mạch. Các bộ nhớ hiện tại tốc độ xử lý thông tin còn chậm, chỉ đạt 16 MHZ nên Hảo muốn nghiên cứu thêm. Hảo nhờ chị giảng về hóa học, rồi tự mày mò, thống kê các phương trình từ Internet và sách giáo khoa, nhờ các anh chị kiểm tra kỹ càng trước khi nhập vào bộ vi xử lý.
Ưu điểm dễ nhận thấy từ chiếc máy tính là sự tiện dụng, nhỏ gọn, đem theo được mọi lúc mọi nơi, phục vụ trực tiếp việc học hóa. Giá thành mỗi chiếc máy nếu được sản xuất đại trà sẽ ở mức 200.000 đến 300.000 đồng. Hảo nói: “Chiếc máy tính chưa được trang bị màn hình hiển thị và vỏ hộp nên chưa được đẹp mắt, thời gian tới em sẽ đầu tư hoàn thiện thêm”.
Cậu bé quê gốc Tiền Giang thường tranh thủ những buổi nghỉ trưa ở lớp học bán trú để lang thang chợ điện tử Nhật Tảo tìm từng con chíp, từng vi mạch cho bộ điều khiển. Niềm say mê máy móc, ưa tìm tòi của “nhà khoa học nhí” khiến các tiểu thương đặc biệt quý mến. Chiếc máy tính hóa học cũng thuyết phục hoàn toàn ban giám khảo cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo trẻ thành phố”, giúp Hảo giành giải nhất.
Ba mẹ Kim Hảo ủng hộ hết mình niềm đam mê của con trai. Họ đã chuyển nhà từ Tiền Giang lên Sài Gòn, chấp nhận cảnh ở trọ xa quê để Hảo có môi trường học tập tốt nhất và theo đuổi niềm đam mê.
Mẹ con Hảo ở trọ tại TP HCM, còn ba vẫn dạy vật lý ở Tiền Giang. Ảnh: Khánh Ly
Một sản phẩm hữu ích khác của Hảo là “Bảng điều khiển thông minh” giúp tắt tự động các thiết bị điện. Chiếc bảng điều khiển này cũng gây ấn tượng mạnh mẽ ở “Triển lãm quốc tế về công nghệ, sáng kiến sáng chế năm 2013” tại Malaysia. Khi đó Hảo là một cậu bé mới hơn 12 tuổi. Phát minh này của Hảo giành thêm giải thưởng lớn của Viện Sáng tạo Hàn lâm Hàn Quốc.
Hiện 13 tuổi và theo học lớp Lập trình viên của học viện FPT, trong lớp toàn các anh sinh viên, các chú đã đi làm, nhưng Hảo vẫn giữ vững phong độ học tập. Hảo liên tục đoạt danh hiệu học sinh giỏi. Mẹ Hảo kể, hễ có thời gian rảnh là con trai ngồi vào bàn hí hoáy với các vi mạch con chíp không biết chán. Còn cậu bé chỉ cười: “Mày mò sáng tạo cũng là lúc em thư giãn sau giờ học tập trên lớp”.
Trong căn phòng ẩm thấp ở quận 10 mà Hảo và mẹ đang trọ, có một góc sáng bừng những giấy khen, huy chương lưu niệm… cho thành tích của một tài năng không đợi tuổi. Mẹ Hảo cười: “Góc này quý nhất trong nhà”. Hảo là gương mặt nổi bật trong lễ tôn vinh 7 công dân trẻ tiêu biểu TP HCM mới đây vì “nhí” nhất và sở hữu bộ sưu tập khủng về các giải thưởng sáng tạo trong ngoài nước.
Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ, thạc sĩ Đoàn Kim Thành: “Hảo có năng khiếu rất đặc biệt về tin học. Các sản phẩm của Hảo đạt trình độ nổi trội mà những sinh viên xuất sắc chuyên ngành công nghệ thông tin bây giờ đều hướng tới”.