Chi đang là sinh viên năm thứ hai, lớp K30 chuyên ngành quản lý xã hội, khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Báo chí - Tuyên truyền.
Tôi gặp Chi trong một buổi tối mùa hè. Đó là cái buổi tối tôi không thể nào quên được. Hình ảnh một cô gái tật nguyền, ngồi lọt thỏm trong chiếc xe lăn đang mỉm cười rạng rỡ. Thì ra hôm đó là sinh nhật của Chi. Cô bạn cùng phòng tôi, chơi thân với Chi. Hôm đó rủ tôi qua sinh nhật. Đó là một sinh nhật đặc biệt của "những người bạn tật nguyền". Tôi được chụp ảnh cùng Chi.
Anh bạn chụp ảnh cho bọn tôi thật đặc biệt, đôi mắt của anh vĩnh viễn không thể nhìn thấy được. Vậy mà tôi không thể hiểu tại sao anh lại có thể chụp ảnh được. Không những thế, những bức ảnh được chụp lại rất đẹp. Tôi phục khả năng của anh. Và càng ngưỡng mộ chủ nhân của buổi sinh nhật Nguyễn Thị Thùy Chi. Tôi đã được trò truyện với bạn ấy.
Nguyễn Thị Thùy Chi, quê ở Lào Cai, là sinh viên năm thứ hai, lớp K30 chuyên ngành quản lý xã hội, khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Báo chí - Tuyên truyền. Chi bị cứng cơ bẩm sinh, tay chân rất khó cử động. Năm lên 4 tuổi, bố mẹ lại chia tay. Chi ở với bố và ông bà nội. Đó là một thiệt thòi cho bạn. Thương cháu, ông bà nội thay nhau cõng cháu đi học. Lớn lên, ông bà đặt Chi lên xe lăn và đẩy đến lớp. Tay không thể cầm được bút, Chi nhờ bạn bè khi chép bài thì đặt vở của Chi cùng tờ giấy than dưới vở bạn.
Nhờ sự cố gắng lỗ lực của bản thân mà Chi đã liên tục đạt học sinh giỏi và là tấm gương cho nhiều bạn noi theo. Năm lớp 11, Chi được chương trình "Hành trình kết nối những trái tim" trao tặng một chiếc máy tính, nhờ đó việc học của Chi phần nào bớt khó khăn. Với đam mê văn từ nhỏ, Chi tâm sự: "Mình yêu thích văn chương từ nhỏ và đặc biệt hâm mộ thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký. Thầy là một tấm gương sáng cho những người khuyết tật như mình noi theo".
Trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2010, Chi nộp đơn thi vào Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội. Trường hợp của Chi khiến các cán bộ làm công tác tuyển sinh khá bất ngờ.
Chi nói khi tham gia làm bài dự thi vào trường Đại học KHXH&NV, phòng thi chỉ có một mình Chi, nhưng có đủ 3 giám thị theo quy định. Chỉ có điều khác là một giám thị sẽ viết bài cho Chi, một giám thị khác giám sát giám thị kia chép và một giám thị quay camera và ghi âm quá trình làm bài của Chi. Sau khi làm bài xong, Chi được đọc lại bài làm của mình.
Kết quả Chi đạt 17 điểm, không đỗ khoa văn trường Nhân văn Chi hơi buồn, nhưng với số điểm 17 Chi đỗ đại học nguyện vọng 2, đĩnh đạc bước vào giảng đường của Học viện Báo chí tuyên truyền.
Cuộc sống xa nhà của những sinh viên gặp không ít khó khăn. Khó khăn càng chồng chất đối với một cô bé tứ chi tật nguyền như Chi. Tìm ra cách học và trang trải những lo toan của cuộc sống là điều khó khăn Chi phải đối mặt. Vì không thể tự mình ăn, không tự sinh hoạt được. Chi cần người giúp đỡ, hiện Chi được hai người bạn giúp đỡ. Đó là một bạn cùng lớp và một bạn bên trung tâm người khuyết tật nặng cử sang chăm sóc Chi.
Nói về ước mơ của mình, Chi thổ lộ: "Mình mong muốn được học tập và làm việc như người bình thường khác. Mình cố gắng học thật tốt để trở thành một nhà quản lý giỏi, để khẳng định người khuyết tật có thể làm được rất nhiều nếu được xã hội quan tâm và tạo cơ hội".
Chia tay Chi và mọi người trong buổi sinh nhật, tôi thật sự khâm phục Chi. Tự nhủ tôi sẽ cố gắng học tập. Cô bé tật nguyền ấy như truyền cho tôi thêm sức lực để phấn đấu. Tôi thấy được sự kiỳ diệu của Chi, mặc dù Chi chẳng thể giúp đỡ được ai, nhưng những điều Chi mang lại thì thật giá trị. Giờ đây tôi và Chi đã trở thành bạn thân. Chúng tôi hay tâm sự và cũng nhau nỗ lực trong học tập.
Hiện Chi đang phải nằm viện điều trị bệnh. Tôi thương Chi và khâm phục con người cô ấy. Khó khăn không làm cô bé khuyết tật này lùi bước. Chi đã làm cho tôi có một cái nhìn khác về những người khuyết tật. Chi là tấm gương để cho biết bao người noi theo. Đúng là "tàn nhưng không phế". Thùy Chi, cái tên, khuôn mặt, giọng nói, nụ cười vẫn còn mãi trong tôi.